Mong chờ một khởi đầu tích cực trong năm 2021, ngành khách sạn Việt Nam bất ngờ hứng chịu đòn giáng mạnh từ đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
Sau kỳ nghỉ lễ dài với tỷ lệ đặt phòng gần như tối đa ở tất cả điểm du lịch, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam một lần nữa gây ra những tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú trên cả nước.
Trao đổi với Zing, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng đây là giai đoạn rất quan trọng đối với ngành khách sạn, lưu trú trên cả nước với kỳ nghỉ hè dài.
Chính vì vậy, những ảnh hưởng mà đợt bùng phát dịch Covid-19 mang lại sẽ làm nhiều doanh nghiệp, chủ khách sạn lâm vào tình cảnh "khó khăn chồng khó khăn".
Đòn giáng mạnh lần thứ 4
Ông Mauro Gasparotti đánh giá giai đoạn tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua là quãng thời gian hoạt động rất khả quan của ngành khách sạn.
"Chúng ta đã có một kỳ nghỉ dài với tỷ lệ đặt phòng gần như tuyệt đối đến từ khách nội địa. Nhưng rồi Covid-19 bùng phát trở lại và tác động ngay lập tức đến công suất cho thuê phòng. Rất nhiều người đã yêu cầu hủy phòng đặt ở các điểm đến du lịch", ông bình luận.
Doanh thu của các khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM chủ yếu dựa vào dịch vụ MICE thay vì cho thuê phòng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ghi nhận của Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, tại Đà Nẵng, tỷ lệ đặt phòng ngay lập tức sụt giảm xuống còn 0% bởi đây được xem là điểm đến có nguy cơ cao. Những nơi an toàn hơn như Phú Quốc, do tâm lý tránh du lịch của du khách, tỷ lệ đặt phòng cũng theo đó mà giảm đáng kể.
Tương tự, ở các resort, du khách bắt đầu hủy đặt phòng cho những chuyến du lịch mùa hè năm 2021 của các đoàn du khách đông người, công ty.
Nhìn xa hơn là sự tác động của dịch bệnh đến các dịch vụ F&B và tổ chức hội nghị ở các khách sạn. Đây là một trong những nguồn thu tích cực cho cách khách sạn lớn trong bối cảnh dịch bệnh.
"Doanh thu của các đơn vị như Sheraton, Intercontinental, Sofitel, Le Meridien... trong thời gian qua không đến nhiều từ phòng cho thuê mà từ hoạt động cho thuê không gian hội nghị, hội thảo,... Có thể thấy rõ một trong những động thái đầu tiên của các doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát là hủy toàn bộ sự kiện, họp mặt, tập trung đông người", ông dẫn giải.
Kỳ nghỉ hè quyết định số phận ngành khách sạn
Theo ông Mauro Gasparotti, mùa hè 2021 là khoảng thời gian rất quan trọng bởi đây là thời điểm thích hợp nhất để các khách du lịch trong nước đi du lịch ở nhiều địa điểm. Cả năm 2020 và 2021, phần lớn quốc gia trên thế giới đều chỉ tập trung vào du lịch nội địa. Ở đó, Việt Nam là quốc gia có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trong nước.
"Dịp hè là lúc các khách sạn, resort trên khắp cả nước có thể tăng cường hoạt động. Chủ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng mong chờ mùa hè này sẽ là lúc họ bù đắp được phần nào doanh thu đã mất trong các tháng trước đó, phục hồi hoạt động kinh doanh", ông nói.
Tuy nhiên, mùa hè năm 2020 vừa qua là một giai đoạn khó khăn bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Điều đó đã kéo tất cả những kỳ vọng của ngành về tỷ lệ đặt phòng, tour du lịch tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung về con số không.
Đường Võ Nguyên Giáp dọc bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) vắng vẻ trong đợt bùng dịch thứ 4. Ảnh: Phạm Trường. |
Việc dịch bệnh bùng phát tại một địa phương không chỉ khiến ngành khách sạn ở đó bị ảnh hưởng mà còn cả các điểm đến du lịch khác cũng bị sụt giảm tỷ lệ đặt phòng.
"Có lẽ còn hơi sớm để mất niềm tin vào mùa hè này. Nếu trong tháng 6 và tháng 7, khi dịch bệnh Covid-19 được kiềm chế, người dân bắt đầu tự tin di chuyển hơn, hoạt động du lịch trong nước sẽ diễn ra trở lại", ông Mauro Gasparotti bình luận.
Với những điểm đến như Đà Nẵng, giai đoạn này thậm chí mang tính quyết định đối với ngành du lịch bởi đây là thời điểm thời tiết đẹp nhất với nguồn khách nội địa lớn. Chính vì vậy, đây là 2 tháng quan trọng nhất đới với hoạt động kinh doanh cả năm của các khách sạn tại đây. Việc kiểm soát được dịch bệnh sẽ giúp du lịch Đà Nẵng sống lại được trong tháng 7, tháng 8 và tuần đầu của tháng 9.
Điều này khác với các điểm đến như Nha Trang, Phú Quốc... bởi đây là những địa phương có thời tiết ổn định quanh năm. Bên cạnh kỳ nghỉ hè, các khách sạn còn có thể khai thác vào những dịp cuối tuần hay các mùa nghỉ lễ khác.
Khách sạn, resort đều vật vã với dòng tiền
Nhấn mạnh về tác động kéo dài của dịch bệnh lên lĩnh vực lưu trú, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết tất cả khách sạn đều đang chịu thiệt hại về tài chính do tác động của dịch bệnh.
"Rất nhiều chuỗi khách sạn lớn đang cắt giảm chi phí tối đa một cách có hiệu quả như ngưng hoạt động một số tầng, họ chỉ chi cho các khoản bảo trì, bảo dưỡng, cảnh quan... Trong khi đó, các khách sạn nhỏ không còn nhiều chi phí để cắt giảm. Rất nhiều doanh nghiệp đang vay tiền của ngân hàng, đây là nguyên nhân khiến không ít khách sạn lớn và tầm trung buộc phải phá sản trong thời gian qua", ông cho biết thêm.
Các khách sạn gặp nhiều khó khăn với việc đảm bảo dòng tiền để duy trì hoạt động. Ảnh: Chí Hùng. |
Theo vị chuyên gia, lúc này, cần phải nhìn vào cấu trúc tài chính của các khách sạn.
Nếu chủ sở hữu vẫn còn khoản vay lớn với ngân hàng thì khả năng xảy ra phá sản là rất cao. Điều này vẫn chưa diễn ra tại Việt Nam nhưng ở nhiều quốc gia châu Âu, nơi dịch bệnh đã không được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian dài, nhiều chủ khách sạn đã bị buộc vào tình thế phải bán các khách sạn của mình.
Nếu nguồn tiền của khách sạn là tiền riêng hoặc tiền đầu tư cá nhân, họ phải cắt giảm các chi phí tối đa hoặc trong trường hợp xấu hơn là đóng cửa tạm thời. Nhiều khách sạn đã đóng cửa hoàn toàn, một số khách thì đang hoạt động hạn chế nhất có thể. Trong khi đó, các resort thường khó khăn hơn bởi chi phí bảo trì, vận hành cao hơn nhiều so với khách sạn thông thường.
Hai kịch bản cho ngành khách sạn
Theo ông Mauro Gasparotti, có hai kịch bản trước mắt cho ngành khách sạn tại Việt Nam.
Thứ nhất, nếu Việt Nam có thể kiểm soát được đợt bùng phát dịch trong tháng 5 và tháng 6 tới, điều quan trọng ở đây không đơn giản chỉ là kiểm soát được dịch bệnh mà là người dân có tâm lý an tâm để đi du lịch. Ngoài ra, các chuyến đi ngắn vào dịp cuối tuần cũng sẽ gia tăng trở lại ở các điểm đến không quá xa trung tâm thành phố lớn.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Savills Hotel. |
"Cần cho họ đủ thời gian để lên kế hoạch du lịch trở lại, đặt phòng, đặt vé máy bay... Trong viễn cảnh đó, ngành du lịch sẽ ghi nhận một nhu cầu nghỉ dưỡng mạnh mẽ của người dân vào giai đoạn tháng 7 và tháng 8 do họ đã bị hạn chế trong thời gian dài. Tuy nhiên, kế hoạch nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp, công ty lớn cần nhiều thời gian để sắp xếp hơn, lên đến vài tháng", ông nói với Zing.
Trong kịch bản dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, thị trường sẽ lại diễn biến như chúng ta đã chứng kiến vào năm 2020 với với sự hạn chế di chuyển. Nếu một số cá nhân sẵn sàng đi du lịch trong thời gian dịch bệnh ở những điểm đến ít có nguy cơ lây nhiễm, các khách sạn có thể đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi.
Nhóm du khách này sẽ chỉ là các cặp đôi, người đi du lịch một mình hay theo nhóm nhỏ thay vì các đoàn khách lớn. Ngoài ra, các loại phòng nghỉ như villa, biệt thự biển cũng được ưa chuộng hơn do tính riêng tư và tránh nơi tập trung đông người.
"Theo khảo sát của chúng tôi, do lo ngại việc phải bị cách ly khi đến những nơi có nguy cơ mắc bệnh cao như sân bay, người dân tại Hà Nội và TP.HCM cân nhắc nhiều hơn đến các điểm đến gần như Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt..., nơi họ có thể di chuyển bằng xe hơi riêng của gia đình", vị chuyên gia nói thêm.
Theo Hà Bùi/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/khach-san-resort-vat-va-voi-dong-tien-post1217023.html