Hôm 25.11, Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã xác nhận có động đất với độ lớn 5.4 độ richter tại địa phận tỉnh Cao Bằng vào lúc 8 giờ 18 phút. Dư chấn của trận động đất khiến người dân ở Hà Nội cảm nhận được sự rung lắc khá mạnh.
Một chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: H.N |
Trước đó, ngày 21.11, người Hà Nội cũng cảm nhận được sự rung lắc tương tự. Vấn đề đặt ra là, những công trình cao tầng ở Hà Nội chịu được những dư chấn ở mức độ nào và Việt Nam đã có những quy chuẩn gì trong xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân.
Rung lắc và lo lắng
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xác nhận có động đất với độ lớn 5.4 độ richter, tại địa phận tỉnh Cao Bằng vào thời gian 1 giờ 18 phút (GMT), tức 8 giờ 18 phút (giờ địa phương), ngày 25.11. Tọa độ ghi nhận của trận động đất này là 22.852N-106.618E và ở độ sâu khoảng 14km.
Sơ đồ dư chấn trận động đất sáng 25.11. |
Trước đó, vào sáng 21.11, hiện tượng rung lắc cũng đã diễn ra ở một số chung cư tại khu vực nội thành Hà Nội do dư chấn của động đất có độ lớn 6,1 tại khu vực tỉnh Xayaburi, Lào. Khi xảy ra rung lắc, nhiều người dân Hà Nội đã tỏ ra lo lắng. Chỉ Hoàng Hoa ở khu vực Cầu Giấy - Hà Nội cho biết: “Tôi đang ngồi họp ở tầng 10 của công ty thấy rung lắc rất mạnh. Tuy nhiên trong công ty không ai chạy ra ngoài. Sau đó mới biết là có động đất”.
Ngay sau đợt rung lắc đầu tiên, đến khoảng 10h sáng, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, vào hồi 10 giờ 51 phút, sáng nay, 25.11, lại có thêm một trận động đất khác xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Trận động đất này có độ lớn 3,8 độ richter và xảy ra tại tọa độ 22.810 độ vĩ Bắc, 106.620 độ kinh Đông. Độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi về trận động đất này.
Sức chịu đựng của chung cư ở Hà Nội thế nào?
Năm 2007, Thủ tướng đã ký quyết định công bố Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần tại Việt Nam, trong đó quy định: Việc lập, phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng có nguy cơ động đất, sóng thần phải khảo sát, tính toán đến yếu tố tác động của động đất, sóng thần để hạn chế thiệt hại và bảo đảm phát triển bền vững.
Sau đó, Việt Nam đã có Tiêu chuẩn về thiết kế công trình chịu động đất TCVN 9386:2012 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Đây là Tiêu chuẩn rất chi tiết trong đó nhấn mạnh: Công trình phải được thiết kế và thi công để chịu được tác động động đất có xác suất xảy ra lớn hơn so với tác động động đất thiết kế, mà không gây hư hại và những hạn chế sử dụng kèm theo vì những chi phí khắc phục có thể lớn hơn một cách bất hợp lý so với giá thành bản thân kết cấu.
Theo các chuyên gia, nước ta không nằm trong vùng vành đai lửa Thái Bình Dương nên động đất thường là cấp độ trung bình. Khu vực Hà Nội hiện nay đã có bản đồ phân vùng về cấp động đất. Các công trình ở Hà Nội hiện nay đều được thiết kế, tính toán đến tải trọng của động đất và gió bão. Động đất ở Hà Nội chủ yếu là cấp 7 một vài vùng có cấp 8, bởi vậy những rung lắc vừa qua không đáng lo ngại. Cũng theo các phân tích về địa chất, Hà Nội sẽ thiệt hại nặng nếu có một trận động đất khoảng 6,5 độ richter ở vị trí… Hồ Gươm thì gần như không nhà cao tầng nào chịu nổi. Tuy nhiên đây chỉ là một kịch bản mang tính viễn tưởng.
Chung cư, nhà cao tầng tại Hà Nội chịu được động đất cấp 7, cấp 8. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Cẩn thận những chung cư cũ
Năm ngoái, dư chấn động đất tại Trung Quốc khiến nhiều chung cư Hà Nội “đung đưa nhẹ”. Sự việc này khiến cư dân sống tại các nhà cao tầng cảm thấy lo lắng.
Theo ghi nhận, trận động đất lớn nhất ở Việt Nam trong vòng 100 năm qua là trận động đất mạnh 6,8 độ richter ở Tây Nam Điện Biên Phủ xảy ra lúc 23 giờ 22 phút ngày 1.11.1935 với cấp động đất bề mặt là 8 - 9.
Nguyên nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng), ông Trần Chủng cho rằng, dù vậy cũng không nên chủ quan với những rung lắc như vậy bởi hiện nay Hà Nội còn tồn tại quá nhiều chung cư cũ được xây dựng quá nửa thế kỷ tập trung ở Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng… khi có động đất thì những người dân sống ở đây cần được quan tâm.
Theo ông Chủng, với những chung cư xây mới hiện nay thì các cao tầng ở Hà Nội chống chọi được động đất cấp 7, cấp 8. “Theo bảng phân vùng về động đất của Viện Vật lý địa cầu, Hà Nội nằm trong phân vùng có động đất cấp 7, cấp 8. Vì vậy tất cả các công trình nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội đều phải có thiết kế đủ tiêu chuẩn được tính toán chống chịu động đất tới cấp 7 và có thể kiểm soát động đất lên tới cấp 8. Về mặt luật pháp đơn vị thiết kế các tòa nhà này phải có đủ năng lực khi thiết kế để tuân thủ quy chuẩn đã quy định” - ông Chủng thông tin.
Ông Chủng cũng cho rằng, vị trí địa lý của Việt Nam không nằm trong vùng vành đai lửa của Thái Bình Dương nên khả năng không gặp phải những trận động đất mạnh như ở Nhật Bản hay Indonesia.
“Hiện nay theo quan điểm kháng chấn hiện đại, chúng ta đã tính toán để khi có động đất, nhà có thể xuất hiện nứt nhưng không bao giờ có thể sập được. Với các chung cư xây mới sau này, chỉ có thể xảy ra hiện tượng đồ đạc trong nhà như đèn treo, quạt trần rung lắc trong tầm kiểm soát nhằm phục vụ mục đích cao cả nhất là để không có thiệt hại về sinh mạng con người”.
Vì thế, khi xảy ra động đất, người dân phải hết sức bình tĩnh, tìm chỗ nấp an toàn chờ cho đến khi hết rung lắc rồi mới di chuyển ra khỏi tòa nhà chứ không được hốt hoảng.
Cao Bằng: Xuất hiện nhiều vết nứt tại công sở, trường học Sáng nay 25.11, trên địa bàn huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng đã liên tiếp xảy ra 2 trận động đất. Trận đầu tiên xảy ra lúc lúc 8h18 với cường độ 5,4độ richter; đến 10h56 tiếp tục xảy ra trận động đất tiếp theo với cường độ yếu hơn, độ lớn 3,8 độ richter độ sâu tâm chấn 10 - 14km. Tâm chấn của trận động đất với cường độ 5,4 độ richter được xác định tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Theo đánh giá thiệt hại ban đầu khoảng 20 khối đất, đá lở xuống ruộng của người dân ở xóm Bản Phang xã Đàm Thủy và nhiều nhà dân bị xô mái ngói, xuất hiện vết nứt trên tường, một số xe ô tô để dưới chân núi bị đá đè hỏng. Tại các trụ sở cơ quan khác và đặc biệt là các trường lớp học bị xuất hiện nhiều vết nứt trên tường. Trận động đất không có thiệt hại về người và gia súc. Đ.T |
Theo NHÓM PV/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/moi-truong/khong-duoc-chu-quan-voi-nhung-chung-cu-cu-768313.ldo