Chỉ đạo về hướng xử lý vướng mắc trong hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật này.
Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật lao động (sửa đổi), kể cả những vấn đề Bộ luật giao cụ thể và những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của Chính phủ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về lao động, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ luật Lao động đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.
Để triển khai thi hành Bộ luật Lao động, theo Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 28/9/2012 ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, sẽ có 11 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động như: Nghị định quy định chi tiết Khoản 2 Điều 14 của Bộ luật Lao động về tổ chức dịch vụ việc làm; Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng lao động; về tiền lương; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động; về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; về tranh chấp lao động; về tuổi nghỉ hưu...
Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì ngoài những vấn đề được quy định chi tiết trong các Nghị định sẽ được xây dựng theo Chương trình, Kế hoạch của Chính phủ nêu trên thì vẫn còn khá nhiều vấn đề của Bộ luật Lao động 2012 có nội dung chưa chi tiết, chưa cụ thể mà nếu không được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành thì sẽ gặp rất nhiều vướng mắc khi áp dụng và thực hiện pháp luật trong thực tiễn.
Theo Chinhphu.vn
Theo baoxaydung.com.vn