Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã thông qua đề xuất tăng lệ phí trước bạ và lệ phí cấp mới đăng ký và biển số nhằm giảm tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông và tăng thu ngân sách. Đồng thời, Hà Nội cũng quyết định chưa tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy sau khi xem xét, thảo luận tờ trình về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn. Tuy nhiên, giải pháp này dường như mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề từ ngọn.
Theo quy định mới về phí trước bạ, lệ phí cấp mới đăng ký và biển số tại Hà Nội sẽ tăng lên mức tối đa đối với trường hợp nộp lệ phí lần đầu là 20%, còn kê khai nộp phí lần 2 vẫn giữ nguyên mức cũ là 12% (trên cơ sở Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ). Đồng thời, phí trông giữ ôtô cũng tăng cao và được tính theo lượt (120 phút/lượt) đối với các quận và huyện Từ Liêm. Đặc biệt, tại 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa) phí trông xe sẽ cao hơn các quận, huyện khác. Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
Không thể phủ nhận rằng việc tăng giá sẽ góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, thực tế tình trạng giao thông ở Hà Nội cho thấy ngoài việc tăng thu ngân sách thì cũng chưa giải quyết được gốc của việc ùn tắc giao thông. Vấn đề lớn của Hà Nội hiện nay ngoài việc quá tải về các phương tiện cá nhân, hạ tầng giao thông không đáp ứng được tốc độ gia tăng phương tiện… thì ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông cũng là một vấn đề lớn cần được giải quyết.
Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Phó tổng giám đốc TCty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam - VINACONEX cho biết, vấn đề của Hà Nội không chỉ là hạ tầng giao thông. Tôi đi rất nhiều nước trên thế giới, đường trong nội đô của họ cũng chỉ nhỏ như Hà Nội, thậm chí có nơi còn nhỏ hơn, nhưng họ không bị tắc đường vì ý thức chấp hành giao thông của họ rất tốt.
Nhiều người dân cũng cho rằng vấn đề quan trọng hiện nay của Hà Nội cần giải quyết không phải là tăng giá mà là vấn đề quản lý. Anh Phạm Văn Sinh (Hà Nội) cho biết: Tăng phí trước bạ hay phí cấp biển số thì vẫn không giải quyết được vấn đề gì! Ý thức của người tham gia giao thông và hạ tầng kém là nguyên nhân chính. Các nhà quản lý nên tập trung vào phát triển hạ tầng, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông kể cả áp dụng biện pháp mạnh như phạt tiền thật nặng... Thói quen tiêu xài của người Việt rất sang, xe đắt gấp 3 lần thế giới mà vẫn mua, vậy thêm mấy chục triệu tiền thuế trước bạ chẳng là gì cả. Không nên có tư duy: Không quản lý được thì cấm!
Thực tế cũng cho thấy việc quản lý đang là một vấn đề lớn của Hà Nội. Từ nhiều năm nay, việc thu phí trông giữ xe vượt quá giá quy định luôn là một vấn đề nóng gây nhiều bức xúc đối với chủ các phương tiện giao thông tại Hà Nội. Dù TP đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng tăng giá vô tội vạ tại hầu hết các điểm trông giữ xe, chưa kể đến các điểm trông giữ xe trái phép. Theo kết quả qua các đợt kiểm tra của lực lượng liên ngành cho thấy 86% bãi trông giữ ôtô, xe máy là trái phép hoặc vi phạm về thu quá giá…
Theo anh Trần Quốc Thắng (Hà Nội), thay vì tăng phí trước bạ và phí cấp biển số, Hà Nội nên thu phí vào nội đô như ở một số nước. Người dân mua ôtô không phải chỉ để đi vào TP. nếu tăng phí trước bạ, phí cấp biển là biện pháp cào bằng, trốn cái khó phải làm.
Những vấn đề này cho thấy, việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông có thể có rất nhiều giải pháp, nhưng Hà Nội cần có những kế hoạch dài hạn để giải quyết được vấn đề từ gốc. Bên cạnh những giải pháp tình thế, Hà Nội cũng cần coi trọng hơn nữa việc quản lý, nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Thiết nghĩ, vấn đề này rất cần có sự tham gia, đóng góp sáng kiến của cả cộng đồng
Phạm Bùi
Theo baoxaydung.com.vn