Thứ ba 21/01/2025 19:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Thanh Hoá:

Khổ như ở nhà di tích

10:16 | 13/12/2011

Vụ việc “bán di tích” cấp tỉnh xảy ra vào tháng 8/2011 tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã khiến các cấp, ngành chức năng của tỉnh lúng túng vì việc tự ý mua, bán di tích là không được phép. Tuy nhiên, vụ việc này lại bắt nguồn từ nỗi khổ của những người có nhà ở mà không thể “an cư”.


Nhà cổ nay chỉ còn là đống gỗ, ngói nằm phơi mưa nắng. Ảnh: ĐN

Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh

Năm 2003, gia đình ông Lê Đồng Xu đón nhận niềm vui lớn, ngôi nhà cổ của dòng họ Lê Đồng mà ông là chủ sở hữu, có tuổi thọ 130 năm được công nhận là di tích lịch sử “kiến trúc nghệ thuật” cấp tỉnh. Biết bao hy vọng được ông bà ấp ủ bởi suy nghĩ “đã là di tích thì tất sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư bảo quản, biết đâu còn có nguồn thu nhờ khách đến tham quan, tìm hiểu”. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tầy gang”, do tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng của ngôi nhà, năm 2005 ông Xu làm đơn gửi xã, gửi huyện và khăn gói xuống Sở VHTT&DL tỉnh xin cấp trên cho sửa chữa. Nhưng chờ mãi chẳng thấy hồi âm, không chịu được nỗi khổ bởi căn nhà quá dột nát, giữa năm 2005, ông bà phải dùng sổ đỏ thế chấp, vay ngân hàng 10 triệu đồng  để mua vật liệu sửa chữa tạm.

Cùng năm đó, ông Xu mất, ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ ông là bà Phạm Thị Ái và các con. Cảnh nhà đã khó càng thêm khó, mẹ con bà Ái nơm nớp nỗi lo “di tích” có thể đổ sập bất cứ lúc nào khi mùa mưa bão đến. Thời điểm này, ngôi nhà đã hư hỏng quá nặng, khi trời mưa, nước dột tứ tung, gặp lúc mưa lớn kéo dài, nước tràn vào lênh láng, ngập sâu tới gần nửa mét.

Năm 2007, một lần nữa bà lại gửi đơn đến các cấp, ngành chức năng, đề nghị cho người về kiểm tra, có kế hoạch và kinh phí trùng tu di tích. Nhưng cũng như trước, đơn của bà vẫn “rơi vào im lặng”.

Bán vì túng quá

Lâm vào thế bí mà chẳng biết nhờ ai, mẹ con bà Ái bàn nhau tìm người có nhu cầu để bán ngôi nhà, dù biết như thế là không làm tròn trách nhiệm với người chồng quá cố. May sao, ngôi nhà đã được bà Quách Thị Tri, ngụ huyện Như Thanh, một người bà con với gia đình đồng ý mua với giá 680 triệu đồng. Lúc này, khi ngôi nhà đã được tháo dỡ, chuẩn bị chuyển đi thì cơ quan chức năng mới “giật mình” can thiệp. Đối chiếu với Luật Di sản, việc mua, bán di tích trái phép của bà Ái và bà Tri dĩ nhiên là vi phạm, có thể phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nói về trách nhiệm của địa phương, ông Hứa Đình Nam - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh lý giải, từ khi nhận được đơn của gia đình, xã đã nhiều lần gặp bà Ái để động viên, thuyết phục bà cố gắng giữ di tích, “chờ cấp trên” quan tâm. Ngày 22/9, Sở VHTT&DL có công văn, yêu cầu chính quyền xã, huyện có giải pháp giữ nguyên hiện trạng di tích. Tiếp đó, ngày 28/9/2011, UBND tỉnh ra Công văn 6502/ UBND-VX, do Phó chủ tịch Vương Văn Việt ký, chỉ đạo các cấp, ngành hữu quan thực hiện các biện pháp khẩn cấp, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển ngôi nhà khỏi địa phương. Mới đây nhất, ngày  06/12, Phó chủ tịch tỉnh Vương Văn Việt đã ký tiếp Công văn số 8513/ UBND-VX về việc “xử lý các vi phạm di tích nhà cổ” với nội dung đồng ý đề xuất của huyện Triệu Sơn huy động các nguồn lực để phục dựng lại nhà cổ.

Không biết sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc muộn màng của các cấp, ngành chức năng có “vớt vát” được diện mạo của di tích. Bởi hiện tại thì ngôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1875, có kiến trúc dân gian truyền thống vùng Đồng bằng Bắc miền Trung với 5 gian, 2 chái, 46 cột gỗ quý này đã biến thành một đống gỗ, ngói nằm phơi mưa nắng, mối mọt?

Đào Nguyên Xim

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load