(Xây dựng) - Trong bối cảnh nguồn điện năng cung cấp cho nền kinh tế còn thiếu thì nhiệt điện than được coi là một xu hướng tất yếu đáp ứng yêu cầu về điện. Tuy nhiên, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than cũng đang tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.
Kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại 19 nhà máy nhiệt điện cho thấy, vẫn còn nhiều nơi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Đơn cử như nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải đã phát sinh sự cố môi trường trong quá trình hiệu chỉnh thiết bị, vận hành thử nghiệm.
Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Văn Tài – Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các nhà máy nhiệt điện than đều đối mặt với 3 vấn đề chính về môi trường là khí thải – bụi, chất thải rắn và nước làm mát. Trong các nhà máy này, dù đã có thiết bị lọc bụi tĩnh điện song vẫn phát sinh lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các bãi xỉ thải cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt. Theo đó, việc kiểm soát bụi, đặc biệt là tro bay là vấn đề không đơn giản. Các nhà máy nhiệt điện phải đảm bảo hiệu suất 99% mới có thể đưa hàm lượng bụi từ 4.900mg xuống 2.200mg.
Hiện cả nước có 64 dự án nhiệt điện than, trong đó có 26 dự án đã vận hành, 15 dự án đang triển khai, 13 dự án đã xác định chủ đầu tư, 10 dự án đang tìm chủ đầu tư. Tổng công suất của các nhà máy đang hoạt động vào khoảng 14.675MW, tiêu thụ lượng nhiên liệu 40 triệu tấn than/năm và xả lượng xỉ thải khoảng 15,8 triệu tấn/năm.
Đến năm 2030, với việc đưa vào hoạt động thêm nhiều nhà máy nhiệt điện khác, tổng công suất sẽ tăng lên 55.300MW và tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than/năm. Hầu hết các nhà máy này đều sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với nguồn nhiên liệu là than nội địa.
Điều đáng nói, ô nhiễm môi trường từ các nhà máy nhiệt điện không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực đó mà còn ảnh hưởng rộng lớn tới các khu vực khác. Bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng gia tăng, nguyên nhân một phần cũng xuất phát từ các nhà máy nhiệt điện than. Bà Khanh phân tích: Thủ đô Hà Nội bị bủa vây bởi khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc. Phần lớn các nhà máy này mới chỉ có thiết bị xử lí bụi, một số có khả năng xử lí SO2, chưa có nhà máy nào có thiết bị xử lí Nox. Quan sát trên ảnh vệ tinh, chúng tôi thấy rằng, trong năm 2016, có một số thời điểm, nồng độ bụi PM2,5 rất cao (được coi là ô nhiễm không khí nghiêm trọng) thì hướng gió chủ yếu là từ phía Đông của Hà Nội, cụ thể là từ phía Châu Giang (Trung Quốc). Khi di chuyển tới các khu công nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Phòng, nồng độ chất ô nhiễm cao hơn và di chuyển về Hà Nội. Vào mùa đông, theo gió mùa đông bắc, bụi từ phía Bắc có thể di chuyển xuống Thủ đô làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Dù các nhà máy nhiệt điện cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc phát triển nhiệt điện than vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt là trong bối cảnh thuỷ điện đã phát triển gần hết và dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã huỷ bỏ.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đánh giá công nghệ đối với các nhà máy đang hoạt động, trong trường hợp công nghệ lạc hậu thì phải cải tiến. Đối với các dự án mới, các Bộ sẽ thẩm định công nghệ trước khi tham mưu trình Chính phủ cho phép đầu tư.
Cùng với đó, cần có đánh giá đầy đủ về công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý môi trường của các nhà máy nhiệt điện hiện nay; có lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện cũ, hiệu suất thấp; cải tạo, nâng cấp các nhà máy có công nghệ lạc hậu; lắp đặt thiết bị xử lý khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường… Để giảm dần nhiệt điện, cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Viễn Phong
Theo