(Xây dựng) – Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam trong những năm gần đây đã mang lại những thay đổi tích cực cho diện mạo của các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc những công trình xây dựng chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại đang mọc lên như nấm đi kèm với những vấn đề lớn như ô nhiễm không khí thì ô nhiễm tiếng ồn đang trở thành vấn đề đáng được quan tâm.
Cần kiểm soát tiếng ồn từ các công trường xây dựng (Ảnh: Internet)
Không giống như các ngành công nghiệp nói chung, hoạt động xây dựng không phải lúc nào cũng diễn ra ở một địa điểm và nhất là các công trình xây dựng ngoài trời thường gây ra tiếng ồn từ việc di chuyển máy móc, thiết bị, âm thanh từ hoạt động của máy móc, công nhân xây dựng.
Tuy nhiên hoàn toàn dễ dàng giảm tiếng ồn từ các công trình xây dựng bằng sử dụng biện pháp kiểm soát kỹ thuật có thể kể đến như thay thế thiết bị hiện có bằng các thiết bị ít tạo tiếng ồn hơn, lắp đặt thêm các vật liệu giảm xóc, giảm âm, dựng rào chắn. Những máy móc, thiết bị mới thường ít gây tiếng ồn so với thiết bị cũ khi vận hành. Đồng thời việc lựa chọn các máy móc, thiết bị ít gây tiếng ồn cũng rất cần thiết, ví dụ như lưỡi cưa giảm tiếng ồn có thể giảm một nửa độ ồn khi cắt các khối gạch.
Ngoài ra, các thiết bị đang sử dụng phải phù hợp nhất với công việc, tránh việc sử dụng các thiết bị hoạt động quá mức và ngược lại. Nhìn chung, các thiết bị chạy bằng điện yên tĩnh hơn thiết bị chạy bằng diesel, thiết bị chạy bằng thủy lực thường êm hơn so với khí nén.
Đối với các thiết bị cũ, có thể gắn thêm các bộ giảm âm hay các vật liệu hấp thụ âm thanh. Việc bảo trì các thiết bị cũ cũng có thể làm giảm mức tiếng ồn tới 50%. Những thiết bị, máy móc tạo nhiều tiếng ồn nên đặt cách xa nơi ở của người dân và nơi có nhiều công nhân làm việc. Bên cạnh đó, việc sử dụng các máy thu tiếng ồn tại các công trường lớn là vô cùng cần thiết.
Một cách hiệu quả khác để giảm tiếng ồn là tạo các rào chắn quanh công trường bằng các vật liệu như ván ép, khối gạch, các tấm lót từ vật liệu hấp thụ âm thanh nhằm đạt hiệu quả cách âm tối đa có thể. Giải pháp cách âm sử dụng tường chắn bằng các vật liệu triệt âm, phản xạ âm được dùng hiệu quả ở ven đường giao thông sát với các khu dân cư. Tường cách âm kiểu phổ thông sử dụng vật liệu gỗ, bê tông dạng thanh, được sắp xếp theo tính toán nhằm mục đích phản xạ âm và giảm cường độ âm.
Hà Đào
Theo