Khu vực sân bay Đà Nẵng là một trong 7 khu vực nhiễm độc nặng nhất ở Việt Nam. Khắc phục môi trường ô nhiễm DIOXIN là hoạt động đang thu hút sự quan tâm nhất hiện nay không chỉ trong nước mà còn có sự quan tâm của nhiều nước trên thế giới. Mới đây nhất tại Đà Nẵng, Quân chủng Phòng không Không quân (PKKQ) Quân đội nhân dân Việt Nam, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Đà Nẵng chính thức khởi động Dự án Xử lý Ô nhiễm Môi trường Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng và trong thời gian không xa nữa tại khu vực này sẽ là nơi sống an toàn cho người dân.
Hồ Sen nơi ô nhiễm đioxin nặng nhất tại sân bay Đà Nẵng.
Trả lại đất sạch cho dân
Tính đến nay đã hơn 50 năm kể từ ngày Mỹ rải những thùng chất độc hóa học chết người này xuống Việt Nam. Và cũng hơn 50 năm hàng triệu con người Việt Namđã chịu bao nổi đau vì chất độc hóa học này. Cùng chung với những khu vực bị nhiễm chất độc đioxin trong cả nước, khu vực sân bay Đà Nẵng nằm trong lòng thành phố cũng bị chung số phận ô nhiễm nặng.Khu vực sân bay trước đây là nơi quân đội Mỹ tập kết, vận chuyển gần 95.000 thùng chất độc hóa học để rải các khu vực trong cả nước. Chính vì thế khu vực này đã nhiễm dioxin nặng nhất so với các sân bay khác trên cả nước. Nồng độ dioxin tại sân bay Đà Nẵng từ 9.000 ppt đến 17.000 ppt trong khi nồng độ cho phép trong đất nông nghiệp tại Mỹ chỉ là 1.000 ppt.
Khu vực ô nhiễm đioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Trong một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), hai bên đã thống nhất triển khai thực hiện việc tẩy độc ônhiễm Dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Theo tổ chức USAID cho biết để xử lý toàn bộ vùng nhiễm độ tại khu vực sân bay Đà Nẵng tổng chi phí dự kiến ban đầu khoảng 34 triệu USD, Quốc hội Hoa Kỳ đã cấp bổ sung 12 triệu USD để hỗ trợ cho việc xử lý triệt để tình trạng nhiễm độc tại khu vực này và dự kiến sẽ có nguồn hỗ trợ bổ sung.
Theo ước tính khu vực cần xử lý rộng 191.400m2 với khoảng 72.900m3 đất và trầm tích. Toàn bộ khối lượng đất tại khu vực này sẽ được đào bóc, cho vào lò phân hủy trong mố IPTD có kích thước cao từ 6-8m, rộng 10m và dài 70-90m. Với phương pháp hấp nhiệt, khi nhiệt độ trong mố IPTD đến mức 300 - 350°C, độc tố DIOXIN trong đất sẽ bị phân hủy. Đất sau khi được xử lý sẽ được đưa lại vị trí cũ, có thể yên tâm trồng cây, chăn nuôi…Và để bảo đảm rằng đây là Đất Sạch đạt theo tiêu chuẩn bắt buộc của Việt Nam và Mỹ thì toàn bộ lượng đất sau khi xử lý phải qua kiểm tra một lần nữa trước khi trả lại vị trí cũ. Dự kiến đến năm 2015 dự án sẽ hoàn thành sẽ tạo ra khoảng 29 ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại và người dân yên tâm không lo bị ô nhiễm khi sống tại khu vực này.
Các chuyên gia nước ngoài, các tổ chức, tập đoàn Hoa Kỳ đi thực tế tại khu vực ô nhiễm đioxin tại sân bay Đà Nẵng
Thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến người dân
Một vấn đề đặt ra trong công tác triển khai thi công Bà Randa Chichakli thay mặt Nhà thầu quản lý và Giám sát Xây dựng dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm DIOXIN tại sân bay Đà Nẵng” cho biết: Nhà thầu sẽ sử dụng các giải pháp kỹ thuật để ngăn ngừa triệt để nhất không cho độc chất phát tán ô nhiêm vào nước và không khí. Với các biện pháp như sử dụng hàng rào bằng vải lụa để thu đất bùn, cặn lắng từ nước thải ở khu vực chịu ô nhiễm. Không chỉ bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an toàn cho người làm trực tiếp mà cộng đồng dân cư chung quanh cũng sẽ được bảo vệ an toàn.
Đà Nẵng là khu vực có mưa nhiều và thường xuyên ảnh hưởng của bão lũ. Đối với việc thi công bóc tách những khối lượng đất, bùn ở đây vào thời điểm có mưa hay có gió lớn sẽ làm lượng đioxin dễ phát tán gây ô nhiễm. Khi nói về vấn đề này, Bà Randa Chichakli nhấn mạnh: Sẽ hạn chế tối đa thi công trong mùa mưa và bảo vệ toàn bộ công trường khi có mưa lớn. Dừng thi công ngay và không tổ chức thi công trong những ngày có gió mạnh…Chúng tôi sẽ đo nồng độ nền của bụi bình thường và đo nồng độ dioxin có trong bụi lúc thi công. Bất luận điều gì, nếu nồng độ nầy tăng cao, lập tức phải phát lệnh dừng thi công.
Trong năm 2011, Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham quan, khảo sát thực tế công nghệ khử hấp thu nhiệt, xử lý đất nhiễm hợp chất Clorobenzen tại xưởng đóng tàu Hunter Point, khu hải quân Mỹ (ở gần TP San Francisco, bang California). Tháng 5/2012 vừa qua, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Namtiếp tục đến Đan Mạch để tìm hiểu một lần nữa về công nghệ hấp thu nhiệt. Với công nghệ này được xem là hiệu quả nhất hiện nay trong việc xử lý chất độc gây nguy hiểm như đioxin.
Đại sứ Hoa Kỳ David B. Shear phát biểu tại buổi lễ khởi công dự án Xử lý môi trường ô nhiễm DIOXIN tại sân bay Đà Nẵngvà cho rằng: Dự án mà chúng ta khởi động hôm nay là chung tay cùng người dân Việt Nam tạo ra một môi trường an toàn và trong sạch hơn cho người dân sống ở khu vực đang phát triển nhanh và năng động này. Đây còn là một dấu hiệu của tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng. Cả hai nước chúng ta đang di chuyển đất và tiến hành những bước đầu tiên để chôn vùi những di sản của quá khứ. Tôi mong chờ nhiều thành công hơn nữa sẽ tiếp nối trong thời gian tới.
Sau thành công dự án xử lý môi trường ô nhiễm đioxin khu vực sân bay Đà Nẵng, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đánh giá tác động và có biện pháp xử lý dứt điểm ở sân bay Phú Cát, Biên Hòa.
Ngọc Long
Theo baoxaydung.com.vn