Tuyến đường dài 14,1 km theo trục Bắc - Nam, kết nối khu vực trung tâm TP (quận 1, 3, 4, 5) với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo quy hoạch, TP.HCM có 5 đường trên cao, nhưng đến nay các tuyến này vẫn chưa được triển khai.
Trong bối cảnh TP.HCM gặp khó khăn về nguồn vốn và phương án hoàn vốn, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất dùng nguồn vốn xã hội xây đường trên cao trục Bắc - Nam (từ đường Cộng Hòa đến Nguyễn Văn Linh). Tuyến trên cao này kết nối trung tâm thành phố với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Đường trên cao trục Bắc - Nam dài 14,1 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 38.000 tỷ đồng. So với báo cáo đầu kỳ trước đó, tổng vốn đầu tư lần này tăng hơn 8.000 tỷ đồng, chi phí tăng phần lớn do bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 dài 3,4 km (từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả); đoạn 2 dài 2,6 km, (từ nút giao Lăng Cha Cả, dọc theo Bùi Thị Xuân đến vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - ngã ba Bắc Hải - Thành Thái).
Dự kiến, tổng diện tích giải phóng mặt bằng 121.290 m2 đi qua 6 quận (1, 3, 5, 8, 10 và Tân Bình), chi phí bồi thường gần 19.000 tỷ đồng. Trong đó có 1.186 hộ thuộc diện giải tỏa trắng.
Đoạn 3 dài 8,1 km (từ ngã ba Bắc Hải – Thành Thái theo Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn đến đường Nguyễn Văn Linh (tại vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh).
Ngoài ra, dọc tuyến trên cao có xây 4 nút giao Lăng Cha Cả, ngã sáu Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, nút giao cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh để các luồng xe thuận lợi lên xuống.
Nút giao Lăng Cha Cả có thiết kế 3 tầng. Đồ họa: CII. |
Theo CII, tổng mức đầu tư quá lớn nên việc thực hiện toàn bộ dự án bằng hình thức PPP là hoàn toàn không khả thi.
Trong đó, dự án 1 đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Dự án 2 đầu tư xây dựng đường trên cao bằng hình thức BOT. Thời gian xây dựng dự án 2 là 36 tháng và sẽ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành.
Tổng mức đầu tư dự án 2 hơn 21.442 tỷ đồng, bao gồm cả lãi dự kiến phát sinh trong thời gian thi công hơn 2.242 tỷ. Qua tính toán lưu lượng, nhà đầu tư mất hơn 50 năm mới thu phí hoàn vốn 90%. Trong khi Luật Tín dụng hiện nay quy định thời gian vay vốn tối đa 20 năm.
Theo quy định, dự án BOT có thể bổ sung nguồn hoàn vốn bằng khai thác các dịch vụ trên tuyến đường. Vì đây là tuyến đường trên cao, không thể khai thác các dịch vụ nằm hai bên đường nên CII kiến nghị được khai thác dịch vụ phía trên đường để hoàn vốn cho 24% chi phí xây dựng, tương đương 5.150 tỷ đồng.
Đường trên cao có chiều rộng 30 m. Đồ họa: CII. |
CII kiến nghị được đầu tư xây dựng và khai thác căn hộ dịch vụ cho thuê 49 năm phía trên phần đường xuyên qua cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) để bổ sung nguồn hoàn vốn cho dự án.
Đây là dự án đường trên cao chạy xuyên nội thành, cần nhà điều hành có khả năng tiếp giáp với tuyến đường trên cao để quản lý thu phí, duy tu, sửa chữa và cứu hộ khẩn cấp riêng.
Nhà đầu tư này kiến nghị được giao lô A9 thuộc khu C30, quận Tân Bình, để xây dựng nhà điều hành và văn phòng cho thuê. Phần văn phòng cho thuê để hoàn vốn đầu tư xây dựng nhà điều hành.
Theo Thư Trần/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/kinh-phi-lam-duong-tren-cao-o-tphcm-len-hon-38000-ty-dong-post1321922.html