(Xây dựng) - Đó là nhận định của Ban tổ chức tại Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam lần thứ II - 2014 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam (Hội KTSVN) tổ chức tại Hà Nội. Theo Ban tổ chức, trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, nhưng số lượng và chất lượng tác phẩm cao hơn kỳ trước là một nỗ lực đáng khích lệ của nhà đầu tư, các nhà thiết kế, khẳng định kiến trúc xanh đang thâm nhập vào cuộc sống xã hội.
Bước đầu thu hút được sự quan tâm của xã hội
Với 32 tác phẩm tham dự bao gồm các khu nhà ở, văn phòng, nhà ở, công trình công cộng, trụ sở, trường học và công trình dịch vụ, Hội đồng Kiến trúc xanh đã chọn ra 8 tác phẩm để trao Giải thưởng Kiến trúc xanh Việt Nam 2013 - 2014 và 2 tác phẩm tặng Giải thưởng của Hội đồng.
Theo Ban tổ chức, các công trình năm nay đều được xét trên cả 5 tiêu chí kiến trúc do Hội KTSVN đề xướng vào cuối năm 2013, trong đó, các công trình kiến trúc được công nhận kiến trúc xanh khi đạt 70% tiêu chí loại A (tốt) và không có tiêu chí loại C (không đạt). Trong đó, tiêu chí quan trọng là hướng tới xã hội.
Ông Nguyễn Quốc Thông - Phó chủ tịch Hội KTSVN cho rằng, Ngày Kiến trúc Việt Nam không chỉ là của các kiến trúc sư mà là ngày của kiến trúc xã hội, hướng tới tiêu chí thân thiện với con người, hài hòa với thiên nhiên… Kiến trúc góp phần vào văn hóa sống, văn hóa cư trú thông qua công việc là kiến trúc của mọi người. Nét mới của công trình kiến trúc xanh lần thứ II là các công trình đã hướng tới xã hội, giải quyết không gian cho người dân.
Ví dụ như khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II dù quy hoạch cho người thu nhập thấp nhưng đã giải quyết được không gian giao tiếp cho người dân. Nó không chỉ là không gian xanh mà còn tạo môi trường giao tiếp cho người dân trong một không gian xanh. Có nghĩa là cái xanh cộng đồng, cái xanh xã hội đã xuất hiện trong những công trình kiến trúc rất khó xử lý là xanh cho những đối tượng có thu nhập không cao. “Tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, đạt tiêu chí thân thiện với xã hội” - ông Thông nhấn mạnh. Hay như trụ sở văn phòng làm việc Tỉnh ủy Sóc Trăng là công trình có nét độc đáo, được thiết kế dung dị, thân thiện, gần gũi. Thông qua tỷ lệ, cách bố trí hình khối kết hợp với màu xanh của cây làm cho công trình gần gũi hơn, mất đi tính áp chế, hoành tráng… quan công quyền và hướng tới cả những công chức làm việc ở đó.
Hội đồng đánh giá cao về giải pháp quy hoạch, nội dung đầu tư, giải pháp kỹ thuật và cảnh quan môi trường của dự án đã quan tâm đến nhu cầu sống của con người… tại công trình khu nhà ở Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Nội) và khu nhà ở cho người thu nhập thấp Đặng Xá II của TCty Viglacera.
Đa dạng quan niệm về kiến trúc xanh
Trong các công trình được trao Giải thưởng Kiến trúc xanh lần II, mỗi công trình đều có thế mạnh riêng của mình và mang đậm dấu ấn của các kiến trúc sư.
Như công trình chung cư mỏng Tuta Center do KTS Hoàng Thúc Hào, Cty 1+1>2 thiết kế, theo KTS Hào thì công trình “không có gì đặc biệt mà nó đã chiếu sáng tốt, xoay nhà theo hướng lợi gió. Cơ cấu căn hộ cũng làm sao để gió và ánh sáng xuyên được vào.”
Còn đối với KTS Võ Trọng Nghĩa - Giám đốc Cty TNHH Võ Trọng Nghĩa, đơn vị đã giành 2 Giải thưởng Kiến trúc xanh lần II, thì “kiến trúc xanh không phải là cái gì đó quá ghê gớm mà chỉ là một cách để giảm tác động đến môi trường.” Trong các tác phẩm của mình, anh luôn tìm ra các yếu tố xanh bằng cách “đơn giản nhất là sử dụng các vật liệu tự nhiên của địa phương để đỡ tốn năng lượng tạo ra nó và tiết kiệm tối đa năng lượng thông qua việc chống nắng, thông gió”.
Đối với ông Conlin Chan Kwai Keung - Giám đốc Cty Kiến trúc, quy hoạch và kỹ thuật RSP (Singapore) tại Việt Nam, tư vấn thiết kế khu nhà ở Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Nội) thì các yếu tố xanh đều được “định lượng” thông qua các chỉ số về thông thoáng tự nhiên, sử dụng những vật liệu có giá trị tiết kiệm năng lượng, các chỉ số về kính… đều phải đạt giá trị không ảnh hưởng đến môi trường, tiết kiệm năng lượng...
Nhưng dù đứng từ góc độ nào, các kiến trúc sư và các công trình của họ đều có điểm chung là hướng tới yếu tố xanh, tiết kiệm năng lượng, khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, các vật liệu sẵn có của địa phương…
Phạm Vũ
Theo