Thứ sáu 29/03/2024 16:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng để Việt Nam vững tin phát thải ròng bằng 0

15:43 | 28/06/2022

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, kinh tế tuần hoàn chính là giải pháp để tiếp tục vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

kinh te tuan hoan nen tang de viet nam vung tin phat thai rong bang 0
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho rằng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự thiên đang là “khủng hoảng kép” đối với nhân loại, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế theo hướng “xanh.” Trong đó, kinh tế tuần hoàn là nền tảng tạo ra “chìa khóa vàng” giúp Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết.

Phát triển kinh tế phải theo hướng “xanh”

Tại diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022: Phát thải ròng carbon bằng 0 - từ cam kết đến hành động” diễn ra ngày 28/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn là giải pháp để Việt Nam vững tin đi trên con đường đến phát triển bền vững cùng kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp.

So với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, theo ông Hà, việc thúc đẩy các hành động theo mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia và doanh nghiệp...

Với tầm quan trọng đó, ông Hà cho biết trong những năm gần đây vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong các chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.

Mặc dù việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn xã hội, quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn sẽ sớm được thúc đẩy tại Việt Nam.

Vì thế, để sớm thúc đẩy quá trình chuyển đổi trên, ông Hà nhấn mạnh thời gian tới cần kiến tạo thể chế, cụ thể hóa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường, nhất là những quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó có công nghiệp tái chế; thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Cùng với đó là ban hành các tiêu chí về mua sắm công “xanh,” sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vật liệu tái chế. Lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng nhựa dùng một lần bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý tới việc cần truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tăng cường hợp tác, huy động các nguồn lực

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi tới thông điệp về tinh thần đoàn kết và cùng hành động trong giảm phát thải khí carbon, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng “0” như cách nhân loại đã cùng nhau ứng phó với đại dịch COVID-19; nhấn mạnh cơ chế hợp tác thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ...

Thủ tướng mong muốn thông qua diễn đàn, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp sẽ đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn; đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam và thế giới.

kinh te tuan hoan nen tang de viet nam vung tin phat thai rong bang 0
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Góp thêm ý kiến, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng kinh tế tuần hoàn là cơ hội để giảm dần các ngành công nghiệp gây ô nhiễm, đảm bảo phục hồi kinh tế xanh trong tương lai.

Bà Caitlin Wiesen khuyến nghị để có nền kinh tế tuần hoàn bao trùm, carbon thấp và đạt được mức phát thải ròng bằng “0,” Việt Nam cần giảm nhiên liệu hóa thạch và tăng cường năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ bền vững; thúc đẩy “thành phố tuần hoàn” với 70% dân số sống ở các vùng ven biển và vùng đồng bằng trũng thấp.

“Chúng tôi tin rằng bằng các nỗ lực tập thể, chia sẻ dữ liệu, kiến thức và kinh nghiệm một cách cởi mở, kết nối các bên liên quan, sẽ giúp thay đổi tư duy, hướng đến sự chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn từ cộng đồng. Do vậy, chúng tôi vui mừng đồng hành cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đối tác phát triển ra mắt Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam,” bà Caitlin Wiesen nói.

Còn theo ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG (Thái Lan), kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các công ty, khách hàng, chuỗi cung ứng và các bên tham gia trong chuỗi giá trị.

Ông cho rằng sự hợp tác giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường cùng Mạng lưới đối tác doanh nghiệp Thái Lan chính là một minh chứng rõ ràng nhất. Các doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức công - tư tại Việt Nam để triển khai nhiều dự án trong lĩnh vực này.

“Mục tiêu của chúng tôi là bắt tay cùng các đối tác để cùng phát triển hướng đến sự bền vững trong tương lai. Tôi tin rằng đây sẽ là một phần quan trọng hướng đến mục tiêu bền vững lớn hơn và phát thải carbon ròng bằng 0 trong tương lai,” ông Roongrote Rangsiyopash nhấn mạnh./.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load