Cuối tháng 10/2012, Dự thảo Luật Thủ đô (Dự thảo) đã được trình Quốc hội thông qua. Nhìn tổng thể, Dự thảo đã khá hoàn chỉnh, đề cập đến nhiều vấn đề đặt ra của Thủ đô. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề quản lý nhập cư, cơ chế tài chính, văn hóa, đất đai, hạ tầng… Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Xây dựng có buổi trao đổi với ông Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Theo quan điểm của ông, Dự thảo Luật Thủ đô cần phải điều chỉnh hoặc bổ xung thêm những gì?
Theo tôi, Luật nên điều chỉnh những vấn đề liên quan đến tính chất thủ đô của Hà Nội, còn vấn đề chỉ liên quan đến Hà Nội thì không nhất thiết phải đưa vào Luật Thủ đô. Bởi vì, Hà Nội đang gánh trên mình hai vai, một vai là thủ đô, còn một vai là đô thị loại đặc biệt, giống như TP HCM, là 1 trong năm thành phố trực thuộc Trung ương, nên Luật chỉ nên quy định những cái gì liên quan đến tính chất thủ đô.
Tôi cho rằng một số vấn đề không có liên quan đến tính chất thủ đô như hạn chế nhập cư, cơ chế tài chính, đất đai, xây dựng…, không nên đưa ra quy định làm gì, kể cả vấn đề quá tải hạ tầng giao thông, cũng không nên đưa vào. Những gì liên quan đến thủ đô mà thủ đô có những chức năng gì, quy định cho nó rõ, thì mới có thể đề xuất ra nội dung của Luật. Thủ đô có những chức năng: Là nơi đóng trụ sở của Nhà nước, của Trung ương, của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội trên phạm vi toàn quốc; là nơi đóng của đoàn ngoại giao; là nơi diễn ra các hoạt động ở tầm quốc gia, các hoạt động văn hóa chính trị xã hội ở tầm quốc gia như diễu hành ngày 2/9... Có thể nói thêm một điểm nữa, thủ đô Hà Nội là một địa điểm có tính chất tiêu biểu cho quốc gia. Người nước ngoài khi đến Việt Nam, họ đều có ấn tượng mạnh về thủ đô Hà Nội.
Trong Dự thảo cũng chưa đề cập rõ cơ chế đặc thù cho Thủ đô. Về kết cấu hạ tầng đô thị có trong dự thảo đều đã được quy định hết trong luật của Hà Nội trước đây. Những dự án đường tàu điện ngầm, đường vành đai, đường trên cao…, chẳng cứ gì luật, Chính phủ cũng ưu tiên thực hiện. Nhiều quyết định của Chính phủ, nghị quyết của Bộ Chính trị quy định cho Hà Nội những cơ chế đặc thù từ lâu. Luật có hai loại điều khoản là cấm đoán, cho phép, một loại là điều khoản tuyên bố. Trong luật vẫn cần điều khoản tuyên bố nhưng đưa vào ít thôi, kèm theo đó là điều khoản cho phép và cấm đoán thì điều khoản tuyên bố mới có ý nghĩa.
Các quốc gia trên thế giới có Luật Thủ đô của họ không và họ thực hiện Luật đấy như thế nào, thưa ông?
Trên thế giới, có một số quốc gia có luật thủ đô nhưng rất ít, thậm chí nhiều quốc gia không có luật. Tôi thấy chỉ có ở Hoa Kỳ và một số nước có tính chất liên bang, có các quy định cho các thủ phủ của các bang. Họ gọi là thủ đô nhưng là thủ đô của bang, còn thủ đô của nước họ thì không có luật. Ví dụ như Malaysia có luật thủ đô từ năm 1960 quy định phải có huy hiệu thủ đô và một số điều luật khác, sau này họ có bổ xung nhưng cũng không có nhiều điều quy định trong đó. Một vài nước thuộc Liên Xô như Gruzia, họ cũng có quy định một số điều nhưng chỉ với tính chất thủ đô. Thông thường, hầu hết các nước khi có những việc gì liên quan đến thủ đô thì họ đưa vào luật như vấn đề cư trú, họ đưa vào thành một điều trong luật cư trú; vấn đề về ngân sách, muốn thủ đô có gì đặc biệt thì đưa vào một điều trong luật ngân sách hay là vấn đề đô thị, có vấn đề đặc thù thì đưa vào mục quy hoạch đô thị. Tôi thấy luật quy hoạch đô thị của Pháp nó có những điều liên quan đến thủ đô, có điều khoản đặc biệt cho những vùng khác nhau, thủ đô có gì đặc thù thì quy định thêm một điều, tạo cho việc thực hiện luật được dễ dàng và thuận tiện. Đặc biệt ở Pháp, thủ đô Paris không được đưa vào Hiến pháp nhưng đến bây giờ Paris vẫn được gọi là thủ đô.
Nói về vấn đề cư trú được đề cập trong Luật Thủ đô, có nhiều ý kiến băn khoăn về quy định hạn chế nhập cư ở Hà Nội, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Nói đến vấn đề dân cư, đặc biệt là vấn đề dân nhập cư làm ăn, sinh sống tại nội thành Hà Nội là vấn đề khá nhạy cảm. Nếu muốn, chúng ta có thể bổ sung vào luật cư trú chứ không nên đưa vào Luật Thủ đô. Tôi cho rằng, về lâu dài, cùng với những biện pháp để phát triển hạ tầng kỹ thuật cũng như hạ tầng xã hội, thì trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải áp dụng những hàng rào kỹ thuật, không nên dùng hàng rào hành chính. Ví dụ, ô tô muốn nhập khẩu, chúng ta lập hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn khí xả được bao nhiêu % hay quá quy định thì không được phép nhập khẩu, đối với hàng trong nước cũng vậy. Cũng như vậy, những người nhập cư là những người không có nhà, mình đặt điều kiện cho họ là phải làm việc mấy năm, chỗ ở bao nhiêu mét vuông trở lên, có rõ ràng địa chỉ hay không… thì mới được nhập cư. Theo tôi, nếu muốn hạn chế nhập cư nên dùng những giải pháp thực tế hơn thì mới có thể quản lý được tình trạng dân nhập cư vào đô thị như hiện nay.
Theo ông thì đây có phải là thời điểm phù hợp để ban hành luật thủ đô?
Thực ra, hiện nay Luật Thủ đô cũng gần giống như pháp lệnh thủ đô. Thủ đô là nơi đón người phương xa đến, trong nước và nước ngoài mới gọi là thủ đô. Chức năng thủ đô còn đón tiếp các đoàn đại biểu quốc gia, các nguyên thủ quốc gia nên lối vào rất quan trọng, nó phải an toàn, văn minh và sạch sẽ. Vì vậy, việc ban hành và đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống sẽ là một hành lang pháp lý hữu hiệu, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Hà Nội theo một số chính sách, cơ chế đặc thù, hài hòa với lợi ích của người dân, góp phần xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, cũng như đề ra những định hướng lâu dài, ổn định cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm với vị trí của mình. Đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà chính quyền Thủ đô cũng phải gánh vác.
Xin cảm ơn ông!
Linh Anh (Thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn