Vì sao tiến trình bán, chuyển giao doanh nghiệp, dự án trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn hết sức ì ạch? TS Trần Tiến Cường (ảnh), nguyên Trưởng ban Cải cách thể chế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Thưa ông, qua hơn 20 năm thực hiện những biện pháp sắp xếp, đổi mới nhưng số lượng DNNN bán được ngày càng giảm. Số DN được chuyển giao sang cho DN khác quản lý cũng hoạt động chưa hiệu quả như mong muốn, mà điển hình là các DN trực thuộc Vinashin được chuyển sang Vinalines và PVN. Nguyên nhân vì sao?
- Nói một cách ngắn gọn nhất thì khung pháp lý cho hoạt động này hiện nay còn thiếu và không ít trường hợp “trói chân trói tay” cơ quan thực hiện.
Có phải vì thiếu hành lang pháp lý mà không có trường hợp DNNN được giải thể và phá sản?
- Giải thể, phá sản một DNNN thực sự là chuyện lớn, liên quan cả đến an sinh xã hội, liên quan đến rất nhiều lao động nên một khi chính sách chưa đầy đủ thì chưa thể làm được. Một bế tắc khác là việc chuyển giao các DN đầu tư ngoài ngành (đang thua lỗ nặng nề, hoạt động kém hiệu quả) sang các DNNN khác thì tất yếu làm phát sinh lỗ, trái nguyên tắc bảo toàn vốn nhà nước. Tôi cho rằng, trong nhiều cách khác nhau, có chuyển giao, chuyển nhượng doanh nghiệp, dự án, sáp nhập, giải thể... Vấn đề là tìm ra cách nào đó ổn thỏa nhất, lỗ ít nhất mà thôi. Tái cơ cấu thì phải chấp nhận phải trả giá chứ không thể xử lý được mà không mất gì cả!
Nghiên cứu của CIEM mới đây cho thấy gần như không có việc chuyển nhượng DNNN, mà chỉ chuyển giao, phải chăng trong lĩnh vực này Nhà nước áp đặt nhiều hơn là sự tự nguyện giữa các bên?
- Báo cáo vừa được đề cập đến là chưa ghi nhận số liệu về chuyển nhượng chứ chưa kết luận là không có. Tuy nhiên, điều có thể nói ngay được là vừa qua hình thức chủ yếu được tiến hành là chuyển giao DN, một việc làm mang tính hành chính nhiều hơn, như một giải pháp tình thế xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt vừa rồi, nhất là để xử lý việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư tràn lan, bây giờ buộc phải thoái vốn ở những ngành nghề kinh doanh không cốt lõi. Theo tôi, tới đây khi xây dựng các chính sách phải xem xét cả từ 3 bên trong hoạt động chuyển giao DN: Nhà nước với tư cách chủ sở hữu cũng như các bên được chuyển giao và được tiếp nhận.
Ông có đồng ý với nhận xét cho rằng việc chuyển giao vừa qua chủ yếu mới là gỡ lỗ trên sổ sách thôi chứ chưa có chiến lược phát triển lâu dài cho DN tiếp nhận?
- Tôi cũng nghĩ rằng việc này còn khá bị động đối với các DN, do Nhà nước quyết trước chứ không phải xuất phát từ mong muốn tự thân của DN. Hơn nữa, với tư cách chủ sở hữu, Nhà nước khi quyết định chuyển giao lại cũng chưa có tầm nhìn chiến lược về việc sau khi chuyển giao thì DN sẽ phát triển theo đường hướng nào, bằng những giải pháp gì… Lẽ ra phải tính đến quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, cả chủ sở hữu (Nhà nước), chủ đầu tư và các đối tượng bị (được) chuyển giao, xem nó có tác động lan tỏa như thế nào để giảm đi những tác động không mong muốn của việc này. Và cũng không nên chuyển giao theo kiểu sáp nhập nguyên trạng mà phải xử lý trước. Nếu anh chuyển giao một DN ốm yếu mà những vấn đề đang tồn tại vẫn nguyên xi như thế cho một DN khỏe, ngay cả khi chọn cùng ngành nghề đi nữa, họ không chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận thì đương nhiên sẽ “lây bệnh”. Nguyên lý là vậy, từng trường hợp cụ thể thế nào thì phải nghiên cứu thêm. Khó có quy phạm áp dụng chung cho mọi trường hợp được. Khi chuyển giao, chuyển nhượng dự án phải tính rất kỹ nguồn lực ở đâu để làm việc đó, đảm bảo rằng Nhà nước không phải là người chịu thua thiệt sau cùng.
Ông có nghĩ rằng để cơ cấu lại vốn của Nhà nước thì DNNN có lãi cũng nên tính chuyện chuyển nhượng chứ không phải chỉ bán những DN kém hiệu quả để cắt lỗ?
- Đó là hai việc khác nhau. Phạm vi nghiên cứu của CIEM ở đây là chuyển nhượng, chuyển giao để gỡ khó cho DNNN, thì tập trung “gỡ” cho những “ông” đang gặp khó khăn trước, để xử lý tình huống đầu tư ngoài ngành dẫn đến không có đủ vốn, đủ nhân lực và kinh nghiệm để hoạt động hiệu quả.
Theo SGGP
Theo