Như VietnamPlus đã phản ánh trong bài viết “Nam Định: Bất thường hoạt động khai thác cát theo kiểu trả góp,” thời gian gần đây, tình trạng khai thác khoáng cát trá hình đang diễn ra rầm rộ tại khu vực cửa biển Ba Lạt, khiến người dân ven bờ vô cùng bức xúc. Thế nhưng không có một cơ quan chức năng nào xử lý vấn đề này.
Hoạt động khai thác cát trên sông Hồng, trước cửa biển Ba Lạt, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Điều đáng nói ở đây là, mặc dù doanh nghiệp khai thác cát chưa chấp hành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong suốt gần 4 năm qua, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định vẫn “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp tiếp tục được khai thác theo hình thức không tiền khoáng hậu là “trả góp!”
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng nêu trên, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất và Khoáng sản - Bộ tài nguyên và Môi trường, cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về vấn đề này.
- Xin ông cho biết việc quản lý khai thác khoáng sản đặc biệt là cát, hiện nay đang được thực hiện thế nào?
Ông Lại Hồng Thanh: Hình thức quản lý thì đối với cát là thẩm quyền cấp phép của tỉnh, vậy nên tỉnh sẽ giao các cơ quan chức năng giám sát. Việc giám sát có nhiều cách. Thứ nhất là do doanh nghiệp tự kê khai sản lượng. Thứ hai là thông qua hình thức doanh nghiệp báo cáo định kỳ, mỗi năm một lần.
Ngoài ra, cơ quan cấp phép là Sở tài nguyên và Môi trường có thể tổ chức thanh-kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các văn bản, tài liệu liên quan để chứng minh sản lượng khai thác.
- Vậy trường hợp doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác, nhưng chưa thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì liệu có được khai thác cát hay không?
Ông Lại Hồng Thanh: Đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nói chung, sau khi được cơ quan cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mỏ, thì tổ chức cá nhân đó phải thực hiện nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền ký quỹ cải tạo phục vụ môi trường.
Ở đây cũng chia ra làm 2 loại, nếu giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn bằng hoặc dưới 5 năm thì tiền cấp quyền phải nộp một lần bằng 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác, và phải nộp trước khi nhận Giấy phép khai thác khoáng sản. Nghĩa là nộp tiền xong mới được khai thác.
Còn với giấy phép dài hơn 5 năm thì có thể chia ra làm nhiều lần nộp, nhưng tất cả phải theo quy định của Nghị định 203/2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản 2010.
- Nếu doanh nghiệp chưa thực hiện nộp quyền cấp quyền khai thác khoáng sản mà vẫn khai thác cát thì sẽ bị xử lý thế nào?
Ông Lại Hồng Thanh: Trường hợp này thì cơ quan chức năng phải rà soát lại, khi kiểm tra phát hiện ra sai phạm thì phải lập biên bản, sau đó thì yêu cầu doanh nghiệp nộp tiền.
Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày ra quyết định mà không thực hiện nộp thì cơ quan thẩm quyền có thể xem xét thu hồi giấy phép, cũng như tước quyền khai thác khoáng sản.
- Dẫn chứng trường hợp Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy được tỉnh Nam Định cấp phép khai thác cát trong vòng 5 năm (từ năm 2013 đến 2018), nhưng đến nay mới chỉ nộp 400 triệu đồng/tổng số gần 1,3 tỷ đông tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Vậy doanh nghiệp này có được phép khai thác?
Ông Lại Hồng Thanh: Trường hợp này đương nhiên là cơ quan chức năng phải đi kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghĩa vụ tài chính. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ, có thể tước quyền sử dụng giấy phép…
Hoạt động khai thác cát tại khu vực mỏ cát Giao Thiện, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
- Hiện nay có quy định nào cho phép doanh nghiệp khai thác khoáng sản (ở đây là cát) trong khoảng thời gian dưới 5 năm được “trả góp” tiền cấp quyền khai thác khoáng sản hay không?
Ông Lại Hồng Thanh: Không có quy định nào cho phép doanh nghiệp được quyền khai thác khoáng sản theo hình thức “trả góp” (tức là nộp nhiều đợt), đặc biệt là đối với doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong thời gian bằng hoặc dưới 5 năm.
Vì thế, không thể chấp nhận cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát theo hình thức “trả góp.”
- Vậy việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, cũng như cho phép Công ty cổ phần thủy sản Xuân Thủy khai thác cát khi doanh nghiệp chưa đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là đúng hay sai?
Ông Lại Hồng Thanh: Chắc chắn là không được. Vì theo quy định, doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản rồi mới được nhận giấy phép. Tất nhiên là có giấy phép mới được quyền khai thác./.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Hùng Võ/Vietnamplus.vn