Thứ năm 03/10/2024 18:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm trên thế giới – Bài học quý cho Việt Nam

14:35 | 31/05/2017

(Xây dựng) – Tại nhiều đô thị trên thế giới, người ta thường tập trung vào khai thác và phát triển các không gian ngầm đô thị. Kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm của các nước trên thế giới sẽ là bài học quý giá đối với các đô thị Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ giữa đô thị ngầm và đô thị hiện hữu trên mặt đất.

Một số đô thị ngầm tiêu biểu trên thế giới

Bắc Kinh, Trung Quốc

Bắt đầu xây dựng từ năm 1969, Mao Trạch Đông đã ra lệnh xây dựng một nơi trú ẩn khẩn cấp cho Chính phủ lúc bấy giờ.

Thành phố ngầm dài tới 30km ngay trong lòng đất Bắc Kinh bao gồm đầy đủ các hệ thống nhà hàng, trường học, bệnh viện, nhà hát... phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân. Thành phố được xây dựng để có thể làm nơi trú ẩn tạm thời của hơn 40% dân số Bắc Kinh khi có các cuộc tấn công.Rải rác trong thành phố là hơn 1.000 khu trú ẩn cho các cuộc không kích.Đến năm 2000, hệ thống thành phố ngầm dưới Bắc Kinh được mở cửa cho các khách du lịch tham quan.Nhiều khu vực trong thành phố còn được sử dụng làm nơi ở cho sinh viên và những người vô gia cư.


Thành phố ngầm dài tới 30km ngay bên dưới Bắc Kinh.

Điều kiện sống ở dưới đó cũng khá cách biệt. Nhiều khu vực có điều kiện sống tồi tàn nhưng cũng khá nhiều chỗ rất khang trang so với các tiêu chuẩn chung ở Bắc Kinh. Theo ước tính có khoảng 150.000 đến 2 triệu người sinh sống nơi đây. Ngày càng có nhiều lao động nông thôn đổ về Bắc Kinh tìm việc làm, nhưng nhiều người không có hộ khẩu nên không đủ tiêu chuẩn sống trong các căn nhà bình thường, vốn chỉ dành cho cư dân thành phố. Họ chỉ còn cách là phải dọn xuống các tầng ngầm sinh sống mà thôi.

Gần đây, Trung Quốc đã ban hành Nghị định về xây dựng ngầm để quản lý khai thác không gian ngầm đô thị. Trên cơ sở của Nghị định về xây dựng ngầm, Trung Quốc đã tiến hành lập quy hoạch “đô thị ngầm” tại một số thành phố lớn như Thượng Hải, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Thanh Đảo, Vô Tích…

Còn rất nhiều đô thị ngầm và những công trình ngầm khác trên thế giới mà trong khuôn khổ hạn hẹp không thể kể tới.Trong tương lai, đất đô thị được dự báo sẽ trở nên thiếu thốn và 2/3 dân số thế giới được cho là sẽ sống ở các thành phố vào năm 2050. Nhiều thành phố do hạn chế về không gian, do nhu cầu cần bảo tồn di sản, hoặc do các yếu tố khác không thể xây dựng các công trình cả về chiều cao lẫn bề rộng. Vì thế, quy hoach đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị có thể giải quyết bài toán trên. Tuy nhiên, khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố với những tiêu chí đồng bộ để đảm bảo sự khớp nối giữa các công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất hợp lý và phát triển bền vững.

Montreal - Canada

Tại thành phố Montral, từ năm 1962, một đô thị ngầm đã đưa vào sử dụng vận hành trong mối quan hệ hữu cơ với đô thị trên mặt đất.Montreal sở hữu một trong những thành phố ngầm lớn nhất thế giới – thành phố Reso. Chúng được nối với các ga metro, ga đường sắt và trạm xe buýt. Những điểm đến khác của thành phố như trường đại học, bảo tàng, trung tâm thương mại… đều nối với nhau dưới đất, mọi người có thể di chuyển trong một môi trường được bảo vệ, mặc cho khí hậu lạnh giá của mùa đông trên mặt đất.


Thành phố ngầm Reso.

Đây là hệ thống không gian ngầm đô thị lớn nhất và lâu đời nhất thế giới, cho đến nay đã bao trùm hơn 40 ô phố, với 32km đường đi bộ và hầm đi bộ trong nhà, nằm dưới 63 tòa nhà được nối với các ga metro, ga đường sắt và bến xe buýt, mỗi ngày có hơn 500 nghìn người đi bộ trong mạng lưới ngầm này.

Từ khi hoạt động vào năm 2004, Reso trở thành một trong những điểm tham quan du lịch chính của Montreal. Trên các con đường ngầm ngang dọc là những văn phòng, căn hộ, nhà hàng, cửa hàng. Các tuyến đường xe điện ngầm, tàu hỏa ngoại ô, xe buýt đều đổ về đây. Reso luôn nhộn nhịp tham quan mua sắm ở khoảng 2.000 cửa hàng dưới lòng đất thành phố.

Hiện tại, có nhiều khách sạn lớn cùng nhiều trung tâm mua sắm, tháp văn phòng, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà hát, các trường đại học, nhà hàng từ sang trọng đến bình dân hoạt động nên nơi đây trở thành khu phức hợp dưới lòng đất lớn nhất thế giới. Đặc biệt khi nhiệt độ trung bình khoảng - 10 độ C vào tháng Giêng, Resotrở thành điểm hẹn của du khách lẫn dân địa phương muốn thoát khỏi những cơn gió lạnh tê tái của mùa đông trên phố.

Coober Pedy - Australia

Coober Pedylà một đô thị ngầm vô cùng độc đáo.Khoảng 2.000 người dân sống trong những ngôi nhà ở Coober Pedy.Đô thị này nằm ở trung tâm Australia, giữa Adelaide và Alice Springs.


Nhà ở thành phố ngầm tại Coober Pedy.

Đô thị ngầm trong lòng đất được tạo thành sau quá trình khai thác mỏ diễn ra nhiều năm tại mảnh đất này.Những người thợ mỏ đã cải tạo những khu mỏ cũ thành nhà ở. Những ngôi nhà dưới lòng đất của người dân có đầy đủ các phòng ngủ, phòng khách với những trang trí tuyệt đẹp.

Do nhiệt độ thường ở mức cao, trên 40 độ C. Từ một thế kỷ trước, các thợ mỏ đã phát hiện ra ở dưới mặt đất mát hơn nhiều và từ đó họ quyết định chuyển xuống sống trong lòng đất. Cũng từ đó, người dân nơi đây khám phá ra bao điều thú vị ở Coober Pedy và quyết định chuyển hẳn đến sinh sống trong những ngôi nhà trong lòng đất.Những công trình nằm sâu trong lòng đất khiến nhiệt độ bên trong hệ thống các công trình ngầm nơi đây vẫn luôn ổn định ở mức 24 độ C. Do đó, mùa đông ở đây ấm áp và mùa hè thì rất mát mẻ.

Còn gì hạnh phúc hơn khi nhiệt độ bên ngoài khoảng 45 độ C, trong khi nhiệt độ trong những ngôi nhà ngầm mát mẻ từ tự nhiên.Người dân nơi đây luôn hãnh diện về nơi trú ẩn của mình“giống như sống ở một căn phòng có máy lạnh vậy".

Quy hoạch đô thị ngầm tại Việt Nam

Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 đã xác định có các loại quy hoạch đô thị: quy hoạch chung; quy hoạch phân khu; quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên tại thời điểm năm 2009, Hà Nội đã có quy hoạch chung và đã lập xong quy hoạch chung các huyện và quy hoạch chi tiết các quận. Do đó, các quy hoạch phân khu chưa được thực hiện. Sau khi “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đã tiến hành lập các quy hoạch phân khu.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng:“Công trình ngầm đô thị chủ yếu gồm các công trình ngầm giao thông vận tải, công trình ngầm dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình ngầm công nghiệp, phần ngầm của các công trình xây dựng-kiến trúc lộ thiên…


Hầm đi bộ tại Hà Nội.

Cần khẳng định quy hoạch đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị. Khi lập quy hoạch đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của đô thị để quy hoạch đô thị ngầm. Xây dựng quy hoạch ngầm cần phải tiến hành quy hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo sự khớp nối với các công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất. Về phương pháp quy hoạch đô thị ngầm cần theo cách hợp nhất các công trình ngầm đô thị như: giao thông vận tải, dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp và phần ngầm của các công trình xây dựng - kiến trúc lộ thiên sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh, hợp lý, đồng bộ trong không gian đô thị ngầm”.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Sơn - Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, “cần khẳng định quy hoạch đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị. Khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố để quy hoạch xây dựng đô thị ngầm. Xây dựng quy hoạch đô thị ngầm cần phải tiến hành quy hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo sự khớp nối giữa các công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất.

Trong quy hoạch xây dựng đô thị các phương án về cơ cấu đô thị, tổ chức phân khu chức năng cần xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm, vùng chức năng không gian ngầm và sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại khu trung tâm chính, các trung tâm khu vực, các vùng dân cư tập trung và dọc theo các đường phố chính của thành phố. Quy hoạch đô thị ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm của địa hình địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa thế và giá trị của các công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình kỹ thuật hạ tầng ngầm sẵn có ở dưới đất để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.

Trên thực tế, các đô thị Việt Nam tiếp cận quy hoạch đô thị ngầm và quy hoạch không gian ngầm đô thịcòn chậm.Việc thiếu một hành lang pháp lý với những quy định quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan quản lý và nhà đầu tư lúng túng. Tuy nhiên, theo xu thế của đô thị ngầm trên thế giới, đã đến lúc, chúng ta cũng không thể không có những giải pháp nhất định cho chủ đề này một cách thiết thực hơn.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load