Thứ ba 15/10/2024 04:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Hà Nội-TP.HCM

Kinh hãi “rác” trời!

10:30 | 01/06/2011

Dây rợ lằng nhằng treo cả cục to đùng trên cột điện, hoặc bị đứt lòng thòng giữa đường, cột ăng-ten truyền hình, trạm thu phát sóng di động (BTS) mọc tua tủa đâm lên không trung… được người dân Hà Nội gọi là “rác trời”. Thực trạng này bao giờ mới chấm dứt, và câu chuyện ra quân dọn rác thời gian qua sẽ kết thúc ra sao. Ngày 06/4/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2011.

“Rác trời” - chuyện thường ngày ở… quận!

“Rác trời” chằng chịt trên cột đèn, cột điện, cây cối và nóc nhà của Thủ đô bấy lâu nay mà chưa được giải quyết. Sau rất nhiều lần nghiên cứu, nâng lên đặt xuống, cuối cùng thì Hà Nội cũng quyết tâm ngầm hoá dần “rác trời” theo từng tuyến phố, dù chắc chắn không thể hạ ngầm hoá 100% các tuyến phố, nhưng đây cũng là tín hiệu tốt để “rửa mặt” Thủ đô.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, một người dân ở P.Yên Duyên, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: Là người dân ai cũng mong muốn được sinh sống trong Thủ đô sạch đẹp, văn minh câu chuyện “rác trời” đã quá quen thuộc với chúng tôi từ những chuyện “cười ra nước mắt” vì bó cáp đứt giữa đường, đến chuyện leo bằng cáp vào nhà ăn trộm đồ.

  

Đấy là chưa kể hiện nay khu Nguyễn Công Trứ (Q.Hai Bà Trưng), Lương Văn Can (Q.Hoàn Kiếm), Vũ Hữu, Nguyễn Quý Đức (Q.Thanh Xuân), Khâm Thiên, Đê La Thành (Q.Đống Đa) các đường dây cáp, cột ăng-ten truyền hình còn được người dân tận dụng làm dây phơi quần áo, căng bạt nhựa rất nguy hiểm khi trời mưa bão - một chị chủ quán nước giải khát trên đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) lắc đầu “lè lưỡi”.

  

Chỉ đạo quyết liệt của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi về “Giai đoạn 2011 - 2015, Hà Nội sẽ hạ ngầm, sắp xếp đường dây đi nổi kết hợp chỉnh trang đô thị tại 312 tuyến phố” ngay sau đó đã có phản hồi đa chiều từ dư luận người dân. Rõ nhất vẫn là sự hoài nghi về tính hiệu quả của “chiến dịch” này. Bởi Hà Nội đã rục rịch chuẩn bị cho công tác này từ… năm 2007 với đề án do Sở GTCC Hà Nội lập với kinh phí lên đến hàng trăm tỷ đồng mà giờ vẫn… đâu đóng đấy. Lý do vướng mắc vẫn được Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) nhắc đi nhắc lại là chi phí, thời gian cũng như mâu thuẫn lợi ích của DN khi tiến hành thanh thải, đi ngầm cáp nổi. Hầu hết các tuyến cáp (điện lực, viễn thông) đều chỉ đi tới các điểm chính, trục chính, còn lại là do người dân, các đơn vị cung ứng sở tại tự đấu nối vào nhà để sử dụng.

  

Ngoài 29 tuyến phố đã thực hiện việc hạ ngầm cáp viễn thông, trong năm nay TP Hà Nội sẽ tiếp tục hạ ngầm, sắp xếp đường dây và cáp đi nổi trên địa bàn 15 tuyến phố thuộc các quận nội thành. Còn trong 5 năm tới (2011 - 2015), Hà Nội sẽ thực hiện hạ ngầm, sắp xếp đường dây và cáp đi nổi trên tổng số 312 tuyến. Cụ thể, trong giai đoạn này sẽ có 49 tuyến được hạ ngầm toàn bộ, 63 tuyến chỉ hạ ngầm dây thông tin và 200 tuyến sẽ thực hiện sắp xếp đường dây đi nổi.

BTS: Biết thì sợ!

 Gần đây dư luận không ngớt bàn tán về việc “chạy đua” xây dựng các trạm BTS của nhà mạng viễn thông vì số lượng thuê bao của các nhà mạng phát triển chóng mặt, kéo theo đó là tình trạng các trạm BTS mọc lên không kiểm soát được. Bà Diện, một người dân sinh sống tại ngõ Trung Tiền (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Các nhà mạng đến và thỏa thuận với từng hộ dân về điều kiện được lắp đặt trạm thu tại nhà của họ. Chỉ 500m ngõ mà có tới 3 trạm thu phát sóng được hình thành lắp đặt tại đây. Trạm thu phát mới nhất được lắp đặt cách đây 1 năm. Theo phản ánh của người dân thì sức khỏe của họ đều bị ảnh hưởng rõ ràng từ các trạm thu phát này. Bên cạnh đó, về mặt mỹ quan và độ an toàn cột thu phát cũng gây cảm giác bất an cho người dân sinh sống trong khu vực. Khi trời mưa, một vài dây cáp võng xuống chắn ngang đường rất nguy hiểm cho người dân sinh sống tại đây.

  

Trước tình trạng đó, Bộ TT&TT đã vào cuộc. Ông Nguyễn Xuân Trụ - Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Thời gian tới, Bộ TT&TTsẽ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính hướng dẫn và xây dựng các văn bản pháp quy về xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Đồng thời Bộ TT&TT cùng các bộ liên quan sẽ đưa nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có liên quan vào quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng trên phạm vi vùng và toàn quốc, cấp phép xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.

  

Giải quyết vấn đề này, Sở TT&TT đang xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính viễn thông với đề án “Thí điểm việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông (trạm BTS) trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm”. Cũng trong năm 2011, Sở TT&TT Hà Nội sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ban ngành liên quan lập đề án chỉnh trang đồng bộ hạ ngầm và sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn TP. Đề án sẽ được trình thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP phê duyệt chủ trương, triển khai hạ ngầm toàn bộ các đường dây cáp đi nổi trên địa bàn TP giai đoạn 2011 - 2015.

Ông Nguyễn Hữu Sùng - Giám đốc BQLDA Hạ tầng Đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội:

Các tuyến phố, tuyến đường trung tâm của Hà Nội hầu hết đều có vỉa hè nhỏ. Bên dưới lòng đất cũng chằng chịt không thua gì trên trời với các đường điện, nước, cáp bưu điện nằm đan xen. Vì thế đơn vị chọn giải pháp dùng ống nhựa xoắn để có thể tiến hành ngầm hoá những phương tiện thông tin trên - song con số ngầm hóa được tính đến nay vẫn còn là quá nhỏ so với tình trạng “rác trời” bừa bãi hiện nay

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội:

Hiện tượng "rác trời", dây cáp chằng chịt tại một số tuyến phố nhiều năm nay. Về vấn đề này hiện đã có Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD giữa Bộ Xây dựng và Bộ TT&TT hướng dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng hệ thống cáp điện thoại và hệ thống cáp truyền hình trong các toà nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng. Tại các đô thị mới, trách nhiệm của BQL, nhà đầu tư phải thực hiện theo Quy định 56/2009/QĐ-UBND để triển khai hạ ngầm một cách đồng bộ và dài hạn, bắt buộc KĐT, tuyến đường mới mở phải hạ ngầm dây, nghiêm cấm các đơn vị tuỳ tiện lắp đặt đường dây cáp đi nổi

TS Đào Ngọc Chiến - Phó Viện trưởng Viện Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Cách đây vài năm, chúng tôi đã nghiên cứu về mức bức xạ từ trạm BTS trong ngưỡng an toàn. Về an toàn của người dân, chúng tôi thấy công suất phát sóng của trạm di động nhỏ hơn rất nhiều so với đài truyền hình và đài phát thanh. Một trạm phát sóng di động chỉ có vài chục oát (W) còn đài truyền hình và phát thanh lên đến mấy chục kilôoát (KW). Hơn nữa, tần số của các trạm di động không phải là tần số lớn. Quốc tế quy định rất cụ thể mức độ thâm nhập trên 1kg trọng lượng hay trên 1cm2 diện tích cơ thể chúng ta bao nhiêu là an toàn cho sức khỏe. Chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ quy định của WHO và tiêu chuẩn của các nước để đưa ra tiêu chuẩn Việt Nam nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết luận cụ thể

Văn bản pháp luật liên quan:

- Nghị định số 41/2007/NĐ-CP đã quy định cụ thể các yếu tố đặc thù của việc xây dựng ngầm đô thị, tất cả những đô thị được quy hoạch xây dựng sau thời điểm ban hành nghị định này đều phải đưa vào thực hiện ngầm hóa hệ thống các đường dây đi nổi như: cáp điện, cáp thông tin, cáp viễn thông... đồng bộ với dự án, công trình.

- Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTTTT-BXD giữa Bộ Xây dựng và Bộ TT&TT hướng dẫn việc lắp đặt, quản lý, sử dụng hệ thống cáp điện thoại và hệ thống cáp truyền hình trong các toà nhà.

- Quyết định số 56/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, quy định về quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn TP Hà Nội

Anh Đỗ Duy Đán - nhân viên văn phòng du lịch ở P.Tân Phú, (Q.9, TP.HCM):

Tiếp xúc với khách nước ngoài, tôi thường xuyên nghe phàn nàn của khách về mạng dây điện chằng chịt khắp các nơi trong TP . Một lần, khi tới văn phòng, có hai khách “nhí” người Mỹ thi nhau vui đùa với đống dây chằng chịt lơ lửng trên vỉa hè. Tá hỏa, mình chạy ra gặng hỏi, hai cậu bé nói tưởng đó là rễ cây cổ thụ (!)

PV- Ảnh: Thái Anh, Diễm Quỳnh.

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load