(Xây dựng) - Năm 2015 là một năm đặc biệt quan trọng, ghi dấu những chuyển biến tích cực của ngành Xây dựng nói riêng cũng như nền kinh tế đất nước nói chung, khi các chính sách đã hòa nhịp vào cuộc sống.
Sự ấm lại của thị trường BĐS cùng với mức tăng trưởng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng năm qua đã cho thấy những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước mà cụ thể là 3 bộ luật đồng có hiệu lực gồm Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Bức tranh kinh tế năm 2015 như ngời thêm sắc Xuân khi từng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đã chạm đến từng góc cạnh của cuộc sống.
Ngay từ khi có hiệu lực, các chuyên gia và giới chuyên môn đã nhận định những hiệu ứng mang tính chiến lược, đột phá của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014. Càng đặc biệt hơn, khi áp dụng vào thực tế, các bộ luật này đã góp phần tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật, các loại đơn giá xây dựng để làm cơ sở cho việc quyết định đầu tư và thanh quyết toán công trình được kịp thời, công khai, minh bạch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh để hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam.
Để đạt được kết quả này, trước đó, Bộ Xây dựng đã tích cực nghiên cứu soạn thảo, trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng 2014 tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, với những nội dung đổi mới như: Phân biệt rõ các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác thì có phương thức quản lý khác nhau; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, đặc biệt là việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra việc nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng... Đến nay, Bộ Xây dựng đã soạn thảo trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng 2014.
Trong khi đang nghiên cứu sửa đổi Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã kịp thời soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 16/02/2013 về quản lý chất lượng công trình với đổi mới căn bản là quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán nhằm góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Nhờ những việc làm thiết thực này mà những sai phạm, rủi ro về chất lượng công trình; tỷ lệ sự cố chất lượng công trình xây dựng đã giảm theo từng năm…
Nhìn lại một năm đáng nhớ của ngành Xây dựng, điều quan trọng hơn nhất phải kể đến là cú “lội ngược dòng”, dùng cơ chế, chính sách để “phá băng” cho thị trường BĐS, xử lý đất bỏ hoang, điều chỉnh cơ cấu thị trường, cân đối cung cầu và xử lý nợ xấu, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người lao động thu nhập thấp.
Xác định quan điểm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, Bộ Xây dựng đã cho thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2005, Luật Kinh doanh BĐS năm 2006… trình Quốc hội thông qua với nhiều quy định mang tính đột phá, tác động tích cực đến thị trường BĐS và nhà ở.
Luật Nhà ở 2014 có 13 chương với 183 điều đã bổ sung các quy định để phát triển đa dạng và hài hòa các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng nhóm đối tượng người dân trong xã hội, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp; mở rộng đối tượng và nới lỏng điều kiện cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam; bổ sung thêm một số quy định để quản lý chặt chẽ nhà ở công vụ...
Cũng trong Luật Nhà ở, việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức cá nhân ở nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã nhận được những hưởng ứng tích cực từ dư luận. Các chuyên gia cho rằng, với chủ trương này, Việt Nam đã tạo một hình ảnh đất nước tương đồng với các nước trên thế giới và không còn là ốc đảo biệt lập về sở hữu nhà. Điều này cũng đã phát ra một tín hiệu mới về sự hội nhập, phát triển của đất nước đối với nền kinh tế toàn cầu.
Song hành với Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh BĐS 2014 với 6 chương, 82 điều đã bổ sung các quy định vừa mở rộng phạm vi, vừa tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh BĐS để kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, cụ thể như Bãi bỏ quy định bắt buộc DN kinh doanh BĐS phải giao dịch qua sàn giao dịch BĐS; mở rộng phạm vi kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; quy định kinh doanh BĐS phải thành lập DN, tăng vốn pháp định tối thiểu của DN kinh doanh BĐS; quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh khi bán, cho thuê BĐS hình thành trong tương lai...
Nhờ những đổi mới mang tính chiến lược của những bộ luật này, thị trường BĐS đã hồi phục tích cực với giá cả ổn định; thanh khoản tăng, cơ cấu hàng hóa được điều chỉnh hợp lý hướng tới nhu cầu thực… Giá BĐS tại nhiều dự án giai đoạn 2011 - 2013 giảm sâu (trên 30%) thì trong năm 2014 đã ổn định; một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (1 - 2%) so với năm 2013. Giá nhà ở trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục ổn định, một số dự án tại các khu vực hạ tầng đầy đủ, triển khai đúng tiến độ giá chào bán tăng nhẹ từ 2 - 5% so với cùng kỳ năm 2014. Việc thị trường ấm lên đã kéo theo mức giao dịch tăng nhanh. Năm 2014, tại Hà Nội có 11.550 giao dịch thành công (tăng gần 2 lần so với 2013), tại TP.HCM có khoảng 10.350 giao dịch thành công (tăng gần 30% so với 2013). Trong 9 tháng năm 2015, tại Hà Nội có khoảng 14.550 giao dịch thành công; tại TP.HCM có khoảng 13.850 giao dịch thành công (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2014). Cơ cấu hàng hóa BĐS cũng được điều chỉnh hợp lý. Hiện, trên địa bàn cả nước đã có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 41.769 căn hộ ; 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp hơn với nhu cầu thị trường… Giao dịch BĐS tăng mạnh cũng khiến cho lượng tồn kho liên tục giảm sâu; tín dụng trong lĩnh vực BĐS tiếp tục tăng trưởng, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống.
Đánh giá những thay đổi mang tính chiến lược của các bộ luật, phía các Sở Xây dựng địa phương cũng cho rằng, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã thực sự đi vào cuộc sống. Những điểm mới trong mỗi bộ luật đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng cũng như kinh doanh BĐS đối với cấp ngành, cấp cơ sở. Điều này đã góp phần cụ thể hoá quan điểm của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và đặc biệt là góp phần đưa ngành Xây dựng tiếp tục phát triển có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Kim Thoa
Theo