Thứ hai 16/09/2024 23:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Khi nào được sao chép, trích dẫn đường link các tin, bài báo?

22:20 | 04/05/2020

Liên quan đến những quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP vừa có hiệu lực ngày 15/4, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT).

khi nao duoc sao chep trich dan duong link cac tin bai bao
Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT.

Xin ông chia sẻ thông tin về thực trạng tin giả, tin mạo danh và việc lan truyền thông tin giả mạo trên mạng xã hội hiện nay?

Ông Nguyễn Thành Chung: Thực trạng cung cấp, chia sẻ tin giả, tin mạo danh trên mạng xuất hiện đồng hành từ khi có mạng Internet bởi tính ẩn danh của người dùng trên mạng. Khi mạng xã hội ra đời và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội không bắt buộc người sử dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân khi thiết lập tài khoản và chia sẻ thông tin thì tình trạng tin giả, tin mạo danh ngày càng trở nên phức tạp. Tình trạng này mang tính toàn cầu, hầu hết các nước trên thế giới đều gặp phải tình trạng này và cơ quan quản lý các nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết, xử lý.

Việt Nam cũng như các nước, trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát, rà quét các hành vi vi phạm và áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm minh, thậm chí không chỉ xử phạt hành chính bằng tiền mà còn xử lý hình sự.

Liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xin ông cho biết Nghị định 15 này có những điểm khác gì so với các Nghị định trước?

Ông Nguyễn Thành Chung: Liên quan tới lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử thì có 3 định hướng lớn được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 15 lần này, đó là:

Thứ nhất, bổ sung quy định xử phạt chi tiết, đầy đủ, rõ ràng các hành vi của người sử dụng mạng xã hội, người sử dụng Internet trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin bị cấm, nhất là các thông tin gây nhiều tác động xấu trong thời gian qua như thông tin sai sự thật, thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân

Thứ hai, tăng mức tiền xử phạt so với trước đây từ 20-50%, nhất là đối với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vi phạm pháp luật.

Thứ ba, tăng cường thêm các biện pháp xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm pháp luật như tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, quyết định phê duyệt nội dung kịch bản, đình chỉ hoạt động...

Đối với người sử dụng mạng xã hội, tại Nghị định 15/2020 đã được quy định rõ ràng hơn với 9 nhóm hành vi cụ thể với mức tiền xử phạt tương ứng từ 10-30 triệu đồng đối với tổ chức (và cá nhân thì bị xử phạt mức phạt bằng 50% so với tổ chức), trong đó đáng lưu ý là hành vi chia sẻ các thông tin bị cấm cũng sẽ bị xử phạt.

Ví dụ, Nghị định quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.

Các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu… cũng sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngoài hành vi chủ động cung cấp thì hành vi chia sẻ các thông tin vi phạm pháp luật trên mạng cũng gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động xấu trong xã hội; thậm chí trong một số trường hợp thì thông tin chia sẻ có số lượng người đọc quan tâm nhiều hơn rất nhiều so với thông tin gốc (ví dụ thông tin được chia sẻ bởi những người nổi tiếng, có nhiều người theo dõi trên mạng).

Thưa ông, trong Điều 101 Nghị định 15 khoản đ có quy định cấm cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản ấn phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu. Vậy, quy định cần được hiểu chính xác như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Chung: Về việc cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí được hiểu là các hành vi như sao chép các tin, bài hoặc cung cấp đường dẫn tới các tin, bài của cơ quan báo chí đã đăng tải.

Tại Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả có bao gồm tác phẩm báo chí và tác phẩm này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Đồng thời tại Điều 15 của Luật này cũng quy định "tin tức thời sự thuần túy đưa tin" không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả.

Tại Điều 19 của Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có quy định "tin tức thời sự thuần túy đưa tin là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo".

Tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định một số trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, theo đó cho phép sao chép tác phẩm cho mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc trích dẫn hợp lý để minh họa cho tác phẩm của mình mà không làm sai ý của tác giả.

Hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều các tin, bài trên các báo không chỉ là đưa tin thuần túy mà người viết, tác giả đã bổ sung, đưa thêm vào các nội dung, hình ảnh ấn tượng, cuốn hút, mang tính sáng tạo nên được coi là những sản phẩm tin tức có tính sáng tạo, không còn là tin tức thuần túy.

Do đó, khi sao chép các tin, bài này cần phải được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (tức là của tác giả bài báo, của tòa soạn), như trường hợp trang thông tin điện tử tổng hợp muốn dẫn lại nguồn tin từ các báo thì bắt buộc phải có thỏa thuận nguồn tin.

Trường hợp chỉ trích dẫn đường link (đường liên kết) dẫn tới tin, bài báo chí khi bình luận thì cũng phải bảo đảm không làm sai ý tác giả.

Vậy ông có khuyến cáo như thế nào tới người dùng mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay khi mà tình trạng tin giả, tin mạo danh… ngày càng phức tạp?

Ông Nguyễn Thành Chung: Việc nâng cao trách nhiệm, ý thức của người sử dụng mạng xã hội đóng vai trò quan trọng để giảm thiểu tình trạng tin giả. Người sử dụng mạng xã hội cần được hướng dẫn cách sử dụng mạng an toàn, cách tìm kiếm những thông tin chính thống và được cảnh báo kịp thời các rủi ro khi chia sẻ thông tin trên mạng (không chỉ là việc chia sẻ thông tin của chính mình mà còn phải rất thận trọng, cảnh giác khi chia sẻ thông tin của tổ chức, cá nhân khác, nhất là những thông tin không rõ ràng, không phải do cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc những thông tin mang tính gây sốc, hoang mang, thông tin mời chào đánh vào lòng tham của con người...

Để làm tốt việc trên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan có thẩm quyền thì các cơ quan báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp cho người dùng mạng có thể điều chỉnh kịp thời hành vi của mình một cách đúng đắn; cơ quan báo chí không chỉ cung cấp các hướng dẫn, cảnh báo rủi ro cho người dùng Internet mà cơ quan báo chí còn là nơi cung cấp các thông tin chính xác, chính thống giúp cho người dùng cho thể hiểu rõ về các sự việc, sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, nhân rộng, lan tỏa các hành vi ứng xử tốt đẹp nhiều hơn.

Điều này cũng đặt ra áp lực, trách nhiệm lớn lao cho các nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí, làm sao phải đưa tin nhanh, kịp thời nhưng phải chính xác, trung thực để góp phần vạch trần, tập tắt tin giả, tin mạo danh trên mạng. Việc tăng cường các thông tin chính thống, thông tin sạch cũng sẽ góp phần hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân hoặc sự thiếu thông tin kịp thời của người dân để kích động, trục lơi.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thúy Hà (thực hiện)/BaoChinhphu.vn

Cùng chuyên mục
  • Đồng Nai: Vì sao việc bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu bị chậm tiến độ?

    (Xây dựng) - Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km. Để thực hiện dự án này, Đồng Nai buộc phải thu hồi khoảng 290ha đất của hơn 3.700 hộ dân. Việc giải phóng mặt bằng hiện nay đang bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do những vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

  • Cuốn theo dòng lũ

    (Xây dựng) – Đô thị Việt Nam với điển hình nhiều tỉnh, thành tọa lạc dọc theo các con sông lớn hoặc ven bờ biển và mối quan hệ của cư dân với những khu vực này thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các khu vực ven sông và bờ biển dễ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và nước dâng, đặc biệt khi hệ thống đê điều không còn đủ khả năng kiểm soát và bảo vệ.

  • Quảng Nam: 17 đội thi tham gia tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số

    (Xây dựng) – Ngày 16/9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh khai mạc cuộc thi Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2024.

  • Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao Ban Dân dụng

    (Xây dựng) – Đi tất cả các tầng của từng khối nhà đang hoàn thiện, mục sở thị từng hạng mục đang lắp đặt thiết bị, nội thất của hai công trình lớn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng tỉnh Quảng Ngãi (Ban Dân dụng) làm chủ đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao quá trình tổ chức thực hiện, quản lý dự án của đơn vị.

  • Hà Nội “hồi sinh” những cây xanh bị ngã đổ sau mưa bão như thế nào?

    (Xây dựng) – Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong số hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ trong những ngày qua, dự kiến có khoảng 3.000 cây có thể cứu, trong đó có 100 cây quý hiếm. Thiệt hại nghiêm trọng từ cơn bão Yagi là bài học đắt giá cho các cơ quan quản lý về tầm quan trọng của công tác cắt tỉa cây xanh nhằm chuẩn bị cho mùa mưa bão cũng như việc chăm sóc, nuôi trồng cây xanh ra sao để phù hợp với điều kiện phát triển tại các đô thị lớn như Hà Nội.

  • Lào Cai: Hơn 10.000 nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi

    (Xây dựng) - Hoàn lưu cơn bão số 3 đã để lại cho Lào Cai những thiệt hại nặng nề, với số người chết và mất tích nhiều nhất cả nước. Đồng thời, làm thiết hại đến các cơ sở vật chất như nhà cửa, đường sá, trường học và trạm y tế gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load