Trước động thái quyết liệt của TP về việc sẽ tiến hành thu hồi tất cả các căn hộ thu nhập thấp nếu sau một thời gian nhất định, chủ nhân không đến nhận nhà và dọn về ở, số căn hộ mới được sử dụng đã tăng đáng kể.
TP quyết liệt
Chỉ đạo trên được lãnh đạo TP thống nhất đưa ra sau khi CQĐT Công an TP Hà Nội phát hiện vụ bán chui nhà thu nhập thấp đầu tiên. Liên quan tới vi phạm nghiêm trọng này, lãnh đạo TP cũng khẳng định, chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi đối tượng có hộ khẩu thường trú đã vi phạm quy định của TP, bởi lẽ đây là trường hợp đã có nhà ở, không thuộc diện khó khăn về nhà ở trong khi chính quyền vẫn xác nhận cho bà đủ tiêu chuẩn mua nhà thu nhập thấp.
Đến ngày 02/6, ông Nguyễn Văn Đa - Phó tổng giám đốc Cty CP Bê tông và Xây dựng VINACONEX Xuân Mai cho biết, hiện trong tổng số 328 căn hộ đã bán ở dự án còn một vài căn hộ chưa nhận bàn giao nhà. Đã có khoảng 65% số hộ tới ở, hoặc đang trong giai đoạn lắp đặt nội thất, số căn hộ còn lại vẫn khóa cửa bỏ không.
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình, TP sẽ không chấp nhận tình trạng căn hộ, đặc biệt là căn hộ cho người thu nhập thấp để không mãi. TP yêu cầu chủ đầu tư phải thông báo tới những người mua nhà, chậm nhất là đến 15/6 tới, phải đến nhận bàn giao nhà, nếu không sẽ hủy hợp đồng, thu hồi căn hộ.
Với những trường hợp đã nhận nhà nhưng chưa vào ở, ông Bình cho biết dù TP chưa có chế tài xử lý, song sắp tới TP sẽ chỉ đạo các bên liên qua khẩn trương bổ sung quy định, có thể là sau thời gian 3 tháng, nếu người mua vẫn bỏ hoang căn hộ, chủ đầu tư có thể xem xét hủy hợp đồng.
Người dân đồng tình
Quyết định trên của TP nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo dư luận quan tâm. Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng, nhiều ý kiến cũng “cảnh báo” với chính quyền về các “khe hở” dễ bị các đối tượng lách để ứng phó. Bạn Hải Nguyên (Q.Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho rằng: Nhà bỏ hoang, không dọn đến ở, khóa trái cửa… là những khái niệm mang tính định tính rất cao, thoạt nghe có vẻ rất dễ hiểu và hình dung nhưng thực tế cũng dễ dàng đối phó. Giả sử sau khi nhận nhà, tôi có mang đồ đạc cũ hiện không có chỗ để và khai báo với BQL tòa nhà rằng đã dọn đến. Sau đó tôi vẫn về chỗ khác sinh hoạt, thỉnh thoảng ghé qua và xuýt xoa với BQL rằng do công việc bận đi tối ngày; con nhỏ đang học dở dang chưa có điều kiện thay đổi trường lớp… có chuyện gì các anh cứ alo, mọi nghĩa vụ tài chính ở khu dân cư tôi xin đóng đủ. Một thời gian sau đó, tôi đưa một cậu sinh viên đến báo cáo BQL là người nhà đến chơi, ở nhờ để ôn thi. Câu chuyện cứ thế và cứ thế…
Bạn Huy Thành ở Cầu Giấy (Hà Nội) băn khoăn: Chỉ cần tách khẩu là tự dưng một gia đình có cơ ngơi rộng rãi giữa trung tâm Thủ đô sẽ trở thành nhiều nhà thu nhập thấp? Đây là chỗ hở trong quản lý Nhà nước. Cách duy nhất để hạn chế gian lận trong việc mua bán nhà thu nhập thấp là hạn chế quyền giao dịch nhà thời hạn dài hơn, hạn chế quyền thế chấp nhà để các nhà đầu cơ bớt mặn mà với nhà thu nhập thấp.
Đa số người dân quan tâm đều bất bình với hành vi gian lận của đối tượng đã bị phát giác. Bạn Hải Nguyên chia sẻ: Nhà ở cho người thu nhập thấp là một chủ trương đúng đắn và xã hội ủng hộ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người dân, chỉ có điều đừng để những sai phạm trong quá trình thực hiện làm mất tính tích cực của chủ trương này, qua đó gián tiếp làm mất lòng tin của dân. Nên chăng cân nhắc việc trục lợi theo hình thức gian lận mua bán nhà thu nhập thấp như một tội phạm hình sự, giống như tội lợi dụng những lúc thiên tai, hỏa hoạn… để lấy trộm tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chế tài này có thể hơi nặng nhưng sẽ giải quyết được vấn đề vì bản chất và hậu qủa hay kết cục của việc trục lợi này chẳng khác tội tham ô tài sản, để lại dư luận xấu và lâu dài. Bạn Mạnh Cường (Ba Đình - Hà Nội) hiến kế: Cứ xử người gian lận tội lừa đảo và xử người chứng nhận sai tội tòng phạm hoặc vô trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ không còn cảnh người tham lam tranh giành quyền lợi của người có nhu cầu thực sự.
Uyển Trà
Theo baoxaydung.com.vn