Đã nhiều năm nay, tình trạng lộn xộn trong việc thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường trên địa bàn Thanh Hoá thường xuyên xảy ra. Vụ ép năm 2011 - 2012 này cũng không ngoại lệ. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị nhằm chấn chỉnh hoạt động thu mua cũng như đưa ra mức giá chung tối thiểu cho các DN mía đường trong tỉnh. Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của tỉnh, Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn áp đạt mức giá thấp hơn giá chung tới 100 nghìn đ/tấn.
Công văn 285 của UBND tỉnh gửi Cty Việt - Đài về giá thu mua mía.
Vụ ép năm 2011 - 2012, do thời tiết thuận lợi, năng suất và sản lượng mía nguyên liệu đạt cao, đủ khả năng đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của các Cty mía đường trong tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn tái diễn, gây khó khăn cho các nhà sản xuất cũng như quyền lợi chính đáng của người trồng mía. Để giúp các DN ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo quyền lợi hài hoà giữa nhà sản xuất và nông dân, UBND tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị “Về tình hình sản xuất, thu mua mía nguyên liệu”, thành phần bao gồm đại diện các sở, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện vùng trọng điểm mía và Tổng giám đốc các Cty CP Mía đường Lam Sơn, Cty CP Mía đường Nông Cống, Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan (Cty Việt - Đài). Ngày 22/12/2011, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền đã ra thông báo kết luận hội nghị. Theo đó, UBND tỉnh đề ra một số giải pháp chấn chỉnh hoạt động thu mía nguyên liệu, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán và thất thoát mía ra ngoài địa bàn tỉnh. Về phía các DN, phải phối hợp với các địa phương lên kế hoạch, lịch thu mua đảm bảo không để tồn đọng mía trong dân, không xâm phạm vùng nguyên liệu của nhau. Đặc biệt, căn cứ tình hình thị trường cũng như mức giá chung mà các DN đưa ra từ đầu vụ ép, UBND tỉnh đã đưa ra mức giá áp dụng chung cho các DN, tối thiểu là 1.050.000 đ/tấn. Đồng thời khuyến khích các DN tích cực, chủ động nâng mức giá lên cao hơn.
Nhận thức rõ lợi ích của nhà sản xuất phải gắn kết với lợi ích người nông dân, các Cty CP Mía đường Lam Sơn và Nông Cống đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của tỉnh. Ngoài ra còn áp dụng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và bà con nông dân. Trong khi đó, mặc dù đã tham dự hội nghị và nhất trí với kết luận của UBND tỉnh Thanh Hoá, nhưng lãnh đạo Cty Việt - Đài vẫn áp dụng mức giá mua mía nguyên liệu 950 nghìn đ/tấn, thấp hơn mức giá tối thiểu 100 nghìn đ/tấn. Đáng quan tâm hơn, theo một số nhà cung cấp mía nguyên liệu lớn của Việt - Đài, trước khi vào vụ ép, Tổng giám đốc Cty này đã tuyên bố, sẽ thu mua mía nguyên liệu với giá thấp nhất bằng 65% giá đường bán buôn cùng thời điểm. Trong khi thực tế thị trường cho thấy, giá đường bán buôn chưa bao giờ xuống dưới 17 nghìn đ/kg. Như vậy, nếu giữ đúng cam kết mà không cần chỉ đạo của tỉnh, Cty Việt - Đài phải áp dụng mức giá tối thiểu là 1.050.000 đ/tấn.
Công nhân Đội 5, Cty TNHH Nông Công nghiệp Hà Trung thu hoạch mía.
Trước việc thu mua mía bất hợp lý, bất chấp chỉ đạo của tỉnh của Cty Việt - Đài. Ngày 13/01/2012 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đức Quyền, căn cứ báo cáo của UBND huyện Thạch Thành (vùng nguyên liệu chính của Việt - Đài) đã ký tiếp Công văn 285/UBND-NN, yêu cầu “Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá tại Thông báo 157/TB-UBND ngày 22/12/2011” (về việc giá thu mua mía nguyên liệu - PV). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Cty Việt - Đài vẫn giữ nguyên mức giá cũ.
Cách hành xử chạy theo lợi nhuận, bỏ qua quyền lợi của người trồng mía của Cty Việt - Đài đã gây bất bình cho bà con nông dân. Để tìm hiểu về tình trạng này, chúng tôi đã tiếp xúc với một số hộ dân trồng mía thuộc Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, một trong những đơn vị cung cấp mía nguyên liệu lớn cho Cty Việt - Đài. Đang bận rộn với công việc, thấy có nhà báo đến, tất cả bà con đều dừng tay chặt mía để bày tỏ nỗi bức xúc của mình. Ông Nguyễn Văn Lễ - Đội trưởng Đội 5 cho biết, toàn bộ diện tích canh tác của Đội 5 có 286ha, trong đó cây mía chiếm 178ha, là cây trồng mang lại nguồn thu nhập chính của bà con. Năm nay, dự kiến tổng sản lượng mía của đội đạt trên 11 nghìn tấn, với giá bán 950 nghìn đ/tấn, so với giá tối thiểu của các đơn vị khác, quân bình mỗi hecta, người trồng mía ở đây mất 8 triệu đồng. Trước tình hình trên, ông chỉ biết kiến nghị lên Cty, đề nghị làm việc với Việt - Đài để nâng giá thu mua, nhưng trước thái độ “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” của Việt - Đài, Cty cũng đành bất lực. Tiếp lời ông Lễ, chị Trần Thị Hằng, công nhân Đội 5 bày tỏ: “Năm nay, giá các loại vật tư, công lao động đều tăng, nếu thu mua theo giá chung, chúng tôi còn có chút lãi. Nhà tôi có 2ha mía, bán cho Việt - Đài coi như mất không 16 triệu đồng, tết vừa qua, gia đình tôi cũng như nhiều nhà khác đều lao đao vì mọi khoản chi tiêu, sắm tết của gia đình, quần áo, sách vở của các cháu đều trông vào đấy cả. Kiểu này, sang năm chúng tôi sẽ đề nghị Cty tìm đơn vị khác để bán mía, không thể làm ăn lâu dài với Việt - Đài được”.
Được biết, vụ ép năm 2011 - 2012 này, tổng sản lượng mía thu mua của Cty Việt - Đài vào khoảng 600 nghìn tấn. Như vậy, với giá thu mua đang áp dụng, Việt - Đài đã “ăn không” của người trồng mía số tiền 60 tỷ đồng. Trong đó, riêng người lao động của Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung đã “mất đứt” 4,5 tỷ đồng, tương đương 45 nghìn tấn mía nguyên liệu. Cũng như công nhân Cty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, hàng nghìn hộ dân trồng mía các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Vĩnh Lộc… đang phải chịu thiệt thòi bởi giá thu mua mà Cty Việt - Đài đang áp dụng, bất chấp chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như quyền lợi chính đáng của người nông dân. Không hiểu khi cố tình chạy theo lợi nhuận trước mắt, quay lưng lại với quyền lợi của bà con nông dân, lãnh đạo Cty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan có tính đến việc làm ăn ổn định, lâu dài nữa hay không?
Đào Nguyên
Theo baoxaydung.com.vn