Thứ ba 23/04/2024 15:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khu vực ASEAN+3 có triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực trong 2022

14:15 | 25/01/2022

Nhà kinh tế trưởng của AMRO nhận định khu vực ASEAN+3 vẫn đang có không gian chính sách đầy đủ để có thể vượt qua được những thách thức và tiếp tục tiến trình phục hồi kinh tế.

khu vuc asean3 co trien vong tang truong kinh te tich cuc trong 2022
Hội nghị cấp cao ASEAN +3 lần thứ 24. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 25/1, bản báo cáo cập nhật giám sát kinh tế khu vực tháng 1/2022 của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) cho biết khu vực ASEAN+3 (bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) tiếp tục duy trì được khả năng tự phục hồi trong năm 2022, bất chấp những thách thức mới từ đại dịch COVID-19.

AMRO vẫn duy trì tầm nhìn tích cực và dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của khối ASEAN+3 sẽ là 4,9%, thấp hơn đôi chút so với con số 5% được đưa ra trong bản cập nhật tháng 10/2021.

Mức độ lạm phát của ASEAN+3 cũng được AMRO nhận định sẽ duy trì ở mức tương đối thấp, khoảng 2,9% trong năm 2022.

Văn phòng AMRO chỉ ra rằng sự bùng phát của biến thể Omicron từ cuối năm 2021 đã gây ra những sự bất ổn mới và kéo lùi tiến trình tái mở cửa kinh tế.

Tuy nhiên, sự bao phủ vaccine COVID-19 cao đã làm giảm bớt mối nguy cơ về những biện pháp phong tỏa trên toàn quốc như đã từng diễn ra trong những thời gian đầu của đại dịch.

Theo Tiến sỹ Hoe Ee Khor, nhà kinh tế trưởng của AMRO, khu vực ASEAN+3 vẫn đang có không gian chính sách đầy đủ để có thể vượt qua được những thách thức mới này, và tiếp tục tiến trình phục hồi kinh tế.

Theo ông Khor, với sự “cộng hưởng” từ những gián đoạn nguồn cung toàn cầu kéo dài và áp lực giá cả toàn cầu tăng cao, thì việc bùng phát của các làn sóng lây nhiễm COVID-19 tiếp tục là mối nguy cơ chính đối với sự suy giảm kinh tế của khu vực.

Trong khi đó, lạm phát toàn cầu gia tăng dường như sẽ thúc đẩy các nền kinh tế phát triển phải thu hẹp lại những biện pháp hỗ trợ tiền tệ khổng lồ sớm hơn (có thể trong nửa cuối năm 2022) hoặc nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Mặc dù vậy, theo AMRO, những tác động mang tính dây chuyền đối với khu vực ASEAN+3 dường như sẽ được hạn chế do khu vực này có năng lực tự phục hồi lớn hơn.

Trong năm 2022, kinh tế Nhật Bản được dự báo tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo trước đây xuất phát từ sự phục hồi mạnh mẽ trong tiêu dùng tư nhân và cải thiện đầu tư kinh doanh.

Ngược lại, Hong Kong (Trung Quốc) được đánh giá sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn do việc mở cửa trở lại với Trung Quốc đại lục dường như bị trì hoãn do làn sóng lây nhiễm COVID-19 gần đây tại hai bên.

Đối với khu vực ASEAN, AMRO cho rằng hầu hết các nền kinh tế thành viên trong năm 2022 sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự báo trong tháng 10/2021 trước đây, xuất phát từ tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron và đi kèm với đó là việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để kiểm soát lây nhiễm tại các nước.

AMRO nhận định rằng những sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã “đạt đỉnh” trong quý 4/2021 và sẽ được giảm bớt trong năm 2022.

Dù vậy, các chi phí cao và các quy trình, quy định khó khăn sẽ vẫn hạn chế hoạt động đi lại, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2022 và ngành du lịch toàn cầu sẽ chỉ có thể phục hồi như mức trước đại dịch vào nửa cuối năm 2023 trở đi.

Trong bản báo cáo cập nhật tháng 1/2022, AMRO cũng có một số điều chỉnh đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực ASEAN+3 trong năm 2021.

AMRO ước tính khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 5,9% trong cả năm 2021, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra trong báo cáo tháng 10/2021 (6,1%).

Điều này xuất phát từ nguyên nhân tăng trưởng của Nhật Bản là yếu hơn dự báo (do hoạt động kinh tế trong quý 3/2021 bị hạn chế đáng kể do sự bùng phát trở lại các đợt lây nhiễm COVID-19 trên toàn quốc) và thị trường bất động sản tại Trung Quốc hạ nhiệt khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp siết chặt đối với lĩnh vực này.

Trong khi đó, tăng trưởng GDP của khối ASEAN trong năm 2021 được AMRO đánh giá là sẽ cao hơn so với dự báo trước đây, chủ yếu là nhờ những kết quả tích cực trong hoạt động kinh tế tại Singapore, Philippines, Campuchia và Thái Lan (vốn được hỗ trợ từ tiến độ tiêm vaccine nhanh và xuất khẩu hàng hóa ổn định trong quý 4/2021).

Bên cạnh đó, theo AMRO, mức lạm phát giá tiêu dùng của khu vực ASEAN+3 trong năm 2021 sẽ là 2,2% (thấp hơn so với con số 2,4% dự báo trước đây) do tốc độ gia tăng giá thực phẩm tại Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam ở mức thấp hơn dự kiến trước đây./.

Theo Thế Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load