Thứ tư 09/10/2024 17:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Kinh tế Hà Nội đột phá để tạo sức lan tỏa

09:09 | 31/12/2013

Năm 2013, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thành phố Hà Nội đạt kết quả quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đóng góp lớn vào thành tựu chung của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thủ đô còn bộc lộ một số bất cập, cần sớm có giải pháp khắc phục, để phát triển bền vững hơn, xứng đáng giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển kinh tế khu vực phía bắc.


Những cây cầu vượt góp phần giảm ùn tắc giao thông, giúp Thủ đô thêm văn minh, hiện đại.

Duy trì tốc độ tăng trưởng khá

Không khí đón năm mới 2014 ở Hà Nội dường như vui tươi, phấn khởi hơn, bởi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vừa đạt được những kết quả toàn diện về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Trong đó, đáng ghi nhận nhất là thành phố hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách, trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn.

Có thể khẳng định, công tác thu ngân sách được lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt trong năm 2013. Ngay từ đầu năm, nhận định tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thành phố xác định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2013. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, tổ chức mười cuộc gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, để trực tiếp lắng nghe những băn khoăn, vướng mắc từ phía các đơn vị. Ngoài ra, các đoàn công tác của thành phố thường xuyên tiếp xúc, giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp, theo từng chuyên ngành, lĩnh vực riêng.

Qua các cuộc tiếp xúc, nhiều vướng mắc, "rào cản" về thủ tục hành chính, thuế, vốn vay, giải quyết hàng tồn kho, lao động, việc làm... đã được lãnh đạo thành phố tiếp thu, có các chính sách, giải pháp cụ thể để điều chỉnh, tháo gỡ. Thành phố thí điểm hỗ trợ lãi suất sản xuất, kinh doanh với lãi suất 0,2%/tháng, hỗ trợ lãi suất vay đầu tư. Thực hiện giảm, giãn thuế, phí cho doanh nghiệp với số tiền 13.533 tỷ đồng...

Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Hà Nội thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại cho 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 50 doanh nghiệp, giúp các đơn vị giữ vững sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thành phố đã dành 50 tỷ đồng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Hà Nội giao thương với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố phía bắc, khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long; gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp tại các thị trường mới ở Nam Mỹ, Nam Phi... Không chỉ đầu tư cho sản xuất, thành phố quan tâm xây dựng nhiều công trình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Năm 2013 được coi là năm ra đời nhiều khu trung tâm thương mại kết hợp mua sắm với các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí chất lượng cao ở Hà Nội, với những công trình tầm cỡ như Mega Mall Royal City, Mega Mall Times City của Tập đoàn Vingroup, sáu siêu thị Ocean Mart của Tập đoàn Đại dương, các siêu thị Lotte Mart của Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), siêu thị Saigon Co.op mart... Bên cạnh đó, thành phố thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm điện năng, hệ thống lại các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu...

Tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm tăng 13,8% so với năm 2012, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng sốt giá, tăng giá đột biến như các năm trước... Ngành du lịch Thủ đô tiếp tục khởi sắc, Hà Nội được bình chọn là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất châu Á và khu vực. Năm 2013, thành phố đón 16,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 7% so với năm 2012.

Những chính sách hỗ trợ nêu trên của thành phố kết hợp nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2013 đạt 8,25%, cao hơn 1,53 lần mức tăng chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đáng mừng nhất là chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 4,4% so với năm 2012, một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn như da giày và may mặc, sản xuất hóa chất, sản phẩm từ kim loại, xe có động cơ... có tốc độ tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 9.829 triệu USD, tăng 0,2% so với năm trước. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Thủ đô, mà còn đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế -xã hội chung của cả nước.

Năm 2013, Hà Nội đóng góp 10,1% GDP; 7,5% kim ngạch xuất khẩu; 17,2% thu ngân sách và 21,64% tổng vốn đầu tư của cả nước.

Phấn đấu để xứng đáng là đầu tàu kinh tế khu vực phía bắc

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Thủ đô bộc lộ một số bất cập. Lãnh đạo thành phố thừa nhận, tuy có nhiều cố gắng, nhưng sức lan tỏa của thành phố với vai trò là trung tâm kinh tế lớn đối với khu vực phía bắc còn yếu, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công nghiệp tăng trưởng chậm, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp... Trong khi đó, trong những năm gần đây, các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã có khu công nghệ cao, thu hút đầu tư nước ngoài lớn, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng khu công nghệ cao Hòa Lạc ở Hà Nội vẫn triển khai khá chậm trễ. Về các sản phẩm công nghiệp, mặc dù Hà Nội đã có 61 sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhưng chưa có sản phẩm nào trong số đó là đặc trưng, mang bản sắc của Thủ đô, chưa kể phần lớn các sản phẩm trong đó đều là sản phẩm được hình thành từ thời kỳ bao cấp. Tình hình giao thông ở Thủ đô dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung các tuyến đường, nút giao thông cửa ngõ vẫn xảy ra ùn tắc, vẫn là nỗi e ngại đối với người ngoại tỉnh mỗi khi về Thủ đô công tác, giao thương.

Chưa kể công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo ra nhiều chuyển biến đột phá, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của thành phố...

Năm 2014 thành phố bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 15, Hà Nội đặt mục tiêu: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2013, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội..., phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8,5% đến 9%.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, thành phố đã đề ra tám giải pháp trọng tâm, trong đó, chú trọng công tác cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo chuyển biến mới về trật tự và văn minh đô thị. Tuy vậy, để tạo sức bật nhanh hơn, vững chắc hơn cho kinh tế Thủ đô, thành phố cần chủ động, mạnh dạn, tích cực, sáng tạo hơn trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Thành phố cần xác định rõ trọng tâm phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm công nghiệp, sản phẩm du lịch đặc trưng của Thủ đô, khắc phục tốt hơn những vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp đang đặt ra như ô nhiễm môi trường, văn hóa giao thông, đô thị, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là đầu tàu kinh tế, tạo sức lan tỏa đối với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc.

Theo Nhandan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load