Chủ nhật 13/10/2024 14:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Khi cuộc đời đã gắn với nghiệp điện - đường dây

10:04 | 26/03/2015

Kỹ sư Tống Văn Hiếu

(Xây dựng) - Năm 2006, kỹ sư Tống Văn Hiếu được lãnh đạo Cty CP Sông Đà 11 cử làm trưởng nhóm dẫn một đội quân, mang theo trang thiết bị cần thiết cùng chiếc máy phát điện 1.000KVA sang tỉnh Sê Kông (Lào) tham gia xây dựng Nhà máy thuỷ điện Xekaman 3. Đây là dự án lớn của Việt Nam lần đầu tiên được Chính phủ cho phép TCty Sông Đà làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh ở nước ngoài. Thuỷ điện Xekaman 3 công suất 250MW đặt tại lưu vực sông Xekaman địa bàn thôn Đăk Tà Oóc, huyện Đăk Chưng, tỉnh Sê Kông.

Lần đầu tiên trong đời một kỹ sư trẻ như Tống Văn Hiếu được dẫn một đội quân khoảng bảy chục người đi làm việc ở nước ngoài, Hiếu thấy trong người có cảm giác cứ lâng lâng khó tả. Anh không sợ gian khổ, không lo về kỹ thuật, nhưng phía trước là chặng đường gian truân vất vả. Và quả thật, những trở ngại, những gian khó đã ập tới khi quân số và thiết bị của đơn vị tới cửa khẩu Đăk Tà Oóc. Đây là vùng giáp danh giữa địa phận tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sê Kông (Lào), một vùng núi rừng âm u hiểm trở quanh năm, mây mù, rất ít người qua lại. Đội quân cung cấp điện nước do Tống Văn Hiếu chỉ huy là một trong số rất ít đơn vị phải có mặt đầu tiên tại một dự án chuẩn bị triển khai. Địa điểm xây dựng nhà máy nằm ở xa nhất của huyện Đăk Chưng, dân thưa thớt, đời sống khó khăn, thiếu thốn lương thực, điện, nước. Việc có mặt của đội quân điện, nước do Sông Đà 11 làm chủ sẽ rất bức thiết đối với các lực lượng xây dựng đã sớm có mặt trên công trường.

Với chiếc máy phát điện hàng chục tấn kèm theo máy móc thiết bị phải kéo bộ đi qua những cánh rừng già, những đoạn đường chứa đầy lá rụng xếp lớp hàng thế kỷ không người qua lại cứ bùng nhùng như đi trên thảm bông, đường mòn độc đạo, đèo, quanh năm mưa nhiều hơn nắng. Nhưng với kinh nghiệm đã từng đi thi công với những công trường khó khăn, tương tự Tống Văn Hiếu cùng đồng đội đã luôn có những sáng tạo, tìm biện pháp khắc phục để vượt qua. Đến địa điểm chưa kịp hoàn hồn, Hiếu đã tìm gặp chủ đầu tư để triển khai kế hoạch dựng lán trại, tìm nơi đặt máy phát điện tổ chức sơ đồ thi công đường ống dẫn nước, lắp đặt trụ cột, kéo dây để phục vụ nhanh nhất cho thi công và cho sinh hoạt toàn công trường. Vài ba năm sau này khi công trường đã vào mùa thi công rầm rộ, chi nhánh điện, nước do Hiếu chỉ huy đã đảm nhận thi công chọn gói Trạm điện 220KV ngoài trời và lắp đặt kéo dây hệ thống dẫn điện từ nhà máy này về tại trạm điện lớn 500KV Thanh Mỹ, Quảng Nam.

Năm 2010, Tống Văn Hiếu được bổ nhiệm làm Trưởng chi nhánh Sông Đà 11 Thăng Long tại Đà Nẵng. Đây là thời điểm nền kinh tế cả nước gặp khó khăn, nhất là những DN nhỏ lẻ đứng xa Cty mẹ. Sẽ rất khốn đốn nếu không kiểm đủ việc làm cho hơn 300 cán bộ công nhân trong đơn vị phần lớn đều ở các tỉnh phía Bắc, còn điều lo ngại hơn của Tống Văn Hiếu là phải giữ cho được những thợ có tay nghề chuyên môn cao về kỹ thuật xây lắp đường dây. Anh đã tích cực để quan hệ, tìm kiếm các nhà đầu tư đang có nhu cầu xây lắp đường dây và trạm cùng thời điểm này đơn vị đã nhận gói thầu thi công xây lắp rồi hoàn thành, bàn giao trước thời hạn tại công trình đường dây 110KV và trạm biến áp thuỷ điện Bình Điền; Xây lắp trên 20KW đường dây 220KV đưa điện từ Nhà máy thủy điện Sông Tranh hoà lưới quốc gia; đặc biệt chi nhánh Sông Đà 11 Thăng Long là một trong ba nhà thầu có tên tuổi trong lĩnh vực xây lắp đường dây và trạm ở Việt Nam đã trúng gói thầu lớn thi công xây lắp tuyến đường dây 500KV dẫn điện từ Sê San 3, Sê San 4 về trạm bù 500KV Pleiku.

Tống Văn Hiếu đi săn tìm để tham gia gói thầu xây dựng tuyến đường dây tải điện dài 40km từ Nhà máy thuỷ điện Đăk Mi 4 kéo về trạm 500KV Nam Giang - Quảng Nam, có giá trị hợp đồng cả gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đây là công trình phức tạp cả về kỹ thuật, lẫn địa hình hiểm trở, đòi hỏi sự kiên nhẫn, bản lĩnh của người đứng đầu đơn vị cùng với đội ngũ thợ có tay nghề vững vàng. Có thể nói việc giành thắng lợi những gói thầu trong giai đoạn nền kinh tế suy giảm này đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người thợ, đảm bảo thu nhập ổn định cuộc sống.

Tôi đã gặp Tống Văn Hiếu khi anh đang cùng nhóm kỹ thuật khắc phục sự cố trên tuyến thi công đường dây 110KV từ Lộc Ninh đi Tây Ninh khoảng tháng 6/2001. Vậy mà thấm thoát đã 14 năm, tôi lại có dịp gặp Tống Văn Hiếu đang trực tiếp chỉ huy thi công xây lắp một đoạn trên tuyến đường dây 500KV mạch kép từ Pleiku - Mỹ Phước đi Cầu Bông (TP.HCM). Cuộc hội ngộ tình cờ khiến tôi không kìm giữ được câu hỏi với Hiếu rằng: Định gắn bó cuộc đời với mảnh đất Tây Nguyên hay sao mà vẫn say mê, quấn quýt làm vậy? Hiếu cười mà đôi mắt long lanh như có hồn vừa nhanh nhạy và thông tuệ, anh nói: Đây là công trình điểm của Nhà nước cần phải gấp rút hoàn thành trước Tết Ất Mùi đưa điện về phục vụ 6 tỉnh trong khu vực và TP.HCM.

Giờ đây Tống Văn Hiếu đã chuyển về Hà Nội làm Tổng giám đốc Cty TNHH Sông Đà 11 Thăng Long, tôi càng mừng hơn khi năm 2014 Cty này đã đạt doanh thu trên 540 tỷ, lợi nhuận 22 tỷ, lương bình quân của gần  400 cán bộ công nhân là 7,5 triệu đ/người/tháng. Cty đã làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước như đóng BHXH, BHYT.

Lê Nguyên Tất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load