Thứ năm 28/03/2024 20:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiên Giang: Kỳ vọng Hà Tiên là thành phố cửa khẩu an toàn, hiện đại

10:42 | 12/04/2021

Thành phố Hà Tiên được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ, đường biển giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN an toàn, hiện đại.

kien giang ky vong ha tien la thanh pho cua khau an toan hien dai
Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Kiên Giang. (Nguồn: kiengiang.gov.vn)

Thành phố Hà Tiên - vùng đất biên thùy phía Tây Nam Tổ quốc được tạo hóa ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, tiềm năng, tạo lợi thế phát triển cho vùng biên cương này mà không phải nơi nào có được.

Với nhiều nỗ lực đầu tư, Hà Tiên đang trong tiến trình xây dựng, phát triển để trở thành thành phố văn hóa-du lịch, sinh thái xanh-sạch-đẹp và là trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của khu vực và quốc tế.

Nhiều người kỳ vọng, Hà Tiên sẽ là cực tăng trưởng phía Tây và là thành phố cửa khẩu an toàn, hiện đại của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 1998, tách ra từ huyện Hà Tiên, thị xã Hà Tiên được thành lập và trở thành thành phố vào tháng 11/2018.

Theo đại diện lãnh đạo thành phố Hà Tiên, từ một thị xã vùng biên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, văn hóa xã hội ở điểm xuất phát thấp, hơn 20 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, Hà Tiên đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bình quân hàng năm, ngành thương mại-dịch vụ-du lịch tăng trưởng 13,34%, chiếm 70% trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

Hà Tiên là 1 trong 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh và thành phố vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, là khu kinh tế cửa khẩu duy nhất của Kiên Giang.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh cho biết, năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội Hà Tiên có những khó khăn, bất lợi nhưng vẫn phát triển khá ổn định, đạt nhiều kết quả. Thành phố có 15/21 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch như sản lượng nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách…

Thành phố đã triển khai hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh, các giải pháp giảm nghèo và hiện chỉ còn 120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93%.

Với nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật ở Hà Tiên đang thành hình như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông, khu dân cư, khu đô thị mới, khu du lịch, trung tâm thương mại… tạo nên bước phát triển đáng kể cho thành phố.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 đạt xấp xỉ 9%/năm, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu trở thành động lực chính để phát triển của Hà Tiên.

Qua đó, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng thương mại-dịch vụ, du lịch, công nghiệp-xây dựng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó ngành du lịch phát triển nhanh.

Nếu như năm 2000, lượng du khách đến Hà Tiên tham quan, du lịch chưa đến 500.000 lượt người thì giai đoạn 2016-2020, bình quân thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2000.

Mỗi năm có gần 600.000 lượt người tham gia xuất, nhập cảnh và xuất, nhập biên qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Du lịch Hà Tiên đã tạo nội lực phát triển các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, nhà hàng-khách sạn, ngân hàng, bưu chính-viễn thông và nhiều lĩnh vực ngành nghề khác cho địa phương vùng biên thùy này.

kien giang ky vong ha tien la thanh pho cua khau an toan hien dai
Bãi biển Mũi Nai thành phố Hà Tiên (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên, đến nay đã có hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, giai đoạn 2016-2020 đạt trên 300 triệu USD, bình quân 60 triệu USD/năm.

Thành phố Hà Tiên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tham gia đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hiện nay, Hà Tiên có 325 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 16.630 tỷ đồng; có 36 dự án, với tổng vốn đầu tư là 4.441 tỷ đồng, quy mô 780 ha, chủ yếu là các dự án dịch vụ-du lịch, phát triển đô thị.

Đến nay, có 29 dự án đi vào hoạt động, với vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, tổng diện tích 431 ha; 5 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 2.078 tỷ đồng, tổng diện tích gần 320ha, 2 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Cụ thể như các dự án Khu đô thị lấn biển, Khu đô thị Du lịch Nam Hà Tiên, Khu dân cư Cửu Long, khu bến cảng, tàu vận tải hành khách Thạnh Thới, siêu thị Coop-mart…

Thành phố Hà Tiên hiện có khoảng 50 nhà đầu tư đến tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư thuộc các nhóm phát triển đô thị, du lịch ven biển và Khu công nghiệp Thuận Yên thu hút nhà đầu tư.

Mục tiêu đặt ra tới năm 2025, Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại II và tiếp tục phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa-di sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hà Tiên đang tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố văn hóa- du lịch, sinh thái xanh-sạch-đẹp, trở thành cực tăng trưởng phía Tây, thành phố cửa khẩu an toàn, hiện đại của tỉnh Kiên Giang.

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh, Hà Tiên đang xin điều chỉnh quy hoạch và mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên từ 1.600ha trở thành 10.000ha để đủ điều kiện, động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Tiên; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển 4.500ha các đảo nhân tạo nối dài ra thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải, phát triển hệ thống cảng biển.

Hà Tiên tập trung mời gọi nhà đầu tư và đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án khi đầu tư vào thành phố Hà Tiên.

Theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2020-2025, thành phố Hà Tiên hình thành các khu đa hợp để huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mời gọi thu hút đầu tư, như phường Mỹ Đức phát triển khu đô thị kinh tế cửa khẩu, 2 phường Pháo Đài và Bình San phát triển khu đô thị bảo tồn văn hóa lịch sử, phường Đông Hồ phát triển khu đô thị du lịch sinh thái, phường Tô Châu phát triển khu đô thị thương mại-dịch vụ, xã Thuận Yên phát triển khu đô thị sáng tạo đa hợp, với các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xã Tiên Hải phát triển đảo du lịch sinh thái, đặc trưng, khác biệt và tạo điểm nhấn, động lực mới cho phát triển của thành phố Hà Tiên.

Bên cạnh đó, khu vực ven biển phát triển khu đô thị du lịch biển đa hợp, có cảng hàng hải, cảng hàng không.

Hà Tiên sẽ tập trung phát triển giao thông đường thủy kết hợp với hệ thống cảng biển kết nối thành phố Phú Quốc và các vùng lân cận. Hà Tiên cũng đề xuất triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Bạc Liêu-Rạch Giá-Hà Tiên trong giai đoạn 2021-2025; đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối Hà Tiên với 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp hòa vào hệ thống giao thông đường bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội thành phố Hà Tiên, nhất là phát triển khu kinh tế cửa khẩu và du lịch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh nhấn mạnh: “Hà Tiên xác định trong chiến lược phát triển sẽ tập trung đầu tư khu kinh tế cửa khẩu và khu du lịch đầm Đông Hồ 1.800ha, hệ thống chùa chiền gắn với văn hóa tâm linh. Vì đối với đông đảo du khách thập phương, trong tình cảm của khách du lịch, Hà Tiên là “đất Phật người hiền.”

Hệ thống chùa chiền ở Hà Tiên có một giá trị nhân văn, lịch sử lâu đời, có những ngôi chùa xây dựng cách đây 300 năm. Hà Tiên huy động nguồn lực phát triển đảo nhân tạo để trở thành một “Vịnh Hạ Long phương Nam” kết hợp vui chơi giải trí biển; phát triển đảo Hải Tặc trở thành khu du lịch đặc trưng của Hà Tiên trên vùng biển Tây Nam mang tính lịch sử, huyền bí của cướp biển “Cánh buồm đen” ngày xưa.”

Thành phố Hà Tiên kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ, đường biển giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN an toàn, hiện đại. Đồng thời, nơi đây là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam./.

Theo Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Thành phố Hồ Chí Minh lập đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng

    (Xây dựng) - Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có Thông báo kết luận một số nội dung nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn.

  • Bắc Ninh có 2 đô thị di sản

    (Xây dựng) – Theo PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, tỉnh Bắc Ninh có 2 đô thị di sản nằm chuỗi đô thị di sản vùng Thủ đô gồm: Luy Lâu (thị xã Thuận Thành) và Vũ Ninh (thị xã Quế Võ) cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

  • Thanh Xuân (Hà Nội): Phường Hạ Đình tổ thức thực hiện đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị

    (Xây dựng) - UBND phường Hạ Đình xây dựng và triển khai kế hoạch giải tỏa bãi đỗ xe và bố trí cảnh quan nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, trật tự đô thị và giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân tại Chung cư tái định cư X1.

  • Sơn Tây (Hà Nội): Tạo bước đột phá trong công tác chỉnh trang đô thị, đưa địa phương trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô

    (Xây dựng) - Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025”, thị xã Sơn Tây đã đạt được một số kết quả tích cực trên các lĩnh vực, một số chỉ tiêu đã cơ bản hoàn thành, bộ mặt đô thị đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt việc triển khai hoạt động tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây đã nhận được sự đồng thuận cao của tất cả các cấp, các ngành từ Thành phố tới địa phương, thu hút được sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương và các huyện lân cận.

  • Hà Nội dự kiến lập thêm thành phố mới ở Phú Xuyên, Ứng Hòa

    (Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa trình HĐND Thành phố đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, Hà Nội dự kiến sau khi hình thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô sẽ xây dựng thành phố khu vực phía Nam ở huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa.

  • Tái thiết đô thị Biên Hoà: Giảm áp lực quá tải của đô thị nội đô

    (Xây dựng) - Giãn dân, hình thành đô thị có biểu trưng, có không gian xanh, các công trình tiện ích công cộng và khai thác hiệu quả cảnh quan, nâng cấp hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… là những mục tiêu trong tái thiết đô thị tại Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load