Thứ năm 03/10/2024 23:33 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Khát vọng nhìn từ biển

08:00 | 20/06/2017

(Xây dựng) - Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.

Tiềm năng từ biển

Các thế hệ người Việt Nam hiện nay đang được hưởng một nguồn tài nguyên vô cùng phong phú từ biển. Với lãnh thổ có bờ biển tới 3.260km (cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển), Việt Nam là quốc gia có chiều dài bờ biển đứng thứ 27 trong số 156 nước có biển trên thế giới. Việt Nam có vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền) với khoảng 3.000 hòn đảo có tổng diện tích 1.700km2. Biển Việt Nam chứa nhiều nguồn tài nguyên.

Trước hết là dầu khí, với trữ lượng khoảng từ 3 - 4 tỷ tấn dầu quy đổi, cùng các loại khoáng sản có giá trị khác như than, sắt, ti tan, cát thủy tinh, sẽ là một “cú hích” vô cùng quan trọng để Việt Nam xác lập vị thế của mình trong khai thác tiềm năng từ tài nguyên biển. Bên cạnh đó là nguồn lợi hải sản với chủng loại rất phong phú, đa dạng, có tổng trữ lượng khoảng từ 3 - 4 triệu tấn. Dọc bờ biển có hơn 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó có nhiều nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; có nhiều đảo có tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp. Ngoài ra, biển nước ta còn có 125 bãi biển lớn, nhỏ nông thoải, nước trong và sạch, nắng ấm quanh năm, không khí trong lành với cảnh quan đẹp... là điều kiện lý tưởng để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp.

Thế trận tiến ra đại dương - phải vững ngay từ bờ

Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố có biển với 12 đô thị lớn ven biển (4 trong 5 đô thị cấp quốc gia - cấp I là: Hải Phòng, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng); có nhiều đô thị giữ vai trò trung tâm vùng kinh tế - cấp II: Hạ Long, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu… Tính từ cấp thị trấn trở lên chúng ta đã có 126 đô thị ven biển (toàn thế giới có 26.476 thành phố biển).

Sở dĩ cần đề cập đến các đô thị ven biển, bởi cũng như trong đất liền, đô thị không chỉ là trung tâm hành chính, nó trước hết và trên hết hình thành với mục đích kinh tế, là động lực của nền kinh tế biển.

Trong quá trình phát triển kinh tế mở, đã hình thành các trung tâm để tiến ra biển với các đô thị: Vùng biển Bắc bộ gồm Hạ Long, Hải Phòng; Vùng biển miền Trung có Huế, Đà Nẵng, Nha Trang - Cam Ranh; Vùng biển phía Nam là TP.HCM, Vũng Tàu; Vùng biển miền Tây gồm Rạch Giá, Cà Mau, Phú Quốc. Đây là những khu vực đã có sự phát triển tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn bó với cảng biển và vận tải biển, du lịch, nghiên cứu khoa học về biển. Ngoài ra, trong số 66 đảo đã có kết cấu hạ tầng (giao thông, điện lưới, cơ sở cung cấp nước ngọt…) nhiều đảo cũng sẽ thành những trung tâm trên biển như Vân Đồn, Cát Hải, Côn Đảo, Phú Quốc…

Có thể nói “thế trận tiến ra đại dương” đã hình thành các mũi xung kích, nhưng điều còn trăn trở là các kế sách ấy cần một “tổng chỉ huy” tài năng và sự phối hợp nhịp nhàng của rất nhiều đầu mối khác nhau. Bởi lẽ, kinh tế biển đến nay mới chỉ có một số quy hoạch của từng ngành liên quan. Các tỉnh ven biển có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nhưng các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển chưa được thiết kế cụ thể, còn thiếu tính hệ thống ở tầm quốc gia.

Tạo lập tầm vóc đủ sức khai thác tài nguyên biển

Cho đến nay, chúng ta đã có một chiến lược biển cùng những chương trình phát triển cụ thể để phát huy toàn diện tiềm năng tài nguyên đó. Nhưng quy mô phát triển kinh tế biển còn nhỏ bé, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành, nghề cũng chưa hợp lý, mới chỉ phát triển trên một diện hẹp; chưa chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đủ sức vươn ra vùng biển quốc tế. Trong khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi kinh tế biển vẫn đang chủ yếu là sản xuất nhỏ; với hệ thống hạ tầng còn thiếu thốn, yếu kém, chưa đồng bộ; cùng với đang thiếu những cảng biển lớn với dịch vụ hậu cần quy mô, hệ thống những cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc lộ những yếu kém, bất cập.

Nguyên nhân cơ bản của thực trạng trên là do công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của biển chưa đầy đủ; các cơ quan quản lý nhà nước về biển chưa phát huy tốt vai trò của mình, nhất là trong việc xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách; vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng biển và phát triển ngành, nghề biển còn ít; công tác hợp tác quốc tế về biển còn nhiều hạn chế, trong khi tranh chấp giữa các nước liên quan đến biển Đông còn diễn ra phức tạp.

Theo dự báo của LHQ, đến năm 2025, thế giới sẽ mất đi 70 triệu héc-ta đất canh tác do bị ngập mặn hay bị chìm trong nước biển. Do đó, những dự án chiến lược khai thác biển, biến biển cả thành nơi phát triển nông nghiệp đang được các quốc gia và các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, xây dựng. Là một quốc gia có biển, đảo, Việt Nam cũng không nằm ngoài nguy cơ này, nên hướng đầu tư triển khai thực hiện chiến lược phát triển biển đang là một trong những mục tiêu được đặt lên hàng đầu.

Tiến ra biển không thể chỉ là khát vọng mà khả năng. Khai thác tiềm năng tài nguyên từ đồng bằng đã rất khó khăn và cần nhiều tiền của, trí tuệ, sức lực - khai thác tài nguyên từ biển còn cần nhiều hơn thế. Đầu tư cho con tàu lớn, hiện đại chạy trên đại dương sẽ luôn giành được những nguồn lợi lớn gấp nhiều lần đoàn thuyền đánh cá ven bờ. Hệ thống đô thị biển trong nền kinh tế biển, là những con tàu như vậy. Và tất nhiên, nền kinh tế biển mạnh càng đảm bảo chắc chắn cho công cuộc giữ vững chủ quyền, an ninh quốc phòng trên biển.

Cho đến nay, chúng ta đã có một chiến lược biển cùng những chương trình phát triển cụ thể để phát huy toàn diện tiềm năng tài nguyên đó.

Hoàng Long

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load