(Xây dựng) - Con người từ lâu đã nghiên cứu hiện tượng cộng hưởng để khai thác mặt lợi và triệt tiêu mặt hại.
Cộng hưởng được hiểu là khi một vật được kích thích bởi một ngoại lực tuần hoàn có cùng tần số với dao động riêng của nó thì biên độ dao động của nó đạt giá trị cực đại.
Một ví dụ điển hình cho hiện tượng này là vào giữa thế kỷ XIX, khi một đoàn quân đi đều bước qua một chiếc cầu treo khiến chiếc cầu rung lên dữ dội và đứt xuống, gây tai nạn chết người. Các nhà khoa học giải thích rằng đó là vì tần số bước đi của đoàn quân tình cờ trùng với tần số dao động riêng của chiếc cầu và gây ra cộng hưởng.
Cứ nghĩ rằng hiện tượng vật lý này chỉ xuất hiện bởi “một ngoại lực” vật chất, nhưng ngẫm kỹ ra lại không phải. Sự cộng hưởng thói vô trách nhiệm của con người cũng đã gây ra sự đổ vỡ của không ít công trình xây dựng...
Mới đây, HĐND TP Hà Nội đã mổ xẻ tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của công trình xây dựng thuộc dự án Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Trường được xây dựng năm 2008, đưa vào sử dụng năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu trên 282 tỷ đồng. Công trình là một trong những điểm nhấn về văn hóa - xã hội được đầu tư dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Theo báo cáo giám sát, toàn bộ sảnh và hành lang tầng một của tòa nhà hiệu bộ bị lún gây vỡ gạch lát nền. Sau nhiều lần khắc phục, hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Hệ thống cửa kính không đảm bảo, khi mưa hắt và thấm vào các phòng gây hỏng trang thiết bị. Các hạng mục khác như thư viện, hội trường, nhà thi đấu thì toàn bộ nền nhà bị lún sâu so với cốt không (0,00), có chỗ lên tới 20cm. Khu nội trú, toàn bộ hệ thống lan can bảo vệ trước và sau rỉ, mọt, gãy gây nguy hiểm tới người sử dụng, đặc biệt là sinh viên nội trú...
Sau khi phân tích nguyên nhân sâu xa thì các nhà quản lý của TP xác định “do địa chất công trình”. Thế là đã có khối tiếng thở phào nhẹ nhõm bởi “sự cộng hưởng thói vô trách nhiệm” của con người.
Ai cũng biết để lấy được mấy trăm tỷ của ngân sách Nhà nước cho một dự án đầu tư công không hề dễ dàng. Chúng phải trải qua những quy trình kiểm soát rất ngặt nghèo của “một đoàn quân” quản lý Nhà nước ở nhiều ngành và nhiều cấp nấc khác nhau.
Cứ mỗi cấp nấc thiếu trách nhiệm một tý, từ khâu phê duyệt dự án, đến khâu khảo sát, thiết kế, khâu thi công, giám sát, khâu nghiệm thu, rồi cả khâu đánh giá hậu quả… Khi chúng “cộng hưởng” với nhau thì cái gì mà chẳng sụp!
Nguyễn Hoàng Linh
Theo