Hơn 1 năm trở lại đây, khi cơn say đầu tư lắng xuống, thay cho màu hồng mà tất cả tự tô cho BĐS là màu đen của thua lỗ, giải thể, sáp nhập và nhiều hơn cả là khiếu kiện của khách hàng đối với chủ đầu tư, BQLDA. Bất cứ ai hay đọc báo mạng (chưa cần quan tâm và quá am hiểu về địa ốc) cũng đều thuộc làu những vụ khẩu chiến, thậm chí xô xát mang mùi xã hội đen (do chủ đầu tư giật dây) giữa các thượng đế và chủ đầu tư. Có thể nêu ra vài minh chứng như vụ cư dân Keangnam đồng loạt tố chủ đầu tư tự mình ban hành giá dịch vụ chung cư, ngăn cản người dân tại tòa nhà không thể sử dụng thang máy hay gửi xe vì chưa đóng tiền theo hạn mức của BQL; vụ 93 Lò Đúc (BQL tòa nhà để cho côn đồ vào hành hung đe dọa cư dân trong tòa nhà), 96 Định Công, chung cư cao cấp Golden WestLake, Vân Canh…
Hầu hết khách hàng - cư dân tại các chung cư cao tầng vẫn “đấu tranh” tự phát
với chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Tất cả những vụ việc ấy khi lắng xuống, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng phần thiệt hầu hết vẫn thuộc về khách hàng - người tiêu dùng. Bởi khi thị trường BĐS vẫn như người leo núi rơi xuống khe núi và đang gắng gượng để “bò” lên, DN theo đó cũng chẳng khá khẩm hơn. Vốn ngày một ít, hàng ế chất chồng vì đa phần chủ DN thiếu kinh nghiệm (nên chạy theo đám đông) hoặc quá mải mê các phân khúc nhà ở cao cấp và trung cấp mà quên đi nhu cầu ở thực đa phần vẫn nằm ở nhà ở bình dân, chung cư giá rẻ. Ngoài giải pháp cuối cùng là giải thể đơn vị, không ít ông chủ đơn vị kinh doanh BĐS chọn cách làm “liều” bằng cách tận dụng sự nhiễu loạn thông tin cũng như kết hợp với những chủ đầu tư “vừa thiếu tầm, vừa thiếu tâm” để đưa khách hàng vào tròng. Đến khi lâm vòng kiện cáo, đa phần DN vẫn “thoát hiểm” ngoạn mục bằng chính sự thiếu hiểu biết về luật của người mua hàng trước đó thông qua những hợp đồng cam kết, góp vốn, mua bán lỏng lẻo. Còn về phía DN, họ luôn tự trang bị một bộ phận chuyên trách về luật kinh tế và đáng nói hơn, DN - chủ đầu tư luôn biết cách giảm tối đa nguy cơ thua lỗ, tăng lợi nhuận ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn nhất bằng cách liên kết theo bất cứ dạng thức nào.
Chúng ta đã có Hội Tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hẳn một bộ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng vẫn chưa thể bảo vệ cho người tiêu dùng trong thị trường địa ốc - một thị trường đặc thù. Tại nước ngoài, các hiệp hội chủ sở hữu (Home Owner Association – HOA) hoặc hội đồng chủ sở hữu (Owners corporation)… giống như các ban quản trị nhà chung cư tại Việt Nam, được lập ra để hoạt động vì lợi ích của những người mua nhà ở. Tại Việt Nam đã có nhiều hiệp hội BĐS của các chủ đầu tư nhưng lại chưa có hiệp hội nào của những người mua nhà trong dự án nhà ở, đặc biệt là những người mua căn hộ chung cư. Do vậy, cần nghĩ đến việc thành lập hiệp hội chủ sở hữu để đại diện người mua nhà/căn hộ bảo vệ quyền lợi cho chính họ. Ngoài ra, nguyên tắc và cách hoạt động của tổ chức chủ sở hữu cũng cần tính ngay tới. Ai sẽ đứng ra điều hành hiệp hội này? Tư cách pháp nhân ra sao, tiêu chí sẽ tập trung vào bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng hay lại mỗi người một phách và chỉ “kêu cứu” khi gặp chuyện? Nên chăng là một trưởng văn phòng luật sư nên đứng đầu hiệp hội này và được sự thông qua thừa nhận của Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng.
Và quan trọng nhất, lộ trình không thể chậm trễ quá lâu vì BĐS muốn tự mình phục hồi phải có đủ các thành tố cùng tham gia chung sức. Nếu quyền lợi hợp pháp của mình vẫn bị xâm hại hay đe dọa mà không có bất cứ sự bảo vệ nào, e rằng người tiêu dùng sẽ tạm gác lại ước mơ an cư và suy nghĩ: Cứ ở nhà thuê, vài năm nữa, mua nhà cũng chẳng muộn - khả năng địa ốc phục hồi rất thấp vì yếu tố thanh khoản bị triệt tiêu. Người viết xin góp một ý kiến như vậy.
Nguyễn Cảnh - T.Luân
Theo baoxaydung.com.vn