UBND TP Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2020, định hướng 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Đây là hai quy hoạch rất quan trọng, là cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô. Việc tổ chức thực hiện, đưa quy hoạch vào cuộc sống là trách nhiệm nặng nề đối với sự phát triển chung của đất nước. Trước mắt TP tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai nội dung của hai quy hoạch.UBND TP chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế chính sách phát triển đô thị, triển khai các quy hoạch chi tiết, thực hiện hiệu quả các giải pháp, kế hoạch đã đề ra…
Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết: Năm 2012 sẽ là năm tập trung cho việc thực hiện, triển khai các quy hoạch để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống. TP sẽ ưu tiên các nguồn lực về tài chính, nhân lực cho công tác này với yêu cầu bảo đảm thời gian, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Ngoài đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy hoạch cần có tầm nhìn xa, bảo đảm theo đúng chủ trương, chứa đựng được bản sắc dân tộc đồng thời đáp ứng được yêu cầu hội nhập, hiện đại…
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, TP sẽ thực hiện khoảng 180 các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện, các quy hoạch chuyên ngành và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc. Trong giai đoạn 2011 - 2012, TP ưu tiên triển khai 44 đồ án quy hoạch và các quy chế quản lý, tập trung lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch quan trọng phục vụ công tác và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương phù hợp với định hướng Quy hoạch chung theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2013 - 2015, Hà Nội triển khai tiếp các quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường đối với các tuyến đường chính, các tuyến vành đai, đường xuyên tâm quan trọng; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cải tạo tất cả các chung cư cũ xuống cấp tại trung tâm TP; hoàn thiện các quy hoạch phân khu đô thị tại khu vực nội đô và khu vực 2 bên sông Hồng, sống Đuống, quy hoạch các khu di tích, danh lam thắng cảnh, quy hoạch hệ thống công trình ngầm, các quy hoạch thuộc địa giới hành chính các quận, huyện, các điểm dân cư nông thôn, các quy hoạch xây dựng cải tạo, nâng cấp khu dân cư…
Tổng kinh phí cho công tác lập quy hoạch dự kiến khoảng 60 tỷ đồng được TP ưu tiên bố trí từ vốn ngân sách. Ngoài ra TP cũng áp dụng cơ chế huy động vốn từ các tổ chức kinh tế để thực hiện các quy hoạch. Khi tham gia lập quy hoạch, các tổ chức này sẽ được xét ưu tiên trong giai đoạn triển khai tiếp theo trên cơ sở tuân thủ theo quy hoạch đã được duyệt.
Trong kế hoạch triển khai Quy hoạch chung Thủ đô, TP cũng xác định các chương trình ưu tiên đầu tư, theo đó ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế - xã hội chính như cải tạo các khu chung cư cũ; phát triển các KĐTM phía đông đường vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh; phát triển nhà ở xã hội, nhà tái định cư; phát triển hệ thống trung tâm thương mại, văn hóa thể thao, công viên cây xanh, trung tâm tài chính, triển lãm quốc tế và thể dục thể thao Đông Anh; thực hiện di dời các trường học, y tế khu vực nội đô, xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối thuộc lĩnh vực giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải.
Chỉ đạo thực hiện kế hoạch, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Việc triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch chung xây dựng Hà Nội là công việc cần làm ngay, là nhân tố quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và TP phát triển một cách bền vững. Đồng thời là cơ sở cho các dự án sớm được triển khai đồng bộ, hiệu quả nên các ban, ngành, các cấp chính quyền cần chủ động, quyết liệt trong việc triển khai để sớm đưa quy hoạch thành thực tiễn trong cuộc sống. TP sẽ chủ động tập trung xây dựng và ban hành cơ chế để huy động các nguồn lực, tập hợp được đội ngũ các chuyên gia, tư vấn, những người làm quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ, đổi mới, nâng cao chất lượng các quy hoạch. Trong công tác quản lý đô thị, TP sẽ quyết liệt đẩy nhanh các chương trình di dời cơ sở ô nhiễm, trường học, cơ quan ra khỏi nội đô; quản lý chặt, kiên quyết trong việc không cấp phép các công trình cao tầng tại khu vực trung tâm; đẩy nhanh xây dựng các ĐTM... Để việc triển khai có hiệu quả, TP sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù về quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị của Thủ đô, trong đó Hà Nội đặc biệt quan tâm các cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn. Trước mắt TP kiến nghị Bộ Xây dựng và Chính phủ cho phép Hà Nội thực hiện theo cơ chế đặc thù về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và thành phần hồ sơ quy hoạch để các dự án đầu tư trọng điểm có thể triển khai sớm trên cơ sở khớp nối với quy hoạch tổng thể.
Mật độ dân số các đô thị quá dày đặc Hiện nay, tại nhiều đô thị lớn trên cả nước đất dành cho giao thông chỉ khoảng 8%, trong khi yêu cầu đất dành cho giao thông phải đạt từ 24 - 26% cho tiêu chuẩn và theo luật là khoảng 16 - 26%. Bên cạnh đó, diện tích bãi đỗ xe chỉ đạo chưa đến 1%: Hà Nội là 0,3% và TP.HCM là 0,8%, trong khi đó yêu cầu từ 3 - 5% trên tổng diện tích đất đô thị. Xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra hiện nay ở TP lớn như Hà Nội và TP.HCM. Quận nội thành Hà Nội hiện nay, mật độ là 25 - 36 nghìn người/km2. TP.HCM là 26.500 người/km2. Trong khi đó những đô thị nén của Singapore, Hongkong chỉ khoảng 6.500 người/km2. Và theo quy hoạch 108 năm 1998 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì 4 quận nội thành Hà Nội giữ mức độ 80 vạn dân, nhưng hiện nay 4 quận nội thành này của Hà Nội đã là 1,2 triệu dân. Do đó, việc kiểm soát xây dựng các công trình cao tầng để giảm mật độ dân số nội thành, rồi di dời các cơ sở đào tạo ĐH, THCN ra khỏi nội thành là việc làm cấp bách. PV |
Nhị Gia
Theo baoxaydung.com.vn