(Xây dựng) – Thời gian qua, nhiều hoạt động đấu tranh giữa các cư dân chung cư với chủ đầu, các Ban quản lý tòa nhà đã diễn ra tại Hà Nội. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng việc đấu tranh để thành lập một Ban quản trị của tòa nhà, một việc đã được pháp luật quy định lại gặp rất nhiều khó khăn và nhiều chung cư mãi vẫn không thể thực hiện được.
Chỉ có vài chục Ban quản trị được thành lập trong khi Hà Nội có hàng trăm tòa nhà chung cư.
Những con số nhỏ nhặt
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay toàn thành phố mới thành lập được 79 Ban quản trị nhà chung cư hoặc cụm nhà chung cư, đang quản lý 95 trong tổng số 478 tòa nhà cao tầng. Trong khi 15 năm trở lại đây Hà Nội đã có hàng chục khu đô thị mới (KĐTM), nhà ở được đưa vào sử dụng, tiêu biểu nhất phải kể đến là The Manor, Trung Hòa - Nhân Chính, Ciputra, Linh Đàm… với số dân lên đến hàng triệu người. Theo khảo sát của phóng viên trên địa bàn các Q.Ba Đình, Thanh Xuân, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Cầu Giấy… hàng loạt khu chung cư cao tầng từ hạng sang đến bình dân dù đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đến nay vẫn không thành lập được Ban quản trị của tòa nhà.
Tại tòa nhà Nam Đô số 609 Trương Định (Q.Hoàng Mai) hiện có khoảng 500 hộ dân về ở, tương đương gần 2.000 người, dù tòa nhà đã vận hành được gần 1 năm nhưng chưa có Ban quản trị. Ông Võ Thanh Sơn, Trưởng Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi của cư dân Nam Đô cho biết: Chúng tôi đã có kiến nghị với chủ đầu tư về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết. Nguyện vọng của người dân là phải thành lập được Ban quản trị nhà chung cư để chính danh ngôn thuận hơn trong việc bảo vệ quyền lợi người dân. Vừa qua, tại khu chung cư Nam Đô đã xảy ra một số tranh chấp giữa các hộ dân và chủ đầu tư, nhất là vấn đề nước sạch sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Do chưa có Ban quản trị nhà chung cư nên người dân phải làm việc với chủ đầu tư qua hình thức Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt hơn để yêu cầu chủ đầu tư sớm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Mới đây nhất tại tòa nhà N5A đường Hoàng Đạo Thúy (Q.Thanh Xuân) đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy làm một người tử vong. Nguyên nhân sâu xa của việc này là do tòa nhà không có Ban quản trị, nên khi thang máy bị hỏng, đơn vị quản lý tòa nhà không sửa, khiến một bảo vệ đã phải thiệt mạng khi đang đi kiểm tra nguyên nhân.
Ông Phạm Hồng Thoại, Bí thư chi bộ tổ dân phố nhà N5A cho biết: Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thành lập Ban quản trị cho tòa nhà, nhưng đến nay đã gần chục năm mà vẫn chưa thể thành lập được. Nếu như có Ban quản trị thì không thể có việc thang máy bị hỏng lâu và dẫn đến tai nạn thương tâm này.
Cũng tại KĐTM Văn Quán (Q.Hà Đông) dù đã đưa vào sử dụng đã lâu nhưng đến này các tòa nhà ở đây vẫn chưa thể thành lập được Ban quản trị. Tại khu chung cư M3, M4 Nguyễn Chí Thanh (Q.Đống Đa), dù đưa vào khai thác từ cuối năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có Ban quản trị, dù người dân đã gửi rất nhiều kiến nghị với chủ đầu tư nhưng đến nay sự việc vẫn chìm trong im lặng và không thấy chủ đầu tư hồi âm cư dân.
Còn tại tòa nhà 4F KĐTM Trung Yên, dù đã thành lập được Ban quản trị nhưng đến nay quyền quản lý tòa nhà vẫn chưa được bàn giao. Mới đây Ban quản trị cùng cư dân đã phải bảo nhau “thuê” một đơn vị quản lý chuyên nghiệp chung cư để tiếp quản nhưng sau nhiều lần đấu tranh việc chuyển giao vẫn chưa thể thực hiện được bởi tòa nhà vẫn chưa thể thành lập được ban quản trị.
Ông Nguyễn Quang Tập, Trưởng Ban quản trị tòa nhà 4F KĐTM Trung Yên cho biết: Việc thành lập Ban quản trị đến nay chỉ gọi là có, bởi việc quản lý tòa nhà vẫn do Xí nghiệp quản lý dịch vụ và khai thác đô thị thực hiện. Vừa qua, UBND thành phố có yêu cầu kiểm tra các thang máy và việc thành lập các Ban quản trị nhà chung cư, tuy nhiên cho đến nay chung cư 4F Trung Yên vẫn không hề thấy đoàn kiểm tra nào đến làm việc, trong khi thang máy tòa nhà đang hỏng, mà các dịch vụ của tòa nhà vẫn được xí nghiệp tự ý tăng giá và tự thu.
Vẫn là câu chuyện lợi ích!
Có thể thấy, việc thành lập các Ban quản trị nhà chung cư đã được quy định rất rõ tại Quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, Quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội về quy trình thành lập Ban quản trị gồm: Tổ chức Hội nghị nhà chung cư; bầu Ban quản trị và công nhận Ban quản trị. Trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu thuộc chủ đầu tư. Khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Thế nhưng hiện nay tại Hà Nội, hầu hết 80% các nhà chung cư không thể thành lập được các Ban quản trị do vẫn còn không thống nhất về lợi ích trong việc quản lý các tòa nhà này. Lợi ích đó là quyền quản lý, quyền thu chi, quyền cho thuê mướn mặt bằng trong phạm vi tòa nhà. Khi thành lập các Ban quản trị thì các quyền này của đơn vị quản lý phải được chuyển giao và câu chuyện lợi ích lại bị ảnh hưởng. Do vậy, bằng nhiều cách, chủ đầu tư và các đơn vị quản lý tòa nhà luôn tìm cách “ngâm” và “ỉm” các hoạt động liên quan đến việc thành lập Ban quản trị.
Luật sư Vi Văn A, Trưởng văn phòng Luật sư số 7 (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Nhà ở thì nhà chung cư phải có Ban quản trị làm đại diện để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư. Khi chưa thành lập được Ban quản trị thì chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các công việc của Ban quản trị.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để xảy ra tình trạng này là do các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức hội nghị nhà chung cư và việc chậm kiểm tra, đôn đốc của UBND các quận, huyện, phường, xã. Về việc này, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các nhà chung cư, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định; xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc không thành lập Ban quản trị, báo cáo kết quả về UBND thành phố trong quý IV/2014.
Vũ Chiến
Theo