Thứ sáu 29/03/2024 21:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Không biếu quà tết

15:59 | 24/12/2019

(Xây dựng) - Ðể chuẩn bị tốt các điều kiện để nhân dân đón mừng năm mới Tết Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, phấn khởi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2020.

khong bieu qua tet
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Việc Ban Bí thư phải ban hành Chỉ thị cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ trong việc chống một trong những biểu hiện tiêu cực bấy lâu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của người cán bộ, công chức. Đây cũng là bước quyết liệt “khai tử tệ quà cáp, phong bì...”.

Chỉ thị nêu rõ, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của BCH Trung ương Ðảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.

Nhìn lại những vụ án tham nhũng trước đây, những Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều là những bằng chứng sống cho thấy, những kẽ hở trong hệ thống hành chính cũng như những “vòng vèo” trong các thủ tục và cả sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức của một số cán bộ đã nảy sinh sự tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ. Từ các vụ án tham nhũng thời gian qua, nếu chúng ta vẽ một sơ đồ đường đi của các phong bì thì sẽ thấy không thiếu cấp nào, từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện, tỉnh thành đến cấp Trung ương. Những khoản tiền lót tay ấy cũng lớn dần theo cấp hành chính. Đã có những chiếc phong bì xinh xinh nhưng có giá trị cả ngàn đô-la, những chiếc ôtô đắt tiền được cho “mượn” vô thời hạn không thể giải thích minh bạch được sau mỗi vụ việc. Và cả ngàn lời giải thích, biện minh sau đó cũng không thể làm vơi nỗi hoài nghi của dư luận đằng sau những khoản quà tặng “nho nhỏ” ấy. Tuy nhiên, những khoản tiền này ít ai ký nhận. Và vì không có ký nhận nên không ít vụ án tòa đành phải bỏ qua.

Vì sao việc dùng tiền để lo lót, để qua cửa các thủ tục hành chính đã trở thành phổ biến và mang tính hệ thống như vậy? Câu trả lời là: Trong cơ chế quản lý kinh tế hiện nay, có quá nhiều cấp chính quyền, nhiều bộ ngành can thiệp bằng nhiều cách vào hoạt động kinh doanh của DN, của người dân. Và để được việc (ví như để xây một ngôi nhà), hoặc có khi để trục lợi bất chính người ta đã phải dùng đến phong bì như một thứ “xúc tác” để công việc nhanh và hiệu quả. Với một thực trạng như vậy, nhiều DN (cả DNNN lẫn tư nhân), đến người dân khi triển khai việc sản xuất kinh doanh, công việc của mình đều phải “chạy”. “Chạy” từ người đóng dấu chạy lên đến người ký quyết định.

Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức Nhà nước nhận quà tặng không rõ mục đích hoặc có mục đích liên quan đến các hành vi tham nhũng. Đó cũng là yêu cầu từ mỗi cán bộ, công chức, mỗi công bộc của dân thể hiện sự liêm chính, chí công, vô tư trong công việc. Bên cạnh đó, việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi một ý chí chính trị mạnh đủ để tiến hành triệt để công cuộc cải các hành chính, tách bạch quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà, sách nhiễu, đề cao quyền hạn và tạo thêm thuận lợi cho những người làm ăn chân chính.

Bởi lẽ, những món quà nho nhỏ, xinh xinh ấy nếu thành tiền lệ sẽ cứ ngày một lớn dần lên. Từ những tình cảm “chút ít” ấy dễ lớn lên thành những phong bì nặng đô, thành những món quà tặng có giá trị thật lớn. Và bổn phận của một cán bộ công chức cũng theo đó dễ “vơi” đi cùng sự lớn dần của những món quà từ rất nhiều địa chỉ.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load