(Xây dựng) - Sáng 20/4, tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, Nhà máy nước sạch Nhị Thành công suất 80 nghìn m3/ngđ đã chính thức khánh thành đưa vào khai thác, sau 12 tháng thi công.
Ông Phạm Văn Rạnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh bạn đã tới dự và cắt băng khánh thành.
Theo quy hoạch cấp nước, đến năm 2020 nhu cầu sử dụng nước sạch của khu vực sẽ lên tới 421 nghìn m3/ngđ và hơn 735 nghìn m3/ngđ vào năm 2030. Trong khi đó công suất hiện hữu của các nhà máy nước trên địa bàn chỉ hơn 102 nghìn m3/ngđ. Vì vậy, Nhà máy nước sạch Nhị Thành đã được Cty CP Đầu tư hạ tầng nước DNP - Long An đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư 653 tỷ đồng; sử dụng nguồn nước mặt Rạch Chanh, trở thành vùng cấp nước chiến lược, phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp và đời sống người dân của TP Tân An và các huyện lân cận.
Ông Phạm Quốc Thắng - Tổng Giám đốc DNP Long An cho biết, Cty là đơn vị tiên phong thực hiện chủ trương của tỉnh Long An ngừng 50% việc khai thác nước ngầm, khuyến khích dùng nước mặt để dự trữ nguồn tài nguyên nước ngầm, góp phần hạn chế xâm nhập mặn, giảm thiểu sụt lún đất do tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhà máy nước Nhị Thành sử nguồn nước mặt Rạch Chanh, là rạch nằm trong quy hoạch nên có lưu lượng nước ổn định về mùa khô, với hệ thống đập, cống ngăn mặn, giúp giảm thiểu tối đa rủi ro ô nhiễm nguồn nước. Lựa chọn này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận khó khăn thi công lắp đặt tuyến ống. Để khắc phục rủi ro khi thi công trên địa hình phức tạp nhiều sông ngòi kênh rạch giao cắt với đường cao tốc, chủ đầu tư đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại trên thế giới, như công nghệ khoan ngầm dẫn hướng (HDD), thi công đường ống ngầm qua sông có đường kính và chiều dài lớn nhất từng thực hiện trong ngành Nước tại Việt Nam, gồm 2 tuyến ống D710mm đi qua sông Vàm Cỏ Tây dài 340m và 2 tuyến ống D630mm qua sông Vàm Cỏ Đông dài 460m.
Nhà máy tiên phong sử dụng công nghệ lọc sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược uBCF hiện đang được áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới, đạt quy chuẩn cao nhất của Bộ Y tế về tiêu chuẩn nước ăn uống sinh hoạt QCVN 01:2009 BYT, có thể uống được tại vòi. Đồng thời, Nhà máy còn sử dụng hệ thống lọc si phông hở OSF thân thiện với môi trường do hãng Kobelco (Nhật Bản) nghiên cứu phát triển, có khả năng loại bỏ các thành phần độc hại trong nước sau xử lý - một vấn đề chưa được coi trọng tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phạm Tấn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: Việc DNP Long An đầu tư xây dựng nhà máy nước đã khẳng định chủ trương đúng đắn của tỉnh Long An trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống nước sạch. Qua việc đầu tư hệ thống nước sạch với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, Nhà máy nước sạch Nhị Thành góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định, lâu dài cho sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An bền vững.
Nhà máy nước Nhị Thành là dự án cấp nước trọng điểm của tỉnh Long An, sử dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, có quy mô lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, gồm: Công trình thu 700m2 tại xã Bình Lợi Nhơn, TP Tân An; Nhà máy xử lý nước 3,1ha ở xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa; Đường ống D630-900mm với tổng chiều dài 22km và các hạng mục công trình phụ trợ khác. Nhà máy có công suất thiết kế 60 nghìn m3/ngđ, công suất tối ưu đạt 80 nghìn m3/ngđ, chất lượng nước đạt quy chuẩn chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế QCVN 01:2009/BYT.
Giai đoạn 1 công suất 30 nghìn m3/ngđ, công suất vận hành tối ưu đạt 40 nghìn m3/ngđ. Hạ tầng công trình thu và đường ống D710 cho phát 80 nghìn m3/ngđ. Giai đoạn 2 xây dựng cụm công suất 30 nghìn m3/ngđ nâng công suất lên 60 nghìn m3/ngđ, có thể mở rộng nên đến 80 nghìn m3/ngđ. Cung cấp nước sạch cho toàn TP Tân An và các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước cùng các khu vực lân cận khác.
Nhà máy hoàn thành sau 12 tháng thi công, nhanh nhất so với các công trình cấp nước tương tự; suất đầu tư thấp hơn so với các công trình đầu tư công. Nước được xử lý sinh học, không sử dụng hóa chất, chất lượng quốc tế như các nhà máy nước tại Nhật Bản, đảm bảo uống được tại vòi.
PV
Theo