Thứ sáu 20/09/2024 10:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Khơi dậy sức dân trong xây dựng Nông thôn mới

22:48 | 19/10/2019

(Xây dựng) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), đến nay, tất cả các phường và xã của TP Hải Dương đều đạt cận tiêu chuẩn NTM. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, cơ sở hạ tầng có nhiều đổi mới. Những thành tựu nêu trên xuất phát từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của nhân dân.

TP Hải Dương đang vươn mình đổi mới.

Một trong những khó khăn của TP Hải Dương khi bắt tay vào xây dựng NTM đó là thiếu nguồn lực, điều này đã khiến cho hầu hết các tiêu chí xây dựng NTM đều không đạt. Không chỉ nguồn lực đầu tư xây dựng NTM từ ngân sách còn hạn chế, mà việc huy động và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài và trong nhân dân cũng gặp nhiều khó khăn. Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện, TP Hải Dương đã tìm nhiều hướng đột phá, trong đó có việc huy động sức dân vào xây dựng NTM.

Chính vì lý do đó nên khi thực hiện xây dựng NTM, TP Hải Dương đã xác định công tác tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân phải đi trước một bước. Thành phố đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, như các buổi nói chuyện chuyên đề, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu xây dựng nông thôn mới. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Từ Bí thư Chi bộ đến cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cụm dân cư... đều trở thành tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân hiểu rõ vai trò của mình trong xây dựng NTM. Người dân được trực tiếp tham gia góp ý vào quá trình xây dựng NTM, từ xây dựng đồ án quy hoạch, lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đến việc lựa chọn các tiêu chí, dự án cần làm trước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng huy động vốn của địa phương để thực hiện, tạo động lực thực hiện các tiêu chí tiếp theo.

Thành phố đã phát huy dân chủ cơ sở, vận dụng sáng tạo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân hưởng lợi, trong đó mạnh dạn đặt mục tiêu huy động nguồn lực từ cộng đồng là nhân tố quyết định để đầu tư xây dựng NTM.

Thành phố xác định xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã phát huy dân chủ cơ sở, vận dụng sáng tạo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân hưởng lợi, trong đó mạnh dạn đặt mục tiêu huy động nguồn lực từ cộng đồng là nhân tố quyết định để đầu tư xây dựng NTM. Thành công phải kể đến đó là việc huy động được nguồn lực xây dựng NTM giai đoạn 2011-2019 trên địa bàn thành phố là 943.405 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước: 259.223 triệu đồng chiếm tỷ trọng 27,48%; vốn xã hội hóa 684.182 triệu đồng chiếm tỷ trọng 72,52%, người dân đóng góp: 188.982 triệu đồng, chiếm 20,04%.

Bên cạnh đó, việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đã góp phần phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều xã, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, điện, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, thủy lợi, công trình trụ sở UBND xã, công trình cơ sở vật chất văn hóa xã, thôn, hệ thống thoát và cấp nước sinh hoạt, hệ thống chợ, thương mại nông thôn…

Phát triển giao thông nông thôn được xác định là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu của người dân nên được chú trọng đầu tư, người dân đồng tình và tự nguyện thực hiện. Cách làm này không chỉ tiết kiệm ngân sách Nhà nước, huy động nguồn lực của người dân mà còn tạo ra không khí đoàn kết, phấn khởi trong nhân dân. Sau 8 năm tổ chức triển khai thực hiện đã đầu tư xây dựng mới cứng hóa đạt chuẩn ở 04 xã xây dựng NTM là 95,536 km; trong đó đường trục xã, liên xã là 15,94 km; đường trục thôn, liên thôn 22,029 km, đường ngõ xóm là 35,343 km, đường nội đồng là 22,224 km. Bên cạnh việc đầu tư bê tông hóa các tuyến đường, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, chặt cây cối, dỡ bỏ tường rào, góp tiền, ngày công để mở rộng, nâng cấp và cứng hóa các tuyến đường thôn, xóm theo quy hoạch, đảm bảo kết nối giao thông tương đối thông suốt, tạo thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa và phục vụ sản xuất trên địa bàn ngày càng tốt hơn; tổ chức trồng hàng vạn cây xanh tại các đường giao thông mới được cải tạo, nâng cấp.

 Việc duy trì phát triển nông nghiệp nông thôn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương.

Khi triển khai chương trình xây dựng NTM, chính quyền đã biết dựa vào sức dân, huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Việc duy trì phát triển nông nghiệp nông thôn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động tại địa phương. Góp phần tạo việc làm lâu dài và ổn định, nâng cao đời sống cho người lao động, đó cũng là mục tiêu lớn mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề ra. Đến nay thu nhập bình quân của người dân tại các xã đều theo thời gian, năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 27 triệu đồng/người/năm; theo tính toán thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn ở 04 xã năm 2018 ước đạt 41.7 triệu đồng/người/năm.

Giáo dục - đào tạo cũng là một trong những tiêu chí được thành phố quan tâm đẩy mạnh, trong những năm qua, giáo dục - đào tạo của thành phố đã có những bước phát triển toàn diện về mọi mặt, giữ vững thành tích trong top đầu của toàn tỉnh. Mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển ở tất cả các cấp học. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở… Công tác xã hội hoá giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được đông đảo các cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực hưởng ứng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày càng được đề cao, triển khai rộng khắp. Phong trào xây dựng và duy trì phát huy danh hiệu làng văn hóa luôn được coi trọng và quan tâm đúng mức, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân luôn quan tâm hưởng ứng. 04 xã có 23 thôn, khu dân cư đạt danh hiệu làng văn hóa đạt 100%. Các tiêu chí, tiêu chuẩn làng văn hóa luôn được quan tâm duy trì và phát huy tốt. Mọi phong trào về văn hóa được phát triển giúp cho đời sống tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh.

Dẫu biết rằng con đường phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 còn nhiều khó khăn, thách thức song với sự chuẩn bị kiện toàn về mọi mặt, sức mạnh tổng hợp của đoàn thể quần chúng, công tác chỉ đạo sát sao của các tổ chức ban ngành, Đảng uỷ, UBND, Mặt trận tổ quốc, các ngành đoàn thể và nhân dân trong thành phố sẽ tiếp tục củng cố và hoàn thiện tốt hơn các tiêu chí đã đạt được. Phấn đấu phát huy những thế mạnh của các xã đạt chuẩn NTM nhằm xây dựng TP Hải Dương ngày càng năng động, đổi mới, hội nhập trên con đường phát triển kinh tế đất nước.

Khánh Diệp

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load