Thứ bảy 09/11/2024 17:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Kiên quyết xử lý DN nợ thuế đất

08:28 | 22/07/2015

(Xây dựng) - Vừa qua các cơ quan thuế trên cả nước đã công khai một loạt các DN đang nợ tiền thuế sử dụng đất lớn. Cùng với đó, các cơ quan thuế cũng áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế nhằm yêu cầu các DN hoàn thành nghĩa vụ tài chính về thuế theo đúng quy định.


Không chỉ “bê bối” trong các dự án, mà Cty CP Sông Đà - Thăng Long được biết đến với Cty đang nợ thuế lớn.

Khi các cơ quan thuế công khai danh tính các DN nợ thuế mới thấy nhiều DN nợ tiền thuế kéo dài đến thế. Có những trường hợp tiền nợ gốc là 7 tỷ đồng mà tiền phạt chậm nộp lên đến 5 tỷ đồng. Thậm chí nhiều trường hợp còn cố tình thoái thác, chây ỳ không chịu nộp thuế dù đã có nguồn tiền và các căn hộ trong dự án đã được bán hết.

Mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiếp tục gửi tới các cơ quan báo chí, truyền thông danh sách các DN, dự án nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất lớn, có biểu hiện chây ỳ. Danh sách đợt 3 này bao gồm 96 DN trên địa bàn Thủ đô, với tổng số nợ thuế lên tới hơn 1.202 tỷ đồng. Cục Thuế Hà Nội cũng đưa ra danh sách 10 DN có dự án còn nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền nợ hơn 406 tỷ đồng. Trong số này, đứng đầu về số nợ thuế là Cty CP Sông Đà - Thăng Long có địa chỉ tại KĐTM Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) nợ hơn 375 tỷ đồng.

Cục thuế TP.HCM cho biết, tính đến ngày 30/6, tổng số tiền DN nợ thuế trên địa bàn là 21 DN với số tiền thuế nợ là 22.939 tỷ đồng. Hiện không chỉ có khoản nợ cũ mà nợ mới gối đầu lên nợ cũ. Trong hơn 22.939 tỷ đồng nợ thuế tạm tính đến thời điểm 30/6, nợ có khả năng thu là hơn 10.000 tỷ đồng. Còn lại là nhiều khoản khác, trong đó nợ khó thu rơi vào các DN bỏ trốn, mất tích, phá sản...

Được biết, từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Hà Nội đã áp dụng phong tỏa tài khoản với khoảng 1.200 trường hợp nhưng không thu được khoản tiền nợ nào vì tất cả tài khoản này đều “trống rỗng”. Ngoài ra, cơ quan thuế cũng đã áp dụng đòn mạnh tay nhất là vô hiệu hóa hóa đơn với nhiều DN, nhưng biện pháp này cũng không mang lại hiệu quả vì các dự án BĐS đã bán hết nhà và hóa đơn cũng đã cấp cho các DN.

Ông Đỗ Duy Tâm, một khách hàng mua nhà tại dự án của Cty CP Sông Đà - Thăng Long cho biết: Mặc dù đã đặt cọc nộp tiền mua căn hộ chung cư từ năm 2011 cho chủ đầu tư, tuy nhiên hiện nay dự án chưa hoàn thiện, nhà chưa được nhận. Tìm hiểu được biết chủ đầu tư không còn năng lực thực hiện dự án, thuế đất còn nợ lớn. Có lẽ số tiền của người dân chúng tôi đã nộp cho phía chủ đầu tư sẽ có nguy cơ bị mất trắng.

Nhằm tăng tính răn đe, hiện nay Bộ Tài chính đang xây dựng quy định tại dự thảo Quyết định về việc chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, đối với DN nợ thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, cá nhân nợ từ 50 triệu đồng trở lên trong đó có khoản nợ trên 90 ngày thì chủ DN và người nợ thuế sẽ không được xuất cảnh.

Bà Tào Thị Hoàng Anh - Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ (Tổng Cục thuế - Bộ Tài chính) cho biết: Danh sách các DN chây ì tiền thuế sử dụng đất sẽ được tiếp tục công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng. Vừa qua chúng tôi tiếp tục trình trên 160 DN có số lượng tiền nợ thuế lớn lên Bộ Tài chính xem xét, sau đó các DN này sẽ tiếp tục được đăng tải công khai thông tin nợ thuế lên mạng. Ngoài việc đăng tải thông tin, biện pháp xử phạt và cưỡng chế hóa đơn đối với các DN chây ì cũng sẽ tiếp tục được thực hiện.

Được biết, theo quy định về thu tiền sử dụng đất và quy định của pháp luật quản lý thuế, việc chậm nộp tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư dự án sẽ bị cơ quan thuế xử lý theo quy định thông qua việc xác định khoản tiền chậm nộp phải nộp ngân sách nhà nước với mức 0,05%/ ngày tính trên số tiền sử dụng đất chậm nộp và số ngày chậm nộp. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế nhằm thu đủ số tiền sử dụng đất nợ vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Ghi nhận mới nhất tại Cục Thuế Hà Nội, sau khi Cục Thuế công khai danh sách các DN nợ thuế lớn và dự án nợ tiền sử dụng đất, 15/38 dự án đã nộp nợ tiền sử dụng đất tổng cộng 219,377 tỷ đồng. Rõ ràng, việc chậm nộp thuế ở đây đã có những nguồn cơn khác nhau, trong đó việc chậm nộp thuế được xác định theo hai hướng: Một là DN khó khăn thực sự không còn khả năng nộp thuế, hai là các DN chây ỳ không chịu nộp để tranh thủ nguồn vốn vào việc khác.

Câu chuyện được đặt ra ở đây, cần phải có những chế tài cụ thể, mang tính răn đe đối với những hành vi chậm trễ trong việc hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về thuế đối với các DN nợ thuế lâu. Ngoài ra, cần phải kiên quyết xử lý đối với những DN cố tình chây ỳ, hoặc không còn năng lực để làm gương cho các trường hợp khác, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Vũ Chiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load