(Xây dựng) – Đầu tư phát triển thủy điện được coi là “con gà đẻ trứng vàng” được nhiều nhà đầu tư lựa chọn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương từ Tây Bắc sang Đông Bắc luôn trải “thảm đỏ” để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, mà Hà Giang là một ví dụ điển hình. Nhưng chính vì điều này mà Hà Giang đang ngấm dần những hậu quả từ sự phát triển ồ ạt này.
Thủy điện được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của tỉnh Hà Giang, nhưng sau 10 năm những người dân bị mất đất vì thủy điện vẫn thiếu thốn, cuộc sống vẫn khó khăn.
Loại 27 thủy điện
Từ năm 2005 tỉnh Hà Giang đã coi phát triển thủy điện là một trong những ngành công nghiệp mới của tỉnh, phát triển mạnh mẽ nhằm khai thác nguồn “vàng trắng” giàu tiềm năng, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 72 dự án thủy điện được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, với tổng công suất lắp mắt lên đến 768,8MW.
Năm 2013, sau khi rà soát các dự án thủy điện UBND tỉnh Hà Giang thống nhất loại khỏi quy hoạch 27 dự án thủy điện vì năng lực yếu – kém, như: Thủy điện Sông Miện 2, Thanh Thủy 1A, Lũng Phìn, Cốc Rế, Sông Con 1, Ngòi Thàn, Ngòi Hít, Nậm Mu 1A, Nậm Khiêu, Bà Phòng...
Vậy nguyên nhân từ đâu mà tỉnh Hà Giang phải mạnh tay đến vậy, từ việc phát triển ồ ạt, thiếu sàng lọc ngay từ khi kêu gọi nên đã có không ít chủ đầu tư thiếu năng lực và kinh nghiệm cũng nhảy vào đầu tư khiến nhiều địa phương “sống dở chết dở” vì những lời hứa màu “hồng” tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Việc đầu tư phát triển thủy điện ở Hà Giang đã xuất hiện những tồn tại bất cập như chiếm dụng đất đai, tái định canh, định cư cho người dân tộc, vấn đề an sinh xã hôi, cảnh quan môi trường và vấn đề rủi ro trong quá trình vận hành khai thác các dự án thủy điện.
Việc xây dựng nhà máy thủy điện đã chiếm dụng đất nông nghiệp, đất rừng, đồng ruộng để làm hồ chứa. Thủy điện hình thành các bậc thang từ thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy, chế độ thủy văn, ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng môi trường sinh thái, tiềm ẩn nguy cơ gây thảm họa cho con người. Việc xây dựng nhà máy chưa đồng bộ với xây dựng hệ thống truyền tải điện, dẫn đến không phát huy hết công suất các nhà máy, gây lãng phí cho xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch thủy điện chưa tốt được tỉnh Hà Giang chỉ ra là do, chưa tính toán khoa học và chi tiết thủy năng trong giai đoạn quy hoạch, đặc biệt là hệ thống bậc thang nhằm xác định sơ đồ khai thác hợp lý nhất, mang lại hiệu quả khai thác thủy năng cao nhất.
Một ví dụ điển hình như sông Miện (là nhánh của sông Lô) hiện đang “cõng” 4 thủy điện là: Thái An, Thuận Hòa (đang xây dựng), sông Miện 5 và sông Miện 5A (Quý 1/2015 sẽ phát điện).
“Công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chưa sát với thực tế, chưa khoa học, dẫn đến thường xuyên điều chỉnh quy hoạch, loại bỏ nhiều dự án ra khỏi quy hoạch”, ông Hoàng Văn Nhu – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cho biết.
“Các thủy điện nhỏ ở Hà Giang bán điện cho EVN vào giờ cao điểm 3 tiếng buổi tối khiến nước sông Lô lên rất nhanh, chảy xiết, người dân sống ở đây cũng khổ lắm. Có năm do Thủy điện ở Trung Quốc xả nước, khiến TP Hà Giang ngập trong mấy ngày, người dân trên núi mà vẫn có ngập như ở đồng bằng”, anh Nguyễn Đình Vũ một người dân tâm sự.
“Dẹp” thủy điện dưới 3MW
Đây là ý kiến của ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng xung quanh vấn đề có nên hay không tiếp tục phát triển thủy điện công suất nhỏ dưới 3MW. “Quan điểm của tôi là nên dẹp thủy điện nhỏ công suất dưới 3MW, vì xây dựng một nhà máy thủy điện nhỏ hay lớn đều phải chặt cây, làm đường, phá núi làm mỏ đá, xây đập, tích nước... ảnh hưởng tới hệ sinh thái động thực vật rất lớn, cả ở thượng nguồn và hạ du. Trước hết, các địa phương phải tỉnh táo khi quy hoạch cũng như lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển thủy điện, bởi nó liên quan đến phát triển kinh tế địa phương. Những thủy điện nào công suất từ 10MW trở lên thì cho triển khai, dưới nó thì nên dẹp bởi không hiệu quả”, ông Trần Viết Ngãi cho hay.
Cuốn theo “cơn lốc” phát triển thủy điện là ngành mũi nhọn, hiện nay tỉnh Hà Giang đang phải “ngấm” những cơn đau mà các chủ đầu tư đang quay lưng để lại. Ví dụ như, thủy điện Bản Kiếng công suất 3,6MW (chủ đầu tư là Cty CP đầu tư xây dựng nông lâm Tôn Thọ) được khởi công từ năm 2006, dự án này hiện đang dừng thi công. Thủy điện Nậm Yên (huyện Xí Mần) công suất 3,8MW sau 58 tháng đầu tư, đến nay dự án vẫn đứng yên tại chỗ. Thủy điện Nậm Hóp công suất 4,8MW; Thủy điện Sông Miện 6; Thủy điện Sông Chảy 6, công suất 11MW do Cty CP Sông Đà 2 làm chủ đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Một điều đáng ngạc nhiên hơn đến năm 2015 khi điểm đấu nối đường điện 110kV quốc gia chưa được xây dựng đi qua huyện Hoàng Su Phì và Xí Mần, thì năm 2009 tỉnh Hà Giang “đã” phê duyệt 9 dự án thủy điện vừa và nhỏ nằm trên sông Lô và sông Chảy. Đáng chú ý là thủy điện sông Chảy 3 (6,3MW) và sông Chảy 4 (6,3MW) do Cty CP Thủy điện Nậm Mu làm chủ đầu tư từ năm 2010, nhưng đến nay mới hoàn thành xong công tác khảo sát địa hình, thiết kế cơ sở, báo cáo tác động môi trường. Đây là một minh chứng cho việc quy hoạch phát triển thủy điện một cách cẩu thả từ các ban ngành tỉnh Hà Giang, nếu tiếp tục làm nhà máy thủy điện thì sẽ khó khả thi.
Kỳ 2: Một dòng sông có tới 3-5 nhà máy thủy điện xây dựng, lấy đất của các hộ dân để làm hồ chứa nhưng phí dịch vụ bảo vệ môi trường chỉ có mấy chục nghìn mà mấy năm mới nhận một lần. Không những vậy nhiều thôn bản “sát” nhà máy vẫn chưa có điện.
Vũ Quang
Theo