(Xây dựng) - Cha ông ta từ ngàn đời nay đã từng sống với tư duy xanh, thân thiện với môi trường… Từ tổ chức không gian nơi cư trú đến thiết kế công trình, yếu tố thiên nhiên bao giờ cũng gắn bó hòa quện và đã để lại rất nhiều tri thức có giá trị, cần phải được phát triển nâng cao. Việt Nam - một nước nhiệt đới gió mùa… thiên nhiên cũng ban tặng cho nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, môi trường cảnh quan… Và tất nhiên, không có lí do gì để cản bước việc phát triển các đô thị xanh ở Việt Nam.
Để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh cần xây dựng một mô hình đô thị xanh kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Nhưng trước hết cần thay đổi nhận thức, tư duy ở tầm chiến lược cho việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng đô thị xanh ngay trong tương lai gần; Cần đưa quan điểm phát triển xanh, tiêu chí xanh, Quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh vào công tác quy hoạch xây dựng, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị xanh như: Giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và công trình kiến trúc đô thị xanh.
Có một số yêu cầu trong quy hoạch phát triển đô thị xanh tại Việt Nam. Thứ nhất là sự đồng thuận trong nhận thức, khái niệm, tiêu chí phát triển đô thị xanh. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều xu hướng phát triển đô thị mang tính toàn cầu như phát triển đô thị nén, hiện đại có bản sắc, đô thị sinh thái, đô thị tiết kiệm năng lượng, hiệu quả, đô thị xanh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển đô thị bền vững… Tuy nhiên để có sự đồng thuận về một xu hướng phù hợp với điều kiện Việt Nam thì chắc cũng không khó bởi lối sống, văn hóa Việt Nam luôn hòa quện với thiên nhiên. Bởi vậy, đô thị sinh thái, đô thị xanh, phát triển bền vững luôn là hướng tiếp cận của các nhà lí luận, hoạch định chính sách, quy hoạch, thiết kế công trình… để phát triển đô thị Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam cần sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đô thị xanh; nghiên cứu ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về quy hoạch đô thị xanh, kiến trúc đô thị sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đô thị quốc gia với các định hướng tăng trưởng xanh.
Thứ ba, cần lồng ghép các chỉ tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn đến 2020, tầm nhìn 2050 vào các tiêu chí/chiến lược phát triển đô thị xanh quốc gia.
Thứ tư, quy hoạch chủ động bảo toàn hệ thống cấu trúc xanh đô thị, hệ thống sinh thái tự nhiên có giá trị (đặc điểm địa hình, lưu vực hệ thống mặt nước, thảm xanh tự nhiên đồi núi, hệ sinh thái nông nghiệp; các hành lang lưu thông tự nhiên…). Có nghĩa là cần quy hoạch hệ thống sinh thái tự nhiên trước khi phân bổ đất để quy hoạch các khu chức năng đô thị…
Thứ năm, quy hoạch sử dụng đất đô thị hợp lý, phân bố những khu vực chức năng chuyên biệt không để lẫn vào nhau (khu dân cư, khu công nghiệp, khu thương mại,…), bảo đảm không gian xanh là tiêu chí đầu tiên của đô thị xanh, đô thị sinh thái. Quy hoạch sử dụng đất phải đáp ứng được những yêu cầu: Giao thông đường bộ thuận lợi cho sinh hoạt và kinh tế, thuận lợi cấp thoát nước và xử lý ô nhiễm và đảm bảo mỗi khu vực chức năng đều có quy trình xử lý ô nhiễm tương xứng với lượng chất thải sinh ra.
Thứ sáu, quy hoạch xây dựng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt tiêu chuẩn môi trường; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.
Thứ bảy, để trở thành đô thị xanh, các công trình kiến trúc phải được thiết kế và xây dựng theo các tiêu chí: Xanh hóa công trình; tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng; tiết kiệm nguồn nước; thải chất thải ra môi trường xung quanh ít nhất; môi trường trong nhà xanh.
Thứ tám, muốn bảo đảm đô thị xanh, phải phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp; sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu có hiệu quả cao, tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu, phát sinh chất thải ít nhất; sử dụng công nghệ sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn; tái sử dụng, tái chế chất thải trong ngành sản xuất công nghiệp để giảm thiểu chất thải thải ra môi trường; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Thứ chín, các đô thị xanh phải đạt được chất lượng môi trường không khí, nguồn nước sạch; quản lý chất thải rắn tốt; vệ sinh đường phố luôn sạch, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định.
Thứ mười, đó là yêu cầu về chất lượng, lối sống dân cư đô thị xanh, thân thiện với môi trường. Cộng đồng dân cư của đô thị xanh có nhận thức cao và có ý thức tự giác sống hòa hợp với nhau, đặc biệt là ứng xử có văn hóa trong các hoạt động của đô thị, có trách nhiệm bảo vệ và thân thiện với môi trường tự nhiên.v
TS-KTS Trương Văn Quảng
Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia (VIUP)
Theo