Thứ năm 28/03/2024 17:10 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khi nào lao động chấm dứt hợp đồng không cần lý do, không cần báo trước?

21:05 | 13/02/2020

Từ năm 2021, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp nào không cần lý do, cũng không cần phải báo trước cho người sử dụng lao động?

khi nao lao dong cham dut hop dong khong can ly do khong can bao truoc
Giảng viên – TS Đỗ Ngân Bình – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật trường Đại học Hà Nội tại buổi trao đổi.

Sáng 13.2, Giảng viên – TS Đỗ Ngân Bình – Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật trường Đại học Hà Nội đã có buổi trao đổi với cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Lao Động về tác động của Bộ luật Lao động 2019 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021) đến quyền và nghĩa vụ của người lao động.

Tại buổi nói chuyện, Giảng viên – TS Đỗ Ngân Bình đã giới thiệu 68 điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019; giới thiệu 12 vấn đề mới của Bộ luật Lao động năm 2019 tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của người lao động; những điểm công đoàn cần lưu ý để bảo vệ người lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019.

Giảng viên – TS Đỗ Ngân Bình đã phân tích sự khác nhau giữa Bộ luật Lao động 2012 và Bộ luật lao động 2019 về nhiều nội dung, như nhận dạng hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động…

Với nội dung quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, theo Bộ luật Lao động 2012, đối với những hợp đồng lao động xác định thời hạn (12-36 tháng), hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc công việc nhất định (dưới 12 tháng), khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải có lý do và phải báo trước; đối với hợp đồng lao động không xác định thời giạn thì không cần lý do và phải báo trước.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì trong mọi trường hợp: Không cần lý do nhưng phải báo trước; đối với một số trường hợp đặc biệt thì người lao động không cần lý do và cũng không cần phải báo trước.

Cụ thể, theo Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này; đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Giảng viên – TS Đỗ Ngân Bình cũng đã trả lời nhiều câu hỏi từ cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Lao Động. Những thông tin được trao đổi tại buổi tập huấn sẽ giúp Báo Lao Động triển khai tốt hơn những nội dung liên quan đến công tác tổ chức trong thời gian tới; đồng thời giúp cho các phóng viên nắm vững kiến thức về luật lao động trong tác nghiệp, nhất là trong những vụ việc về bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Theo QUẾ CHI/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load