Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội đang phát triển thành hai vùng đô thị lớn nhất Việt Nam. Tam nông vẫn còn đang tồn tại với quy mô rất lớn. Nó có thể là một may mắn nhưng cũng có thể là một tai họa nếu chúng ta hành động sai. Do vậy, cần có những nhận thức đúng hơn để có cách ứng xử hợp lý hơn trong một chiến lược chung của đất nước.
1. Nhận thức cổ điển và truyền thống về nông thôn trong đô thị đơn tâm
Mô hình đô thị cổ xưa nhất của nhân loại là các thành thị đơn tâm với một khu vực lõi và vùng nông nghiệp bao quanh. Loại đô thị này được coi là xuất hiện đầu tiên trong lịch sử đô thị và khá phổ biến ở tất cả các quốc gia.
Theo quy luật mà K.Marx gọi là “lịch sử phát triển tự nhiên”, các khu vực lõi này có sức hút và sức đẩy. Nó hút những người thượng lưu vào tâm và đẩy những người yếu thế ra vòng ngoài. Cứ như thế thành phố lớn dần lên và mở rộng ra bên ngoài, lúc đầu chỉ vài ngàn dân sau vài chục năm tăng lên hàng triệu dân, bán kính thành phố mở ra từ vài trăm mét lên đến 40-50 km.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa |
Cùng với việc mở rộng không gian là hình thành các khu chức năng và các đường vành đai, đô thị càng nới rộng ra thì số đường vành đai càng nhiều lên. Người đầu tiên mô hình hóa loại thành phố này và xây dựng nên hệ lý thuyết là Ernest Burgess người Mỹ vào năm 1925 và đặt tên là đô thị các vòng tròn đồng tâm (concentric Zone). Nếu bình tâm xem xét các thành phố lớn hiện đại hôm nay chỉ có một trung tâm thì cấu trúc phần lõi vẫn không khác mấy so với hàng ngàn năm trước. Tức là những thành phần quan trọng nhất của một thành phố vẫn nằm ở trung tâm như trụ sở của các cơ quan đầu não (văn phòng nội các, văn phòng thị trưởng, hội đồng thành phố), các cơ quan chức năng chính quyền thành phố, các ngoại giao đoàn (đại sứ quán, lãnh sự quán, các văn phòng đại diện), các ngân hàng lớn, các tập đoàn kinh tế quốc tế, thị trường chứng khoán, trung tâm thương mại... Cố nhiên, cư trú ở đây phải là những người thuộc tầng lớp trung lưu lớp trên trở lên...
Với mô hình đô thị đơn tâm này người ta thấy xuất hiện một loạt các cặp khái niệm đối trọng: Bên trong - Bên ngoài; Nội thành - Ngoại thành; Vùng trung tâm - Vùng ven; Nội đô - Ngoại ô; Nội thị - Ngoại thị; Vùng lõi - Vùng ngoại vi; Vùng đô thị - Vùng nông thôn... Đến một thành phố có cấu trúc kiểu này người ta rất dễ nhận ra đâu là bên trong và bên ngoài bằng những ranh giới cứng. Những hình thức thường thấy như là một con sông bao quanh, các trục đường hình khuyên và phổ biến nhất là một vành đai xanh bao quanh vùng nội thành như một lá chắn bảo vệ. Phía bên ngoài vành đai xanh là ngoại thành chứa các khu công nghiệp ô nhiễm, các cánh đồng lúa, trồng hoa màu, chăn nuôi, các khu vực xử lý rác thải, và nhà ở thấp tầng của nông dân...
Thêm vào đó nữa là các điểm nhấn phân ranh giới do chính quyền quy định, chẳng hạn như trạm thu phí xe vào nội thành, trạm rửa xe trước khi vào khu trung tâm, biển phân luồng giao thông loại xe được vào nội thành và xe tải nặng phải chạy ở đường vành đai, bến xe bus tuyến nội thành, hoặc đơn giản hơn là biển báo bắt đầu địa hạt nội - ngoại thành (welcome hay see again).
Cũng chính việc phân chia này dẫn đến hệ quả bất bình đẳng trong đầu tư và phát triển. Một thực tế là chính quyền các thành phố thường tập trung đầu tư ưu tiên cho nội thành vì đó là bộ mặt của quốc gia (hay vùng) và là nơi sinh lời cao hơn, cố nhiên mức độ ưu tiên phát triển cho ngoại thành thấp hơn. Chính điều này đã tạo ra một bức tranh tương phản rất rõ ràng... Trong tiềm thức của bất kỳ ai trong chúng ta khi nói đến nông thôn ngoại thành là nghĩ ngay đến sự nghèo nàn, lạc hậu, văn hóa - giáo dục thấp kém, những khu nhà lụp xụp thiếu tiện nghi, những đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác. Thực trạng này tồn tại rất lâu dài ở các thành phố của Việt Nam, ngay cả ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố của các nước châu Á đang phát triển như Vientiane (Lào), Phnompenh (Campuchia), Rangoon (Myanma), Bangkok (Thái Lan)...
Phương án thiết kế mô hình nông thôn mới - VIAP
2. Nông thôn mới trong vùng đô thị đa trung tâm
Bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, mô hình vùng đô thị đa tâm xuất hiện, trước hết ở Bắc Mỹ, sau nữa là Châu Âu và lan dần đến châu Á, Nam Mỹ. Loại hình này xuất hiện như một sự tất yếu của đô thị hóa toàn cầu và sự bành trướng nhanh đô thị. Khi dân số của các đô thị đơn tâm tăng lên khiến cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quá tải, hệ quả là làm xuất hiện một loạt các vấn nạn đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà ở, tệ nạn xã hội, cơ sở dịch vụ xuống cấp... Để giải quyết tình trạng trên các thành phố lớn buộc phải “phân thân” sản sinh ra các loại thành phố khác như thành phố vệ tinh, thành phố đối trọng, thành phố đồng cấp... Các thành phố này chia sẻ gánh nặng với thành phố mẹ (hay thành phố gốc) để hình thành nên các loại hình đô thị mới với các tên gọi như “mạng đô thị”, “chuỗi đô thị”, “chùm đô thị” và “vùng đô thị”.
Kiến trúc xây mới ở nông thôn
Cổng làng Đường Lâm, Hà Nội - Di sản cần bảo tồn
Đặc điểm của các hệ thống đô thị trên là “đa tâm, đa cực, phi tập trung hóa”. Lúc này vùng đô thị là một sự đan xen giữa các thành tố (component) và tế bào (cell) của đô thị. Một vùng rộng lớn với diện tích hàng nghìn km2 và hàng chục triệu người dân sống và làm việc ở các thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp và các vùng nông nghiệp. Khoảng cách giữa các thành phố, thị trấn là những rừng sinh thái, vườn cây, các khu trồng rau trái, hoa tươi, chăn nuôi thú vật, hồ nước, công viên, khu nghỉ dưỡng, resort và có cả những làng nghề, làng nông nghiệp quy mô nhỏ nhưng chất lượng sống khá cao. Do vậy, lúc này khái niệm nội thành và nông thôn ngoại thành hiểu theo nghĩa truyền thống không còn phù hợp nữa. Trong vùng đô thị với hàng chục thành phố, thị trấn thì thật khó có thể chấp nhận một cách khiên cưỡng là thành phố A là ngoại thành của thành phố B cho dù khác nhau về qui mô, và lại càng khó chấp nhận khi coi vùng đệm giữa các thành phố là ngoại thành. Như thế trong vùng đô thị khái niệm “vùng nông thôn ngoại thành” để chỉ một vùng đất được định danh không còn nữa và lúc này nông thôn trong vùng đô thị mang một ý nghĩa mới và hoàn toàn khác. Nó là “vùng sinh thái xanh” để tạo ra sự cân bằng trong vùng đô thị cứng (beton, sắt thép, inox, kính), là “vùng đệm” an toàn cho các thành phố trong vùng chứa nhiều rủi ro (ví dụ như chia sẻ ngập lụt, hỏa hoạn), là “vùng mềm tâm lý” cho người dân cần tìm sự cân bằng sinh học, là “vùng tái tạo văn hóa” cho người dân tạm lánh sức ép văn minh đô thị, và là “vùng an ninh lương thực” cho một vùng đô thị nhiều triệu dân.
3. Định hướng phát triển nông thôn cho vùng đô thị Hà Nội và TP.HCM
Dù muốn hay không thì Hà Nội và TP.HCM hôm nay đang phải phát triển theo hướng đa tâm, phi tập trung hóa. Mô hình quy hoạch Hà Nội đang xây dựng cho thấy rõ ý đồ phát triển thành một vùng đô thị rộng lớn với 3.344 km2 và 6,2 triệu dân. Trên tổng mặt bằng quy hoạch có 5 thành phố vệ tinh và hàng chục thị trấn hiện hữu, trong số đó có một số thành phố có quy mô dân trên nửa triệu người (Hòa Lạc: 850.000 người, Sơn Tây: 600.000 người; Xuân Mai: 850.000 người). Nếu trước năm 2008, vùng bên ngoài khu trung tâm Thủ đô được coi là ngoại thành, chẳng hạn như Gia Lâm, Sóc Sơn... Người dân Hà Nội rất dễ xác nhận đâu là nội thành và đâu là ngoại thành, nhưng từ khi Hà Nội mở rộng thành vùng đô thị thì khái niệm này trở nên mơ hồ (nếu có chỉ là thói quen cũ) không chỉ đối với người dân mà còn cả với các nhà quản lý, điều này chắc chắn sẽ còn trở nên khó khăn sau 15-20 năm nữa.
Một hình thái xen cài giữa thành phố, thị xã và làng mạc, giữa các khu dân cư hiện đại với đồng ruộng, giữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại và hạ tầng nông thôn lạc hậu đang hình thành, rất khó để phân định rõ ràng một vùng hay khu vực ngoại thành như một không gian cứng như trước kia nữa. Hình thái này khiến chúng ta cần phải thay đổi cung cách quản lý và lập chính sách, điều đó thể hiện:
- Cần thay đổi tư duy trong phát triển nhất là chính sách đầu tư, nếu trước kia cần dành phần đầu tư nhiều nhất cho nội thành, phần ngoại thành không đáng kể thì nay cần phải hiểu bất cứ thay đổi tích cực hay tiêu cực nào của một khu vực đều tác động đến toàn vùng và hệ thống các đô thị. Một ví dụ trước kia cho dù ngoại thành nghèo, lạc hậu, nhiều tệ nạn thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nội thành vì chúng tồn tại khá biệt lập về địa giới hành chính và không gian, nhưng ngày nay nếu một khu vực nông thôn xen cài giữa các đô thị đóng vai trò như một “vùng đệm” bị ngập úng, hệ thống giao thông đi ngang qua bị phá hủy, tệ nạn xã hội tăng cao, rác thải rắn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, công trình xây dựng bị ách tắc thì ngay lập tức các thành phố, thị xã kế cận bị ảnh hưởng trực tiếp. Ở đây không phải là đầu tư dàn trải, vẫn cần đầu tư có trọng điểm, nhưng không được quên vùng nông thôn xen cài trong vùng đô thị.
Làng Cự Đà, Hà Nội
Giao thông nông thôn mới - Về bản chất vẫn là những con đường uốn lượn mềm mại bên chiếc ao làng gốc cây
- Cần phải xây dựng tam nông nông mới. Việc Hà Nội mở rộng ôm vào mình rất nhiều vùng đất nông nghiệp và núi cao với một diện tích quá lớn, dân số nông dân quá đông, do vậy không thể một sớm một chiều biến tất cả thành thị dân ưu tú và đời sống với chất lượng cao. Đồng thời cũng không nên tính đến việc thanh toán sạch sẽ “tam nông” như một số người mong muốn. Con đường tốt nhất là từng bước phát triển để thay đổi theo hướng tạo ra một vùng đô thị - nông thôn hiện đại kết hợp hài hòa giữa đô thị và nông thôn. Trong vùng đô thị có nông thôn và trong nông thôn có chất lượng sống của đô thị. Những làng nghề thủ công (gốm sứ, chạm mộc, dệt lụa...) kết hợp với du lịch được đầu tư phát triển mạnh, những làng nông nghiệp được chuyển đổi cây trồng vật nuôi theo hướng chuyên canh và chất lượng cao, có thể không trồng lúa nước nữa mà trồng rau trái xuất khẩu, hoa tươi, nuôi cá cảnh, baba, cá sấu... xuất khẩu. Nông thôn vẫn giữ lại kiến trúc làng xã truyền thống, các nét đẹp văn hóa truyền thống (lễ hội, dân ca dân vũ, hương ước), và các giá trị xã hội truyền thống (đề cao giá trị gia đình, gắn bó cộng đồng, tôn trọng người già, tôn vinh giáo dục...) được chọn lọc phát huy. Điều quan trọng ở đây là người dân được hưởng các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng) và cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, thông tin liên lạc, truyền thông) không kém (thậm chí tốt hơn) người dân ở phố thị. Chính nông thôn trong đô thị là nơi cân bằng các giá trị sống cho thị dân. Sự kết hợp tài tình nông thôn và đô thị ở Đài Loan là một kiểu mẫu cho chúng ta học tập khi phát triển các đại đô thị ở Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa,
Trường ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo baoxaydung.com.vn