Thứ sáu 29/03/2024 16:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Không siết tín dụng bất động sản nhưng thị trường bị ngắt nguồn vay đột ngột, Ngân hàng Nhà nước ra sức thanh minh

14:33 | 08/06/2022

(Xây dựng) – Trước phản ứng của dư luận, cộng đồng doanh nghiệp và người dân phản ánh tình trạng nguồn vốn dành cho bất động sản (BĐS) bị dừng đột ngột, trong hai tuần trở lại đây, đại diện lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước đều “ra sức” thanh minh nội dung: Không có văn bản nào sử dụng từ “siết” tín dụng bất động sản.

khong siet tin dung bat dong san nhung thi truong bi ngat nguon vay dot ngot ngan hang nha nuoc ra suc thanh minh
Một đồng vốn đầu vào của BĐS đồng nghĩa đầu ra của vài chục đồng vốn của các ngành nghề kinh tế sản xuất khác.

Giải thích câu chữ ngôn từ, bản chất không thay đổi

Tại buổi tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” ngày 7/6 vừa qua, ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết: Đối với bản thân Vietinbank, ngày 1/6 đã có văn bản hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay liên quan lĩnh vực BĐS. Dư nợ BĐS chiếm khoảng 20% dư nợ của ngân hàng, nợ xấu cho vay BĐS khoảng 3% là một con số tích cực so với ngành nghề khác. Không có văn bản nào của Ngân hàng Nhà nước là siết chặt hay hạn chế cho vay BĐS.

Trước đó, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ngày 4/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã có hội nghị triển khai Nghị định 31 và có công văn của NHNN hỗ trợ 2% lãi suất, ông đã giải thích báo cáo về việc gần đây các phương tiện thông tin đại chúng hay dùng các từ như "siết", "cắt" tín dụng BĐS. NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như vậy.

Vị Phó Thống đốc NHNN nói: “Từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như BĐS, chứng khoán. Đối với BĐS cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ. "Chính vì vậy, chúng tôi vẫn thấy đây là quan điểm cũng như tinh thần chỉ đạo từ trước đến nay, tiếp tục được thực hiện trong năm 2022 và những năm tiếp theo",

“Tín dụng ở những lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như tập trung vào phân khúc nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Thậm chí trong Nghị định 31 và Thông tư 03 của NHNN cũng hướng dẫn dành 2% lãi suất để thực hiện dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân, kể cả chung cư cũ. Điều đó chứng tỏ không phải tất cả lĩnh vực BĐS đều bị kiểm soát chặt chẽ” – ông Đào Đức Tú giải thích thêm.

Theo lãnh đạo NHNN, BĐS trong thời gian gần đây vẫn tăng bình thường. Đến giữa tháng 4 tín dụng BĐS tăng và có dư nợ là 2.288.000 tỷ đồng, mức tăng là 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này so với thời điểm cùng kỳ năm 2021 có tăng nhanh hơn. Tổng dư nợ vào bất động sản chiếm 19,16% so với dư nợ của nền kinh tế, dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực chúng tôi đang kiểm soát chặt chiếm 1/3 – khoảng 785.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại cho vay bình thường có mức dư nợ khoảng 1.500.000 tỷ đồng, chiếm 66-67% tổng dư nợ tín dụng BĐS. Quan điểm chỉ đạo của NHNN vẫn tiếp tục theo chủ trương, chính sách. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả lĩnh vực BĐS bị siết lại, không có nghĩa là cung cho BĐS thiếu.

Tuy nhiên, ghi nhận từ phản ánh của người dân, doanh nghiệp và ý kiến một số chuyên gia kinh tế tài chính BĐS thì thực tế trong quý II/2022, nguồn cung tín dụng cho vay BĐS đã bị ngắt đột ngột. Việc NHNN giải thích về mặt câu từ không phải là “siết” nhưng thực trạng tiếp cận nguồn vốn vô cùng khó khăn hiện nay không thay đổi về bản chất.

“Ngắt” nguồn cho vay BĐS đột ngột: Hậu quả đổ vỡ hệ thống dây chuyền nhìn thấy rõ

Theo anh Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Công ty Aphal Real, thời gian vừa qua, ngân hàng đã bắt đầu thắt chặt lại nguồn vốn cho vay, trên thị trường có thông báo của một số ngân hàng dừng cho vay thế nọ thế kia. Thậm chí, một số khách hàng có hợp đồng tín dụng vay trước đó, đến thời điểm giải ngân để nhận nhà thì tại thời điểm này ngân hàng chưa giải ngân, mà phải chờ ra tháng sau, quý sau mới giải ngân tiếp. Có thông tin hạn chế tín dụng BĐS giao dịch trầm lắng ngay lập tức. Vì người dân đi mua nhà để ở hoặc nhà đầu tư thì đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng. Khi có thông tin vốn vay tín dụng khó khăn thì mọi người đều dừng lại để nghe ngóng để xem dòng vốn đầu tư có đủ để tiếp tục đầu tư hay không. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, những người có nhu cầu thực sự.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Trên thực tế vừa qua, một số vụ việc đã xảy ra, các ngân hàng thương mại đã cho dừng cho vay tín dụng BĐS. Dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng, bởi đây là “ bà đỡ ” cho các doanh nghiệp BĐS trong giai đoạn triển khai thực hiện dự án BĐS để đến giai đoạn triển khai thu hút vốn của khách hàng.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn – Tổng Biên tập Báo Thanh niên cho biết: Tín dụng cho thị trường BĐS là khá quan trọng, việc này xuất phát từ thực trạng giao dịch trên thị trường BĐS đang có dấu hiệu bị ngưng trệ do dòng tín dụng bị siết đột ngột. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi và một số đại biểu Quốc hội cũng đưa những lo ngại về việc kiểm soát tín dụng có thể tác động lên sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ra nghị trường Quốc hội ngay những phiên đầu tiên của kỳ họp đang diễn ra hiện nay.

“Ngay trong đại dịch chúng ta đã chứng kiến, hàng không hắt hơi thì du lịch bệnh nặng; Cầu, đường không thông thì vận tải gặp khó. Tương tự với BĐS, những dự án dang dở không thể về đích, tiền của mà doanh nghiệp bỏ vào đó sẽ biến thành xà bần, sắt vụn. Dự án mới không thể khởi công sẽ khiến nguồn cung nhà ở trên thị trường thiếu hụt, giá cả tiếp tục bị đẩy lên cao, giấc mơ an cư của rất nhiều người dân ngày càng trở nên xa vời. Thiếu vắng những công trình thì hàng loạt các ngành khác như sắt, thép, nội thất, xây dựng... chắc chắn bị đình trệ’’.

Theo tính toán từ các chuyên gia, có đến hơn 80 ngành nghề kinh tế khác bị ảnh hưởng khi các dự án BĐS bị chậm tiến độ. Khi thị trường BĐS gặp khó khăn, có thể nhìn thấy trước sự đổ vỡ dây chuyền của các lĩnh vực sản xuất kinh tế khác là rất rõ.

“Gần 2 tháng, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước phát đi công văn tới nay, hàng loạt hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, người dân đã bị từ chối. Nhưng không chỉ tín dụng từ ngân hàng “tắc”, các kênh huy động vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp đóng băng, huy động vốn trên sàn chứng khoán không khả thi do thị trường rơi vào giai đoạn sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử. Thị trường BĐS chính thức tê liệt nhưng giá nhà, đất, căn hộ neo ở mức cao khi nguồn cung bị bóp nghẹt. Vì thế, khơi thông nguồn vốn, chính sách để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, từ đó ổn định thị trường, giảm rủi ro là vấn đề quan trọng, cấp thiết” - Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn kiến nghị.

Ninh Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load