Thứ bảy 20/04/2024 01:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiến trúc sư ‘thuận tự nhiên’

11:51 | 06/09/2020

Tạo lập cả một kho dữ liệu để phổ cập kiến thức “bình dân hóa kiến trúc”. Lên tiếng tìm lỗ thở cho đất ở các đô thị lớn. Cổ súy xây dựng farmstay (du lịch trang trại) không điều hòa... Đó chỉ là một trong số các công việc “vác tù và hàng tổng” của kiến trúc sư 8X Phạm Thanh Tùng.

kien truc su thuan tu nhien
Cùng với vợ - cô giáo

Bình dân hóa kiến trúc

Vào năm ngoái, một chị bạn đơn thân của nhóm chúng tôi muốn xây nhà. Kiến trúc sư mất rất nhiều thời gian để thống nhất bản vẽ, sau hết kiên nhẫn anh này đưa chị một đường link và bảo vào đọc để xóa mù kiến thức về kiến trúc đã. Bạn tôi lặn ngụp trong những bài viết ấy khoảng hai tuần rồi khăng khăng: mấy đứa phải đọc đi, hay lắm, dễ hiểu lắm!

Chủ của những bài viết “xóa mù kiến trúc” ấy là kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng. Tùng thu hút người đọc ở quan điểm thiết kế công trình theo hướng sinh thái, thuận tự nhiên. Sau này, anh cho tôi biết, những bài viết mà chúng tôi gọi là “xóa mù” nằm trong ý tưởng “bình dân hóa kiến trúc” của anh, và nó bắt đầu từ lần đầu tiên anh tiếp xúc với khách hàng trong năm ba đại học. “Tôi rất khó giải thích những thuật ngữ chuyên môn với khách hàng. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng mình phải tìm ra một cách hay một phương thức để gia chủ và tôi cùng hiểu một ý giống nhau”.

Và Tùng bắt đầu dành nhiều thời gian để viết những bài phổ cập các kiến thức cơ bản về kiến trúc để ai cũng có thể đọc hiểu. Những bài viết này, không thể phủ nhận, đã làm tốt vai trò “thông ngôn” của nó. “Tôi có nhận được một số tin nhắn cảm ơn về những bài viết mà tôi đã viết. Đặc biệt, có một số khách hàng tôi chưa từng gặp mặt, nhưng họ đã gửi quà cho tôi. Đó là những món quà từ cơ sở của họ như đậu phụ, cam... Nhờ những món quà này mà tôi có động lực để tiếp tục công việc phi lợi nhuận này”. Anh vui vẻ chia sẻ.

Tôi biết nhiều người làm kiến trúc. Nói chung, họ không có nhiều thời gian và cả kiên nhẫn để “dịch xuôi” một thuật ngữ kiến trúc. Phí tư vấn của các kiến trúc sư tính theo giờ (không hề rẻ), cho nên, việc thường thấy nhất của họ là mạnh mẽ bảo vệ ý tưởng thiết kế của mình (đối với những người đã có danh), danh càng lớn thì sự không thỏa hiệp càng cao. Phạm Thanh Tùng ở Đà Nẵng cũng coi như có danh rồi, nhưng anh lại đi một con đường khác: tiết chế cái tôi trong thiết kế. Anh cho rằng: “không gian kiến trúc là một công cụ để chúng ta thể hiện triết lý sống, mong muốn cuộc đời, những giá trị văn hóa, tâm linh, vật chất, tinh thần... Vì vậy kiến trúc sư không nên thể hiện cái tôi của mình trong một công trình kiến trúc nhà ở, lưu trú. Kiến trúc sư nên là người nắm bắt cái bản ngã, mong muốn, giá trị sống của khách hàng truyền tải vào trong công trình, không gian sống của khách hàng”.

Tôi hỏi, nếu theo quan điểm này, vậy đâu sẽ là mã nhận dạng tác phẩm của một kiến trúc sư? Anh trả lời: “Với tôi, mã nhận dạng tác phẩm không tồn tại dưới dạng một màu sắc, vật liệu hay phong cách cụ thể. Những điều đó sẽ mất đi theo thời gian còn những cảm xúc tích cực của gia chủ sẽ tồn tại trong họ”.

Không nghi ngờ, Tùng là người coi trọng cảm xúc trong công việc. Cũng là những người nghiêng về cảm xúc “ở bên trong”, khi đặt bút thiết kế, họ mới có phản ứng tự nhiên trân trọng từng gốc cây, ngọn cỏ, từng tảng đá giữa lối đi để cho tất cả những yếu tố tự nhiên và đến trước ấy hòa nhập vào không gian sống của các đối tượng đến sau.

Farmstay “không điều hòa”

Tùng kể, anh nhiều lần đi công tác khu vực Tây Nguyên và bị khó chịu với những thiết kế kiến trúc ở đây. Theo anh, nơi đây có độ cao hơn 600m so với mực nước biển, khí hậu khá mát mẻ và dễ chịu, thông thường chỉ nắng vào năm tiếng buổi trưa, từ mười giờ sáng đến ba giờ chiều. Sau thời gian này thì khí hậu ngay lập tức mát mẻ, duy trì ở mức 25 độ, còn ban đêm thì xuống thấp đến 15 độ.

Tuy vậy, các khách sạn ở đây (kể cả khách sạn ba, bốn sao) lại chỉ sử dụng cửa sổ nhỏ, đóng kín để lắp đặt điều hòa dẫn đến việc thiếu ánh sáng tự nhiên và không đủ lượng khí tươi giàu oxy cho căn phòng. Tệ hơn, một số chủ khách sạn còn bê nguyên xi một số phong cách thiết kế của vùng nóng, nắng lên khu vực núi cao mát mẻ.

“Họ đang lãng phí điều kiện ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng để nhốt du khách vào những căn phòng bức bí mà họ nghĩ rằng đó là sang trọng”, anh kết luận.

Giải pháp cho những lãng phí mà anh đưa ra chính là áp dụng một số biện pháp để làm giảm nhiệt như: Sử dụng tường dày, mái dày bằng vật liệu tự nhiên như đất, cỏ, lá; sử dụng hồ, ao để làm mát không khí; trồng cây thành nhiều lớp để giảm bức xạ mặt trời; trồng cỏ kín mặt đất để giữ độ ẩm cho đất đồng thời tăng độ màu mỡ cho đất...

Một xu hướng nữa cũng được Phạm Thanh Tùng cổ súy mạnh mẽ chính là xây dựng mô hình kinh doanh farmstay không điều hòa. Quan điểm này vẫn đang bị những người làm farmstay ở Việt Nam tranh cãi dù nó không hoàn toàn mới mẻ. Rất nhiều người cho rằng điều đó gần như là bất khả trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam. Song, khi đại dịch COVID-19 kéo dài và gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng năng lượng, đã có nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất này của Tùng.

Về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Nam Thành khẳng định: “Sau khi thí nghiệm một vài mô hình nhỏ, tôi cho rằng, việc xây dựng công trình nhà ở (nghỉ dưỡng) không điều hòa ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Vấn đề là phải tận dụng được nguồn gió tự nhiên và xây dựng được một hệ sinh thái điều hòa. Điều này giống với các thiết kế sử dụng nguyên lý khí động học của Võ Trọng Nghĩa. Có nghĩa là, nhà ở sẽ hoàn toàn sử dụng gió tự nhiên, gió từ hồ và nước hồ để làm mát không gian bên trong, vì vậy, không cần phải sử dụng hệ thống thông hơi, điều hòa”.

Tìm lỗ thở cho đất

Trong thời gian mùa mưa bắt đầu, các đô thị lớn ở Việt Nam đều phải đối mặt với vấn đề ngập. Việc này kéo dài nhiều năm và người ta mới chỉ nói nhiều đến những lý do vĩ mô như “quy hoạch không đồng bộ”. Song vị kiến trúc sư trẻ tuổi này lại bắt đầu tìm ra những lỗ hổng nhỏ hơn, ví như chúng ta đã bịt kín mọi lỗ thở của đất ở đô thị.

Anh cho rằng: ở đại đa số thành phố hiện nay, đường và vỉa hè được bê tông hóa có thể nói là gần như 100%. Và rằng: những ai làm trong ngành nông nghiệp đều biết rằng lượng vi sinh vật dưới lòng đất cần có nước, độ ẩm, không khí để có thể thở. Vậy mà toàn bộ các khu đô thị đang bị “bịt lỗ thở” lại. Hãy tưởng tượng mặt đất của một thành phố như là làn da của cơ thể thì mặt đất cũng cần “thở”. Nếu chúng ta bịt nó lại thì nó đang không còn cân bằng về sinh thái (năng lượng). Cả một dãy phố chỉ có mấy cái lỗ tròn tròn nơi gốc cây là còn trơ ra một ít đất, đôi khi có chỗ còn bịt luôn cái lỗ nhỏ ấy lại.

kien truc su thuan tu nhien
Chân dung Phạm Thanh Tùng

Hậu quả của những việc này chính là không khí ở trên mặt đất bị nung nóng từ 1,5 đến 2 lần so với bình thường. Đến ngay cả những thành phố như Đà Nẵng đang nằm cạnh những con sông rất lớn nhưng vẫn có thể bị ngập. Hay Đà Lạt là một thành phố cao nguyên với địa hình đồi dốc mà cũng bị ngập nặng nề. Bởi vì, tất cả những bản quy hoạch hiện nay đã chặn đi việc thoát nước mặt tự nhiên và dồn toàn bộ lượng nước đó xuống cống thoát nước kèm với rác. Một điều đương nhiên rằng, cống thoát nước không thể chịu được bởi vì các đơn vị làm quy hoạch đã tính toán về độ lớn của cống thoát nước chưa đủ (có thể áp dụng công thức sai, có thể sao chép bản vẽ). Ngoài ra, với mức độ biến đổi khí hậu đang tăng nhanh như hiện nay thì việc lượng mưa tăng cao là chuyện rất thuận tự nhiên.

Tôi hỏi anh, nếu nói như thế, muốn tạo ra các “lỗ thở” phải chăng là phải đào đường, vỉa hè toàn thành phố. Tùng trả lời: “Tôi nghĩ nếu lật toàn bộ lên làm lại sẽ tốn tiền lắm! Thực ra tôi cũng chưa nghĩ ra giải pháp nào tốt hơn.

Tuy nhiên, giải pháp của tôi để tạo thêm lỗ thở cho đất là thay thế một phần diện tích bị bê tông hóa ở chỗ trũng của vỉa hè thành nơi thấm tự nhiên, có thể là thay bó vỉa thành nơi thoát nước tự nhiên”.

Chuyện tình với cô giáo

Trên trang cá nhân của Tùng, hình ảnh vợ - em yêu- cô giáo trùng làm một. Vợ Tùng hiện nay là cô giáo Đại học của anh, hai người chênh nhau nửa con giáp và cũng từng phải đi qua kha khá rào cản trước khi về chung một nhà.

Anh hài hước kể, năm 2007, đi học đại học, lúc đó ngu ngơ - khù khờ, không biết gì cả... tuy vậy hăng máu, nhiệt huyết không ngại việc khó: làm báo tường, hoạt động thi văn nghệ ở lớp, rồi đi từ thiện cho trẻ khuyết tật...

Cô giáo chủ nhiệm thời đó nhỏ nhắn, làm đám trẻ trâu lớp đại học thấy cô trẻ trung cứ xun xoe xung quanh, đôi lúc cũng hơi lố khi đưa “em Huyền lớp mình” vào tâm điểm của cuộc trò chuyện giờ ra chơi.

Năm 2010, cô giáo chủ nhiệm và cậu học trò kém 6 tuổi bỗng trở thành người bạn hơn mức thân thiết. Hai năm sau, thì cô giáo chủ nhiệm bỗng trở thành vợ yêu.

Mối tình đặc biệt này sau nhiều năm vẫn tiếp tục “ngược đãi người độc thân”, là một ngôn tình có hậu lưu truyền rộng rãi trong vòng tròn bạn bè của cả hai.

Theo HẠNH ĐỖ/Tienphong.vn

Cùng chuyên mục
  • Vĩnh Phúc: Ban hành quy định quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn tỉnh.

  • Bài 3: Quy hoạch đô thị - Cần bảo tồn, phát huy, phát triển những đô thị di sản

    (Xây dựng) – “Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tỷ lệ đô thị hóa cao, vị trí gần Thủ đô Hà Nội cùng sức hút từ Vùng Thủ đô, Bắc Ninh sẽ có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp và trở thành một trong những đô thị mạnh nhất trong Vùng Thủ đô với 2 tính chất nổi trội là “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp” – Đó là chia sẻ của PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng.

  • Phát triển đô thị Hải Phòng hiện đại, văn minh, đáng sống

    (Xây dựng) – Hai đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề để thành phố Hải Phòng hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững.

  • Hải Dương: Xây dựng đô thị mang bản sắc, đặc trưng riêng

    (Xây dựng) - Trong các ý tưởng quy hoạch đô thị ở Hải Dương, việc xây dựng các đô thị mang màu sắc, đặc trưng riêng đã được cơ quan chuyên môn quan tâm, trở thành định hướng chủ đạo trong thời gian tới.

  • Hà Nội: Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1972/QĐ-UBND, ngày 15/4, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 4, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội.

  • Làm rõ nhiều định hướng phát triển

    Tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, cơ quan và chuyên gia hội đồng thẩm định, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được cập nhật, hoàn chỉnh vào hồ sơ. Nhiều định hướng phát triển đã tiếp tục được bổ sung, làm rõ hơn.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load