(Xây dựng) - Bên cạnh các phân khúc nhà ở khác thì phân khúc bất động sản (BĐS) khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam hiện vẫn được nhìn nhận như một kênh đầu tư hấp dẫn, tạo ra tiềm năng đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài việc xây dựng một KCN với hệ thống hoàn chỉnh thì rất cần quan tâm đến hệ thống giao thông, sự hỗ trợ của công nghiệp phụ trợ, thủ tục, ưu đãi đầu tư.
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty Jones Lang Lasalle (JLL) tại Việt Nam cho biết, BĐS công nghiệp đang là phân khúc giàu tiềm năng. Trong quý I/2017, Việt Nam đã thu hút được 7,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016. Theo khảo sát của JLL, vốn FDI chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 6,5 tỷ USD, chiếm tới 84,9% tổng FDI vào Việt Nam. Hoạt động kinh doanh BĐS thu hút khoảng 344 triệu USD, chiếm 4,5% tổng vốn FDI.
Dòng vốn FDI vào công nghiệp và BĐS tiếp tục tăng cũng là yếu tố thuận lợi để phát triển và thu hút hoạt động đầu tư vào các KCN.
KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh.
Hiện cả nước có gần 300 KCN, 15 khu kinh tế và 2 khu công nghệ cao với tổng diện tích đất có thể cho thuê đạt trên 80.000ha (trong đó khu vực phía Bắc chiếm hơn 40.000ha, KCN tập trung chủ yếu tại các tỉnh lân cận Hà Nội như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và Hưng Yên). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít KCN không thu hút được lượng DN đầu tư vào như kỳ vọng bởi nhiều nút thắt về cơ sở pháp lý, thiếu thông tin, thị trường không minh bạch. Đây là điểm bất lợi trong thu hút đầu tư.
Chưa kể tại Việt Nam, trước đây, đầu tư các KCN chủ yếu là DN nội bởi họ là người bản địa nên thông thạo các thủ tục và dễ “xin” đất. Các KCN giai đoạn trước được đầu tư khá đơn giản, chủ yếu khoanh đất xây hàng rào, chia lô, lắp điện nước rồi cho thuê. Hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, thiếu sự hỗ trợ của công nghệ phụ trợ là những nguyên nhân phổ biến khiến nhiều KCN ảm đạm hiu hắt. Bên cạnh đó, chủ đầu tư nội còn có nhược điểm như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm bố trí cơ cấu các khu công nghiệp. Bởi vậy, các khu công nghiệp chưa thu hút khách thuê nên phân khúc đầu tư này cũng kém hấp dẫn vì tỷ lệ lấp đầy không cao.
Một trong những điểm sáng về “đón sóng” FDI ở miền Bắc phải kể đến Bắc Ninh. Các KCN đang hoạt động ở tỉnh này như Tiên Sơn, Quế Võ I, Quế Võ II, Yên Phong I… có tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất thu hồi đạt bình quân gần 85%.
Đầu năm 2017, Bắc Ninh liên tiếp nhận được “làn sóng” đầu tư từ nhiều DN nước ngoài như: Công ty Hanwha Techwin (Hàn Quốc), Tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc)… Đáng chú ý, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam cũng “rót” thêm 2,5 tỷ đồng vào Bắc Ninh, nâng tổng vốn đầu tư của Công ty ở tỉnh này lên 6,5 tỷ đồng.
Ông Ha Chan Ho, cố vấn chiến lược Tập đoàn Samsung cho rằng: Bên cạnh việc gần sân bay, bến cảng thì một trong những điều kiện hàng đầu khi chọn địa điểm đầu tư chính là ở đó phải tạo ra được môi trường để DN có thể sản xuất.
Hay như nhà đầu tư đáng kể vào KCN tại Việt Nam là VSIP (Singapore) cũng là một trong những đơn vị thành công nhất trong quy hoạch KCN với một số KCN điển hình khu vực phía Bắc như KCN Deep C I, II, III (Hải Phòng), KCN Deep C5 (Quảng Ninh), KCN VSIP Bắc Ninh…
Để có được thành công như các KCN trên, các chuyên ra BĐS khuyến nghị, các nhà đầu tư BĐS KCN buộc phải hiểu được nhu cầu từng khách hàng, nhóm các ngành hàng thích hợp với nhau, bố trí tỷ trọng hợp lý… Ngoài ra, chính quyền cần phải nỗ lực xây dựng đầu mối, chú trọng công nghệ phụ trợ, kết nối giao thông thuận lợi cho nhà đầu tư sản xuất và xuất cảng… Điều này sẽ giúp DN thuê đất KCN hoạt động thuận lợi hơn, phát triển những KCN uy tín, chất lượng, tạo sức hút cho các DN muốn xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại.
Linh Đan
Theo