1- Giá cả đang là những áp lực đè nặng lên cuộc sống của người dân, của các doanh nghiệp (DN). Cơ chế thị trường tránh sao được những biến động khó lường khi giá tăng , lúc giảm. Nhưng nhìn xem cái sự giảm hầu như rất ít, rất khó khăn, còn cái sự tăng giá lại như quá dễ. Nghịch lý thiếu thuyết phục nhiều mặt hàng tăng giá rất vô lý : Điện tăng có cả lộ trình được xây dựng công phu từ “tổng hành dinh” của EVN. Xăng dầu thì vô tư tăng nhanh, giảm thì quá chậm. Càng thấy cái không đáng tăng cũng cứ tăng.Lúc cần phải hạ thì lại chần chừ ỳ ra. Đến cả cước 3G mấy DN cũng hùa nhau tăng cùng lúc, nhưng lại được các quan chức có quyền bao biện như “thày cãi”: Tăng là đúng, là hợp lý, là không thể khác được! Rồi quá sốc trong cái tăng giá gas tới 80 nghìn một bình 12 kg thì quả là các ông lớn “độc quyền” thi nhau móc túi các DN, móc túi người dân quá trắng trợn. Rõ ràng việc quản lý giá đang đặt ra vấn đề nóng , lộ rõ một sự buông lỏng từ phía các cơ quan quản lý.
Cả miền Trung trần mình trong lũ, quá khốn khổ vì thủy điện xả nước
2 - Rát bỏng nhất vẫn là câu chuyện về giá xăng dầu suốt bao năm người dùng cứ phải chấp nhận trong sự “tù mù lỗ lãi” của “ông lớn ”độc quyền. Khi tăng thì cứ như thả phanh , khi hạ thì cứ như ỳ ra. Tăng một lúc vài nghìn đồng/lít vẫn như còn ít. Nhưng khi giá thế giới hạ, thì chần chừ “nại ra” đủ lý do. Khi buộc không thể không giảm, thì cũng cứ tí tách 500 đồng /lít như “bố thí” cho người dùng. Sự vô lý đến khó hiểu ấy, càng vô lý hơn khi có sự như chắn, như che của mấy vị ở Bộ Công Thương mới lạ. Do mấy DN đầu mối xăng dầu hào phóng chi quá tay hoa hồng cho các đại lý. Người dùng xăng dầu cứ bị móc túi đếm theo tay cho cái sự hào phóng của ông “độc quyền”. Biết đấy, kêu đấy mà không thấu.
Càng ngộ ra cái “văn hóa DN”, của mấy “ông lớn” được quyền “độc quyền” đâu có vì đất nước, vì người dân, vì các DN, mà họ chi nhăm nhắm thu lợi nhuận càng nhiều như càng ít! Họ bỏ ngoài tai tất cả bởi cái đích của họ là túi tiền đầy, là tiền bạc “đội trên đầu” chả cần biết đến ai kia! Hỏi các vị có chức sắc ở Bộ tài chính, bộ Công thương thì các vị giải thích chả thuyết phục, cứ ậm ờ : Cơ chế thị trường nó phải thế !
Cứ cách nhìn, cách nghĩ vô cảm thiếu trách nhiệm kiểu này thì trông cậy được gì khi đời sống người dân, khi SXKD của mấy chục vạn DN cả nước đang đủ áp lực khó khăn, đang gục ngã, chết không lời điếu , không dám chôn ngày một nhiều lên kia ? Nhìn coi :Giá sữa cũng tăng vô tội vạ, giá gas tăng đến bất thường gây cú sốc lớn với người dùng, chắc dân ta lại được nghe “điệp khúc” giải thích của ai đó đến trên cả vô tư : Thì cứ để tăng rồi “hậu kiểm”, chúng tôi sẽ kiểm tra (!). Nhưng rồi cái sự “hậu kiểm” , kiểm tra thế nào hay lại đi vào quên lãng. Còn sự giá tăng quá ư vô lý thì người dân và các DN vẫn cứ phải móc “hầu bao” xỉa tiền ra . Chờ ở cơ quan quản lý giá nhà nước là cục quản lý giá của Bộ Tài chính có tiếng nói, có quyết sách, lại cứ như “lờ lớ lơ” không trách nhiệm gì hỏi sao không bức xúc? Còn bà thứ trưởng Bộ Công thương Kim Thoa khi trả lời báo chí cũng chả đủ sức thuyết phục khi gas sản xuất trong nước chiếm 50% mà cứ đuổi theo giá thế giới để đẩy giá tăng lên cực sốc càng thấy quá lạ tai! Các DN độc quyền kinh doanh gas cứ thi nhau tăng giá, tăng không cần biết DN và người dân sống chết ra sao thì chả hiểu các vị điều hành từ vĩ mô , vi mô kiểu gì?
Ai đó bảo việc điều hành giá cả mà cứ như làm xiếc, cứ để người dân dài cổ chờ! Nhìn xem ông lớn này cứ kêu lỗ , ông lớn kia kêu thua không đủ chi phí , nhưng lương bổng của các vị đứng đầu thì cao ngất nghểu, các vị giải thích sao đây? Càng buồn lòng hơn là các DN độc quyền luôn được phù phép rất tài cứ như người “làm xiếc” đi trên dây của các bộ ngành bề trên của DN, nên họ càng thả sức nghĩ cách tăng giá cho nhanh, cho nhiều. Đó chính là cái căn cớ cho lạm phát tăng cao. Chính phủ đang quyết liệt kéo lạm phát xuống, mà quản lý giá không siết cho chặt lại, thì dài lâu việc kéo lạm phát xuống cũng đâu bền vững.
Một đất nước mênh mông vùng than Quảng Ninh.
3 - Buông lỏng quản lý giá! Đây là rào chắn phía trước đời sống dân sinh và SXKD của các DN cần sớm được phá bỏ. Điều hành từ vĩ mô là ở đây, tầm nhìn từ vĩ mô là ở đây? Khi đất nước đi vào cơ chế thị trường thì giá cả trở thành câu chuyện nóng. Khi giá bán , mua được xác lập đúng thì kinh tế có độ bền vững. Ngược lại là đủ hệ lụy.Chúng tôi khi đến với các DN thấy câu chuyện của cơ chế giá đang đè lên vai các DN quá nặng. Nhiều Tổng giám đốc, giám đốc đủ các lĩnh vực bảo đó là vấn đề nhạy cảm và cũng là cái “nút thắt” đâu phải dễ nói , dễ cởi. Giá phải bám theo cơ chế thị trường, có sự điều hành chỉ đạo của Nhà nước!. Nhưng thực tế , nhiều khi cơ quan quản lý giá lại không theo kịp, thì cái bất cập về giá lại đẩy lên cuộc sống, tràn vào mâm cơm của mỗi gia đình, đè nặng vai các DN .Cơ chế giá, nếu làm không chuẩn, thiếu minh bạch chỉ làm lợi cho DN , còn nhà nước thất thu, người tiêu dùng thì lãnh đủ. Ví như chuyện tập đoàn EVN đưa đủ chi phí vô lý vào giá điện cho người dùng chịu, giải thích thế nào đây? Hao phí, tổn thất điện trên đường dây cao ngất mà cứ “dồn toa” cho người mua điện phải gánh, thì cũng là cái vô lý khó chấp nhận. Biết là bất cập, nhưng khách hàng dùng điện chả thể chối từ trong những hóa đơn hàng tháng mà ngành điện đặt vào tay. Nhìn xem, thu nhập của người Việt Nam bao nhiêu, mà mấy DN độc quyền cứ vin vào so với giá thế giới, để biện bạch cho cái tăng giá được xây dựng như một “lập trình”. Đang có chuyện ăn vào giá, hay nói đúng hơn DN độc quyền tìm kiếm lợi nhuận trong cơ chế giá còn rất hở hênh. Chuyện về “ông lớn” EVN, năm nào cũng kêu điện lỗ .Nhưng lỗ mà thu nhập vẫn cao ngất, đâu mấy ngành theo kịp? Lỗ mà cứ vung tay đầu tư tứ tung ra ngoài ngành. Lỗ rồi lại chia cho từng “số điện” áp lên người dùng. Thất thoát trên lưới ,vì dây truyền tải kém cũng người dùng gánh chịu. Rồi đầu tư điện thiếu tầm , thiếu quy hoạch, mở thủy điện tràn cũng lại dồn lên người dùng gánh hết? Không tính kỹ trữ lượng nước các dòng sông, thủy điện mở qúa nhiều, cả miền Trung trần mình trong lũ quá khốn khổ vì thủy điện xả nước mà các vị vẫn cứ bảo đúng quy trình nghe khó lọt tai!. Mới đây tôi về miền Trung, nghe chuyện chỉ một huyện miền núi tỉnh Quảng Nam mà tới 7 nhà máy thủy điện trên lưng. Người xứ Quảng hóm hỉnh : Coi chừng tập đoàn EVN mai này không chỉ lo phải nhập than cho nhiệt điện mà còn lo nhập cả nước nữa!.
Thiếu than nay mai nghe nhập đã khó , nếu nước thiếu nhập kiểu gì ? Một đất nước mênh mông vùng than Quảng Ninh. Một đất nước có cả trăm dòng sông mà nhập than, nhập cả nước nữa thì rõ là chuyện hài! Cung cách làm ăn thiếu bài bản của EVN mà tập đoàn này lại đang đề nghị Chính phủ cho được thả nổi giá điện nghe càng không thuyết phục. Vì khoác áo độc quyền, bao chi phí vô lý còn “ốp lên đầu” người dùng điện mà lại được quyền định đoạt giá bán thì rõ là hơn cả ông “giời con” thoả sức tung hoành để ăn vào giá! Không hiểu , nghĩ gì mà quan chức Bộ Công thương lại đang tung hê cho ý tưởng này của EVN vội vàng thế. Chuyện cho quyền EVN tăng giá điện tối thiểu 5% lên 7 % , rõ ràng đất nước đã đánh đổi quá đắt. Chả hay EVN thu thêm bao nhiêu ngàn tỷ do tăng giá hưởng lợi , nhưng cả vạn DN gục ngã, 90 triệu dân cả nước bất bình thì cái việc Bộ Công thương vào hùa gật đầu cho ông giời con EVN tăng giá quá mức thế liệu có nên? Rõ ràng các DN kinh doanh gas đẩy giá lên tận giời tới 512 nghìn một bình gas 12 kg đang gây bức xúc với người dùng. Chợt nhớ chưa xa, ông Bộ trưởng bộ Công thương đăng đàn trả lời dân khi giá điện tăng còn cởi lòng: Tôi rất khó tả tâm trạng khi EVN tăng giá điện! Chả biết khi giá gas tăng cú sốc kinh hoàng thế này ông Bộ trưởng Công thương đang nghĩ gì? Chắc ông sẽ lại bảo tôi rất “tâm trạng” với giá gas trên cả khó tả chăng?
Đỗ Quang Đán
Theo