Thứ bảy 20/04/2024 12:02 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Khánh Hòa cần có sự phát triển đột phá mạnh mẽ

21:58 | 31/12/2021

(Xây dựng) - Ngày 31/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

khanh hoa can co su phat trien dot pha manh me
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI Trần Tuấn Anh Trần phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo Tổng kết Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Chính trị khóa XI.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chủ trì Hội thảo.

Khánh Hòa nằm ở trung tâm của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước.

Nhằm định hướng cho phát triển cho tỉnh Khánh Hòa, ngày 24/12/2012, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Kết luận số 53-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Kết luận số 53-KL/TW).

Theo đó, Kết luận số 53-KL/TW đồng ý chủ trương phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân, là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước…

khanh hoa can co su phat trien dot pha manh me
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho biết: Sau 10 năm triển khai thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Những ưu thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đã tạo cho Khánh Hòa vị trí địa quân sự khá đặc biệt về quốc phòng và an ninh, có tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, tạo động lực cho sự phát triển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Khánh Hoà đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đạt một số chỉ tiêu đặt ra, trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế, từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Bên cạnh những kết quả và ưu điểm vượt trội đó, Khánh Hòa vẫn còn một số mục tiêu và chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành. Khánh Hòa chưa đạt được các tiêu chí để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; chưa thực sự là động lực phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Quy mô kinh tế còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao, tăng trưởng chưa bền vững. Nguồn thu ngân sách chưa ổn định. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Phát triển văn hoá - xã hội còn bất cập. Thu nhập bình quân đầu người thấp. An ninh tuyến biển và một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị còn có mặt hạn chế, hiệu lực quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực, ở một số giai đoạn còn yếu kém và khuyết điểm…

khanh hoa can co su phat trien dot pha manh me
Trưởng ban Kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI Trần Tuấn Anh khẳng định: Khánh Hòa là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW, Khánh Hòa đã có nhiều nỗ lực khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm.

Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Trong đó, Khu kinh tế Vân Phong từng bước có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Hệ thống đô thị ven biển được hình thành và tương đối hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp. Một số cơ sở công nghiệp và hạ tầng quan trọng được hình thành như Nhà máy nhiệt điện Sumitomo Vân Phong, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, Khu công nghiệp Suối Dầu... Hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đạt một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW cho thấy, tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả để tạo ra sự đột phá cho phát triển.

Khánh Hòa cần có những đột phá mạnh mẽ, vừa để khắc phục những tồn tại, hạn chế, vừa phấn đấu để không chỉ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững mà phải trở thành cực tăng trưởng, trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung bộ.

Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI Trần Tuấn Anh nhận định: Sứ mệnh của Khánh Hòa trong thời gian tới là xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhiều mặt của tỉnh Khánh Hòa, vùng duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung tham luận, đóng góp ý kiến gợi mở về các lĩnh vực, các đột phá cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để tạo ra các động lực tại chỗ nhằm phát triển kinh tế - xã hội Khánh Hòa.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng Khánh Hòa cần phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển; tạo động lực phát triển và thúc đẩy liên kết vùng.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Chúc thì nhấn mạnh: Cần có các cơ chế chính sách đặc thù đối với Khu kinh tế Vân Phong nhằm tăng cường đóng góp cả về kinh tế và xã hội của khu cho tỉnh Khánh Hòa.

Các cơ chế chính sách hướng tới xây dựng một khu kinh tế cạnh tranh dựa trên các ngành tập trung có lợi thế tự nhiên mạnh mẽ; thu hút các nhà đầu tư mỏ neo ngay từ giai đoạn đầu; tận dụng thời điểm quan trọng để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và bắt đầu đa dạng hóa kinh tế ở Khánh Hòa...

Nguyên Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam, GS.TS.NGND Lương Công Nhớ nhấn mạnh: Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của kinh tế Khánh Hòa, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Khánh Hòa trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực...

Các đại biểu đồng thời cho rằng Khánh Hòa cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh sinh thái, đảm bảo quốc phòng an ninh; giữa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, giữa nâng cao chất lượng lao động, giảm nghèo…

Các đại biểu thống nhất cao về việc đề nghị Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng mới, phù hợp với thực tiễn phát triển, tình hình quốc tế và khu vực, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đánh giá cao ý kiến trao đổi, tham luận của các đại biểu, Trưởng ban Trần Tuấn Anh khẳng định: Với vị trí đặc biệt quan trọng của Khánh Hòa về địa chính trị, địa kinh tế cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, gắn với bảo vệ vững chắc quyền biển đảo, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù, để hướng tới phát triển bền vững Khánh Hòa trên cơ sở khai thác tốt, có hiệu quả các lợi thế tiềm năng, cũng gợi mở những định hướng lớn có tính đột phá và phù hợp với các xu thế phát triển của quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh bền vững, kinh tế tuần hoàn…

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI đã tổ chức hội nghị nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Báo cáo tổng kết và Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị.

khanh hoa can co su phat trien dot pha manh me
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Về cơ bản, các thành viên Ban Chỉ đạo nhất trí với dự thảo Báo cáo Đề án, Tờ trình Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đặc biệt, các thành viên thống nhất cao để Ban Chỉ đạo báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo động lực phát triển cho địa phương, phù hợp với thực tiễn, tình hình quốc tế và khu vực…

Minh Hằng – Mai Thu

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load