Thứ bảy 20/04/2024 05:40 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kiểm toán từ đầu công trình giúp đẩy nhanh tiến độ của đầu tư công

14:34 | 23/09/2020

‘Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành. Hơn thế nữa, vai trò và trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.’

kiem toan tu dau cong trinh giup day nhanh tien do cua dau tu cong
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trao đổi tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước.” (Ảnh: Vietnam+)

“Cơ quan kiểm toán Nhà nước có vai trò kiểm tra đồng thời là cơ quan tư vấn cho nên các công trình đầu tư công không chỉ kiểm toán theo kế hoạch mà còn kiểm toán theo yêu cầu của các cơ quan chủ quản, các đơn vị bộ, ngành liên quan,” Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trao đổi tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước.”

Giải ngân vốn đầu tư công thấp

Tại Việt Nam, đầu tư công chiếm một tỷ trọng lớn và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tổng đầu tư toàn xã hội cũng như tăng trưởng kinh tế và bất kỳ sự thay đổi về tốc độ tăng trưởng đầu tư công đều ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng tổng mức đầu tư.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chịu những tác động rất nặng nề của đại dịch COVID-19. Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tích cực chỉ đạo vừa phòng, chống dịch song vẫn đảm bảo tập trung phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Theo số liệu công bố từ Kiểm toán Nhà nước, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong sáu tháng đầu năm đạt 159.000 tỷ đồng, tương ứng 33,9% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, vốn trong nước là 145.000 tỷ đồng (37,55% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.061 tỷ đồng (12,52% kế hoạch), vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 7.065 tỷ đồng (25,85% kế hoạch). Nhưng, mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ song tỷ lệ giải ngân vẫn thấp so với yêu cầu.

kiem toan tu dau cong trinh giup day nhanh tien do cua dau tu cong
Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước," ngày 22/9. (Ảnh: Vietnam+)

Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư.

Ông Tiên phân tích việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác, ảnh hưởng huy động vốn xã hội cũng như uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ. Không chỉ có vậy, việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí, ngoài việc phải trả chi phí lãi vay thì các doanh nghiệp, chủ đầu tư còn phải gánh chịu chi phí đội vốn, việc làm giảm đi…

“Ngoài các nguyên nhân khách quan còn có các yếu tố chủ quan, nhất là công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện đầu tư công, như tình trạng chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn, giải phóng mặt bằng chưa dứt điểm, công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành. Hơn thế nữa, vai trò và trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao,” ông Tiên nói.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Tại hội thảo, đại diện Thanh Hóa cho biết lãnh đạo tỉnh đặt công việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện kế hoạch năm. Kết quả trong 8 tháng, Thanh Hóa luôn nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao. Cụ thể tính đến ngày 31/8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 do tỉnh quản lý đạt 66,4% kế hoạch được giao và đứng thứ 11/63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân.

Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chia sẻ một trong những giải pháp là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, các lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh được phân công phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, từ chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án cụ thể.

Tỉnh cũng yêu cầu giám đốc các sở, trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, giám đốc các ban quản lý dự án chuyên ngành và khu vực trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tiến độ giải ngân. Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật.

Đại diện tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết đến 31/8, số vốn giải ngân thuộc nguồn cân đối ngân sách Tỉnh năm là 4.568 tỷ đồng/6.366,23 tỷ đồng, đạt 71,77% so với dự toán đã phân bổ.

Ông Ngô Tân Phượng, Giám đốc Sở Tài chính-Bắc Ninh chỉ ra một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công là việc lập hồ sơ, tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng của nhiều dự án còn chậm là một tồn tại trong nhiều năm trước nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những dự án đã tổ chức đấu thầu xong nhưng chưa có mặt bằng thi công dẫn đến thời gian thi công kéo dài, làm tăng rủi ro khi tạm ứng vốn đầu tư.

Cụ thể tại Bắc Ninh, tồn dư tiền tạm ứng hiện khá cao và tăng dần qua các năm, như dư tạm ứng chuyển sang năm 2017 là 439 tỷ đồng, năm 2018 là 619 tỷ đồng, năm 2019 là 1.081 tỷ đồng, năm 2020 là 1.434 tỷ đồng. Thêm vào đó, nhiều khoản tạm ứng hết thời gian phải thu hồi nhưng chưa được thu hồi và một số khoản tạm ứng ở tình trạng khó thu hồi gây khó khăn cho công tác quản lý, làm hiệu quả công tác giải ngân sử dụng vốn chưa cao.

Bắc Ninh cũng thực hiện đề cao vai trò và trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

“Việc đề cao trách nhiệm cá nhân và tập thể đồng nghĩa với thái độ xử lý theo nguyên tắc khen thưởng-kỷ luật phải rõ ràng, minh bạch và dân chủ sẽ có hiệu quả to lớn trong công tác. Thực hiện gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân,” ông Phượng cho biết.

Công khai kết quả kiểm toán

Thông qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư của các chủ đầu tư đã kiến nghị, giúp cho các đơn vị được kiểm toán sửa chữa sai sót, chấn chỉnh từng khâu của công tác quản lý, thực hiện dự án, quản lý vốn đầu tư của chủ đầu tư (bao gồm cả công tác kế hoạch hóa vốn đầu tư, công tác tạm ứng, thanh toán, thu hồi tạm ứng, đến công tác quyết toán vốn…).

Ông Liêm chia sẻ đối với Thanh Hóa, sau khi có kết quả kiểm toán, cơ quan chức năng sẽ rà soát và chỉ đạo các sở chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện của các địa phương-chủ đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp.

kiem toan tu dau cong trinh giup day nhanh tien do cua dau tu cong
Ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

“Các đoàn Kiểm toán Nhà nước tại khu vực đến làm việc với địa phương, ngoài nhiệm vụ giám sát còn giúp địa phương rất nhiều trong việc đánh giá, rà soát những trình tự chủ thủ tục theo quy định, chỉ ra những bất cập và những yếu tố chưa khoa học để đẩy nhanh được tiến độ. Dựa trên các kết quả kiểm toán, địa phương nhìn nhận rất rõ và có căn cứ chi tiết những bất cập trong từng dự án,” ông Liêm nói.

Thanh Hóa đề xuất Kiểm toán Nhà nước cần ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề phạm vi rộng, như các chương trình dự án trong lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên khoáng sản và một số chuyên đề về quản lý thu ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đánh giá toàn diện công tác quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

“Kiểm toán Nhà nước cần tăng cường công khai hơn nữa kết quả kiểm toán và nêu rõ trách nhiệm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để đông đảo nhân dân được biết và cùng tham gia vào quá trình giám sát của các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước, góp phần đấu tranh chống tham nhũng lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước. Đề nghị Kiểm toán tiếp tục phân tích làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm trong từng khâu của quá trình thực hiện dự án, qua đó có thể đưa ra các kiến nghị xử lý hiệu quả triệt để,” ông Liêm phát biểu.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh về vai trò đồng hành giám sát kiểm toán thường xuyên. Bởi, việc kiểm toán trước, trong và sau quá trình thì kế hoạch đầu tư công sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn.

“Kiểm toán Nhà nước sẽ vào thực hiện ngay từ đầu các dự án, chứ không chờ có khối lượng công trình mới kiểm toán để xác định sai phạm. Trên thực tế, sai phạm nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư cũng rất lớn. Việc kiểm toán các công trình đang xây dựng hay chuẩn bị xây dựng là hoạt động tư vấn giúp chủ đầu tư sửa chữa và uốn nắn những sai phạm có thể xảy ra. Với công trình mới, kiểm toán trước phê duyệt cũng giúp cho công tác phê duyệt được tính toán chính xác hơn,” người đứng đầu ngành kiểm toán Nhà nhấn mạnh./.

Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load