(Xây dựng) - Chiều 23/10, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Kinh tế tuần hoàn: Hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu. Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế. Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Hội thảo nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, tạo diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho các doanh nghiệp trong việc triển khai các sáng kiến, các mô hình kinh doanh liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Kinh tế tuần hoàn - Phương thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; cơ hội và thách thức cho phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; khu công nghiệp sinh thái – mô hình hiệu quả của kinh tế tuần hoàn; mô hình tuần hoàn trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp…
Trong phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình khu công nghiệp sinh thái được đặt ra như một yêu cầu tất yếu, bởi một khu công nghiệp tái chế nước thải để sử dụng lại cho sản xuất có thể giảm được tới 40% lượng nước thải vào môi trường, cũng như giảm chi phí nước sạch đầu vào.
Tương tự, cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp có tiềm năng giảm sử dụng 20-40% nhiên liệu đốt của một số doanh nghiệp. Giải pháp cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái cũng là một trong những công cụ thực hành kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Diệu Anh
Theo