Nếu doanh nghiệp không thuộc đối tượng được vay ưu tiên, mức lãi suất cho vay có thể lên tới 22 - 23%/năm hoặc cao hơn.
Tính đến nay, các ngân hàng đã dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi từ 16 - 19%/năm. Khách hàng được vay với lãi suất ưu tiên chủ yêu là doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, phát triển nông nghiệp nông thôn, và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, 30.000 tỷ đồng chỉ gấp hơn 3 lần lượng dư nợ tín dụng tài trợ xuất khẩu trong 7 tháng của một ngân hàng như BIDV. Số liệu của ngân hàng BIDV cho thấy, tổng dư nợ tài trợ xuất khẩu tính đến ngày 31/7 của ngân hàng là 8.854 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,6% tổng dư nợ.
Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (IE) |
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, giám đốc khối doanh nghiệp ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), nếu không thuộc đối tượng doanh nghiệp ưu tiên, mức lãi suất cho vay hiện nay ở Maritime là 22 - 23%/năm, thậm chí cao hơn.
Bà Dương Thu Hương, tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng không thể giảm ngay lãi suất cho tất cả các doanh nghiệp bởi việc hạ lãi suất huy động về 14%/năm mới thực hiện gần nửa tháng, trong khi lãi suất huy động ở mức 18 - 19% đã kéo dài hơn 8 tháng.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc công ty Miti (chuyên sản xuất vali du lịch và các loại túi xách thời trang) cho biết, lãi vay ngân hàng trong tuần đầu tháng 9 là 22%/năm, đến 18/9 giảm còn 20%/năm.
Theo ông Kiên, hiện nay dù nhiều ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay xuống còn 17 - 18% nhưng thực tế số đơn vị được vay theo mức lãi suất này không nhiều.
Với việc lãi suất cao, áp lực từ chi phí lương, giá nguyên liệu nhập, chi phí bán hàng… khiến lợi nhuận công ty đến thời điểm này chỉ bằng nửa năm ngoái, ông Kiên cho biết.
(theo SGTT )
Theo baoxaydung.com.vn