Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì khâu lập đề án, quy hoạch và kế hoạch được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trước để làm cơ sở triển khai các nội dung khác. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là chất lượng các đồ án quy hoạch không đảm bảo theo yêu cầu của xã NTM.Vì vậy, theo quy định của Thông tư liên tịch số 13/2011/ TTLT-BXDBNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 (quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM) giữa Bộ Xây dựng, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT thì từ nay UBND xã phải chịu trách nhiệm lập đồ án quy hoạch NTM.
Diện mạo nông thôn mới tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Cấp xã chịu trách nhiệm từ khâu lập đề án
Theo Thông tư số 13, UBND xã phải tổ chức lập đồ án quy hoạch, quy định quản lý theo quy hoạch và thông qua HĐND xã trước khi trình UBND huyện phê duyệt. Đối với những xã thí điểm không tổ chức HĐND thì UBND xã tổ chức lấy ý kiến các ban, ngành trong xã trước khi trình UBND huyện phê duyệt.
Sau khi đồ án được phê duyệt, UBND xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện và quản lý theo quy hoạch ở các nội dung: Tổ chức công bố, công khai và cung cấp thông tin quy hoạch; cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng kỹ thuật và ranh giới phân khu chức năng; xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất lúa nước, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa và lưu trữ hồ sơ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, đồ án quy hoạch NTM phải tuân thủ các đồ án quy hoạch cấp trên đã được phê duyệt (như quy hoạch vùng huyện, vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị…). Và theo Thông tư số 13 thì đồ án quy hoạch NTM phải bao gồm 6 nội dung: Phân tích và đánh giá hiện trạng tổng hợp; dự báo tiềm năng và định hướng phát triển; quy hoạch không gian tổng thể toàn xã; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch sản xuất; quy hoạch xây dựng.
Tuy nhiên, theo ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên KTS trưởng Hà Nội thì việc phân cấp trong công tác quy hoạch cho cấp xã sẽ dễ dẫn đến sự thiếu đồng bộ, khập khiễng và chất lượng thấp. Ông Đoàn Văn Trọng - Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh băn khoăn: Liệu chất lượng của đồ án quy hoạch NTM (khi giao cho cấp xã lập) có được đảm bảo, bởi đồ án được duyệt là yếu tố kích thích phát triển cũng như khai thác các tiềm lực, tiềm năng của các xã. Tại huyện Mê Linh thì xã Liên Mạc được chọn làm điểm xây dựng NTM. So với tiêu chí xây dựng NTM thì mới chỉ đạt 11/19 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt là: Môi trường, giáo dục, quy hoạch, trường học, thủy lợi, cơ sở văn hóa xã, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động.
Chất lượng thấp do đâu?
Ông Lê Đăng Minh - Chủ tịch xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Trình độ của cán bộ cấp xã, kể cả cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng rất hạn chế vì vậy chất lượng quy hoạch xây dựng NTM của các xã đã không đảm bảo theo yêu cầu cho quy hoạch xây dựng xã NTM. Xây dựng NTM giờ không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng mà quan trọng hơn phải thay đổi được tư duy trong cách làm ăn của người nông dân”.
Làm đường bê-tông tại Lục Ngạn, Bắc Giang (tháng 5/2011).
Nguyên nhân của quy hoạch xây dựng NTM không đảm bảo chất lượng theo yêu cầu là do số lượng, trình độ của các đơn vị tư vấn không thể đáp ứng được việc lập, thẩm định đồ án quy hoạch NTM đồng loạt trong thời gian ngắn. Nhiều địa phương không mời được đơn vị tư vấn chuyên ngành quy hoạch mà phải mời cả tư vấn chuyên ngành như giao thông, thuỷ lợi, xây dựng, tư vấn dịch vụ địa chính, tư vấn thương mại công nghiệp để thực hiện đồ án... Thậm chí có đơn vị tư vấn mới thành lập được hơn một năm. Nhiều chủ nhiệm đồ án quy hoạch còn trẻ, thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực chưa được nhiều và có chủ nhiệm đồ án là thực hiện lần đầu.
Theo lãnh đạo một số địa phương, tính dự báo phát triển của các đồ án hầu hết đều sơ sài, không cập nhật được các quy hoạch liên quan, tính thực tiễn chưa sát thực, nhiều đồ án chưa phân định được các khu chức năng, định hướng không gian quy hoạch, có trung tâm xã thì diện tích quá lớn, có xã thì quy hoạch cắt giảm chuyển đổi quá nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp, có xã thì quy hoạch diện tích đất ở nhiều hơn so với nhu cầu. Các giải pháp triển khai đề án còn thiếu, đặc biệt giải pháp nhằm thực hiện các tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất…
Ông Lương Văn Thành - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Gia Lâm lo ngại: “Công việc đầu tiên để triển khai xây dựng NTM là lập quy hoạch. Tuy nhiên, tiêu chí này được đánh giá là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nhất là tại các xã có mức độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao. Huyện Gia Lâm có 9/20 xã, thị trấn nằm trong quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, nhiều xã có nguy cơ bị thu hồi phần lớn đất nông nghiệp như Yên Thường khoảng hơn 600ha cho dự án xây dựng cầu Tứ Liên; Đa Tốn hơn 200ha cho dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Hà Nội - Hưng Yên… Nếu không còn đất nông nghiệp nữa, quy hoạch xây dựng NTM như thế nào? Hơn nữa, huyện Gia Lâm đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu làm không khéo rất dễ bị các quy hoạch khác chồng lấn hoặc phá vỡ”.
Đức Kiên
Theo baoxaydung.com.vn