Nhiều nước trên thế giới đã không còn sử dụng hệ thống loa truyền thanh để giao tiếp với người dân, thay vào đó họ dùng mạng xã hội để phù hợp hơn với thời đại.
Tuyên truyền, phổ biến thông tin đến số đông người dân là yêu cầu cấp thiết của mọi chính phủ. Trong xã hội hiện đại, việc dân chúng được thông tin và thấu hiểu những chính sách, quy định của chính phủ là một trong những điều kiện quan trọng để xã hội vận hành hiệu quả.
“Người dân được thông tin đầy đủ sẽ giúp chính phủ hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong nhịp sống bận rộn hàng ngày, họ thường gặp khó khăn trong việc theo dõi sự thay đổi của luật định”, Granicus - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp thông tin trên đám mây cho chính phủ Mỹ - nhận định.
Hình thức tuyên truyền thông tin đến đại chúng thường song hành với nhịp độ phát triển của công nghệ tương quan.
Đầu thế kỷ 20, phương tiện tuyên truyền đại chúng hàng đầu được ghi nhận là radio. Từ Thế chiến II, các chính phủ đã tận dụng công nghệ này nhằm truyền tải thông tin chính xác nhất đến phần đông đại chúng một cách đồng bộ và nhanh chóng.
Đa số các nước tham gia Thế chiến II đều phát triển hệ thống trên. Ở nhiều vùng hẻo lánh, các loa công suất lớn được lắp nhằm phát thông tin khẩn cấp (đánh bom, máy bay địch…). Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin để tuyển quân, thậm chí là vũ khí chiến đấu hiệu quả tại các vùng tranh chấp hoặc biên giới.
Sau chiến tranh, hầu hết hệ thống radio được sử dụng để thông tin, tuyên truyền về dân sự, thông báo chính sách, đi kèm với đó là sự biến mất của hệ thống loa khẩn cấp. Hiện tại, người ta vẫn thấy sự tồn tại lẻ tẻ của loa tuyên truyền tại biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc.
Hệ thống loa quân sự của Hàn Quốc tại biên giới với Triều Tiên. Hiện tại, loa thông báo rất ít tồn tại trong khu dân cư.
TV và báo giấy lên ngôi, nhanh chóng trở thành công cụ thay thế radio và loa. Yêu cầu mới của thời bình là hạn chế các thông tin mang tính cưỡng bách, nhưng vẫn đảm bảo khả năng phủ sóng và tiếp cận của người dân.
Tại Mỹ, nhiều tờ báo giấy luôn có mục “Public Notice”, nơi đăng tải các thông tin mới về hoạt động địa phương, thông tin về thuế khóa... Chính phủ Mỹ trong thời gian dài xem đây là kênh truyền thông phù hợp nhất cho đại chúng. Tại Ấn Độ, một đạo luật chỉ được xem là chính thức khi đã được đăng tải trên tờ Gazette of India (Công báo Ấn Độ).
Báo giấy từng là phương tiện hiệu quả, cho đến thời của Internet. Ảnh: Mary Land Reporters.
Tuy nhiên, phương thức này dần dà không tỏ ra hiệu quả với sự trỗi dậy của Internet. Người dân phụ thuộc nhiều hơn vào các thông tin số. Theo thống kê từ Statistica, người Mỹ đọc báo in khoảng 31,4 phút mỗi ngày vào năm 2008, nhưng con số đó sẽ giảm mạnh chỉ còn 16,6 phút vào năm 2018. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của báo điện tử và các phương tiện truyền thông số khác luôn cao hơn 50% mỗi năm.
Sự thay đổi thói quen này khiến các chính phủ phải thích ứng theo. Họ bắt đầu từ việc mở các trang thông tin chính phủ, duy trì các đường dây nóng, hỗ trợ thông tin về chính sách quan trọng. Tại Mỹ, các bang và cả chính phủ liên bang phải duy trì trang web liên tục. Một số bang yêu cầu lãnh đạo thường xuyên cập nhật các chính sách mới. Đối với thông tin quan trọng, đôi khi các cơ quan quản lý sẽ gửi email tập thể đến từng người dân.
Đến thời đại mạng xã hội, bên cạnh việc “di cư” từ các website truyền thống sang các nền tảng chia sẻ lớn, xu hướng thông tin mới của các chính phủ là chia sẻ 2 chiều, nhận phản hồi từ người dân.
“Việc tiếp cận mạng xã hội chỉ là vấn đề thời gian. Bạn cần công nghệ để đáp ứng nhu cầu người dân”, Brandi Boater - Quản lý Trải nghiệm Kỹ thuật số của IBM - chia sẻ trên GovTech.
Các fanpage, trang mạng xã hội chính thức ngày càng xuất hiện dày đặc trên Facebook, Twitter… và tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc nhận phản ánh từ người dân. Mạng xã hội có khả năng địa phương hóa cao, và mỗi cơ quan ban ngành đều có thể mở kênh riêng. CIA và các đơn vị cảnh sát địa phương Mỹ khai thác khá hiệu quả kênh này.
Năm 2014, phòng cảnh sát New York bắt đầu chiến dịch hoạt động mạng xã hội dưới sự chỉ đạo của Ủy viên William Bratton. Đơn vị này thành lập 117 tài khoản Twitter chính thức, cùng với YouTube, Facebook, Instagram. Gần như mọi đội trưởng đều có tài khoản riêng, có người được hàng nghìn người theo dõi và tương tác tốt. Các phương tiện vận chuyển, xe cảnh sát đều được in tên trang Twitter của người chỉ huy đơn vị.
Phòng cảnh sát New York rất thành công khi khai thác mạng xã hội để thông tin đến người dân, cũng như nhận phản hồi từ họ. Ảnh: DNAinfo.
Họ cũng linh hoạt sử dụng nhiều công cụ khác nhau để tương tác với cư dân. Họ chỉ ra 3 lợi ích của mạng xã hội: giúp người dân có thể liên lạc với cảnh sát bất kỳ lúc nào, “bình dân hóa” những cuộc chuyện trò với chính quyền, tăng tốc độ nhận tin của người dân cũng như phản ứng sự cố từ phía cảnh sát.
30 tháng sau khi áp dụng chiến dịch, số than phiền của người dân về lực lượng cảnh sát giảm mạnh, tỷ lệ tội phạm cũng giảm theo. Theo ông William, nhiều vụ trọng án đã được giải quyết nhờ nguồn tin báo đến từ các trang mạng xã hội. Học tập New York, các địa phương khác của Mỹ cũng bắt đầu dùng mạng xã hội như kênh tương tác mới và hiệu quả với người dân.
Vấn đề được đặt ra tiếp theo là đảm bảo các nội dung trên mạng xã hội luôn tươi mới và hữu ích. Hiện tại, các nhân viên cảnh sát đều có smartphone, và được yêu cầu tương tác với người dân, ví dụ trả lời tin báo tai nạn nhanh nhất có thể trước khi tiến ra hiện trường.
Theo nhận định từ Granicus, mạng xã hội không chỉ còn là kênh thông tin bổ sung, mà sẽ là xu hướng không thể tránh khỏi trong tương lai. Các chuyên gia cho rằng công nghệ mới sẽ giúp chính phủ minh bạch, cập nhật hơn, đồng thời tạo sự thân thiện với người dân. Thêm vào đó, chúng giải phóng nhiều nhân sự để tập trung hơn vào những nhiệm vụ khác.
Theo Lê Phát/Zing.vn