Không còn ăn nên làm ra, ngâm vốn cả trăm, nghìn tỷ, nhiều khách sạn ở Đà Nẵng đang phải âm thầm rao bán; trong đó có các khách sạn 4-5 sao giá gần nghìn tỷ đồng.
Anh N.V.V. đang môi giới bán khách sạn 5 sao nằm trên tuyến đường ven biển đắt đỏ nhất Đà Nẵng. Anh cho biết, khách sạn có tổng diện tích 900m2, diện tích sàn 18.000m2 với 27 tầng, 2 hầm, 164 phòng. Trong đó, có 3 phòng hội nghị, 1 phòng gym, massage, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hồ bơi vô cực. Khách sạn mới xây xong 3 năm, pháp lý đầy đủ, rõ ràng. Chủ đầu tư chào giá bán 950 tỷ đồng.
Theo anh V., khách sạn này vẫn đang hoạt động tốt, doanh thu hiện tại 8 tỷ đồng/tháng, giá phòng giảm khoảng 30% so với lúc chưa dịch. Lý do bán là do xây xong đúng thời điểm ảnh hưởng của dịch bệnh, chủ đang nợ vay ngân hàng, gặp áp lực tài chính nên cần phải bán.
Do khách sạn rao bán có giá trị lớn nên đến nay vẫn chưa có khách.
Loạt khách sạn Đà Nẵng rao bán với giá trên dưới 1.000 tỷ đồng (Ảnh chụp màn hình) |
Chị Ngân, một môi giới bất động sản ở Đà Nẵng nhận xét, từ sau đại dịch Covid-19, tại Đà Nẵng có rất nhiều khách sạn rao bán. Công ty chị đang nhận khoảng 20 khách sạn gửi bán, chủ yếu ở quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Mới đây, bên chị môi giới bán thành công khách sạn 4 sao ven biển, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà), giá chuyển nhượng hơn 200 tỷ đồng.
Theo chị Ngân, việc rao bán khách sạn cũng chủ yếu do áp lực trả lãi vay ngân hàng của các ông chủ.
“Khách sạn này của nhóm cổ đông ở Hà Nội, vừa rồi đã chuyển nhượng cho một đại gia ở Đà Nẵng”, chị Ngân tiết lộ.
Trên các trang mua bán bất động sản, khách sạn Đà Nẵng từ 2-5 sao được rao bán nhan nhản nhưng đều không để lộ tên, hình ảnh, địa chỉ cụ thể. Theo anh V., hầu hết khách sạn rao bán đều diễn ra ngầm.
“Nếu để lộ thông tin rao bán sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh, đến hình ảnh, tên tuổi của khách sạn. Nhiều người dò hỏi, khảo giá,... gây nhiễu loạn”, anh V. lý giải.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, Giám đốc một khách sạn ven biển Đà Nẵng, cho hay, mặc dù lượng khách quốc tế đã quay trở lại thành phố nhưng công suất phòng ở Đà Nẵng mới chỉ đạt hơn 40%, thu không đủ bù chi nên việc kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn.
Hiện chi phí cố định của một khách sạn 3 sao khoảng 250 triệu đồng/tháng, khách sạn 4 sao là 500 triệu đồng/tháng. Nhiều điểm vẫn đang đóng cửa, chưa hoạt động là vì càng mở càng lỗ.
Nếu khách sạn không vay ngân hàng thì ít ra, công suất phòng phải đạt 30-40% mới đủ chi phí duy trì hoạt động. Còn nếu vay ngân hàng thì đạt 60-70% công suất nhiều khi cũng không đủ để trả lãi vay.
“Để công suất phòng đạt 50% đã khó chứ đừng nói đến 70%. Ngoài ra, các khách sạn không có khách nên giảm giá phòng, khách sạn 4 sao nhưng bán bằng khách sạn 3 sao, giá phòng chỉ ở mức 500.000 đồng/phòng buộc các khách sạn khác phải giảm giá theo. Đặc biệt, vì đang chờ bán nên giá phòng nào họ cũng chấp nhận. Kinh doanh khách sạn đã khó càng thêm khó”, vị giám đốc chia sẻ.
Vị này nhận xét: “Nhiều nhà đầu tư thấy Đà Nẵng là thị trường sôi động, màu mỡ nên nhảy vào đầu tư, khi kinh doanh không như mong muốn nên phải bán để thu hồi vốn hoặc để trả nợ. Tôi biết một khách sạn 4 sao, không tiện nêu tên, trước dịch rao bán 300 tỷ nhưng sau đó giảm xuống 280 tỷ, rồi 250 tỷ và cuối cùng mới đây phải bán với giá 180 tỷ đồng”.
Trước mùa cao điểm vẫn khó bán
Ông Trịnh Bằng Có, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, thông tin, trên địa bàn có hơn 150 khách sạn từ 1 đến 5 sao đang rao bán. Trong đó, trên đường Võ Nguyên Giáp có 12 khách sạn từ 2-5 sao, giá thấp nhất từ 35 tỷ, cao lên tới 1.100 tỷ đồng; đường Bạch Đằng có 5 khách sạn từ 2-5 sao giá bán thấp nhất từ 55 tỷ đồng, cao nhất là 165 tỷ...
"Chưa khi nào Đà Nẵng xuất hiện nhiều khách sạn rao bán đến như vậy", ông Có nói.
Theo ông Có, việc khách sạn rao bán khi chuẩn bị bước vào mùa du lịch cao điểm cho thấy, doanh nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn, thu không đủ chi, cần phải bán gấp để trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, việc kinh doanh không có dòng tiền, thua lỗ nên buộc phải bán khách sạn để chuyển hướng kinh doanh hoặc thu tiền về.
Mặc dù rao bán nhiều nhưng ông nhận thấy chưa chắc đã có người mua vì giá trị quá lớn, không phải ai cũng dám đầu tư lúc này.
“Những nhà đầu tư khách sạn cách đây chừng 10-15 năm có thể đã thu hồi vốn, trả hết nợ nên không áp lực; còn nếu mới đầu tư, vay ngân hàng 70% và đưa vào hoạt động được 2-3 năm nay thì chắc chắn phải bán để trả nợ.
Tuy nhiên, việc chuyển nhượng cũng không dễ dàng. Giao dịch thành công chủ yếu diễn ra ở những khách sạn nhỏ. Những người có tiền nhàn rỗi, có thể họ thấy có khách sạn rao bán rẻ hơn nhiều so với trước dịch, họ sẽ mua để chờ cơ hội. Còn những người đầu tư, kinh doanh sẽ không mua vì có mấy ai đầu tư, kinh doanh mà không vay vốn ngân hàng đâu”, ông Có phân tích.
Theo ông Có, khách sạn đóng cửa càng lâu thì khi hoạt động lại, phải tốn tiền tỷ để mua sắm lại trang thiết bị; nhất là các khách sạn gần biển, thiết bị dễ bị hoen rỉ, hư hỏng hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch dịch vụ, nhất là cơ sở lưu trú, đang phải trả tiền thuê đất rất cao, doanh thu không đủ trả tiền thuê đất. Vì thế, theo ông, thành phố cần cân nhắc giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lưu trú. Đối với ngân hàng, có thể giãn nợ cho doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam từ 15/3 nhưng chủ yếu đến Nha Trang, còn Đà Nẵng chưa có bao nhiêu. Hi vọng thị trường này sớm quay lại, góp phần vào sự phục hồi của ngành du lịch Đà Nẵng”, ông Có nói.
Theo Diệu Thuỳ/Vietnamnet.vn