Cải cách thủ tục hành chính là một trong những kênh quan trọng giúp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh gia đoạn hậu COVID-19.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ về CCTTHC. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị trực tuyến “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19” do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tổ chức tại Hà Nội chiều 26/5.
Giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Liên quan đến những giải pháp cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam khẳng định các giải pháp cải cách gặp nhiều khó khăn do CCTTHC động chạm đến lợi ích của nhiều người; khó khăn trong đổi mới mô hình quản lý cán bộ công chức; xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; xử lý TTHC bằng công nghệ thông tin; điều chỉnh quan hệ giữa cấp Trung ương và địa phương…
Đánh giá cao Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh Nghị quyết đã tạo khung pháp lý để đột phá CCTTHC, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Theo đó, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trong các văn bản hiện hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa 20% số quy định, 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Vinh, Cố vấn cao cấp về chính sách (Dự án LinkSME) nhấn mạnh Nghị quyết 68/NQ-CP góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ quy định mà doanh nghiệp phải chi trả; làm rõ các quy định để doanh nghiệp không mất thời gian tìm hiểu; tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, dễ đoán định, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh tốt hơn. Đồng thời, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài nhiều hơn; tạo niềm tin vào hệ thống kinh doanh trong nước.
Nhấn mạnh vai trò của CCTTHC, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng đây là một trong những kênh quan trọng giúp doanh nghiệp "vực dậy" hoạt động sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19.
CCTTHC khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; giải phóng nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, hiệu quả; giúp giảm chi phí giám sát, kiểm tra, đánh giá của Nhà nước cũng như chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân và quan trọng nhất là sẽ giảm chi phí cơ hội cũng như chi phí không chính thức.
Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Qua khảo sát 15 ngành nghề bị tác động bởi COVIC-19, thì ngành dệt may, da giày, sản xuất kinh doanh thép, khai khoáng, khai thác dầu thô, du lịch, vận tải kho bãi, tài chính ngân hàng, kinh doanh bất động sản và giáo dục đào tạo là những ngành hiện đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất.
Chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh tiến độ thực hiện các gói hỗ trợ đã ban hành; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế với cú sốc bên ngoài.
Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến việc thực hiện mô hình "3 Rs" (Respond, Recover và Re-invent), tức ứng phó với đại dịch, phục hồi và đổi mới, sáng tạo mô hình, chiến lược kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh số; cải cách hành chính thực chất; nâng cao năng suất lao động; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi giá trị...
Tại hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp cho biết dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất sản xuất cầm chừng. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn, Nhà nước và Chính phủ tiếp tục cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và tổ chức thực thi một cách hiệu quả, sớm đưa những kết qua cải cách đi vào cuộc sống.
Nhiều lợi ích từ Cổng Dịch vụ công quốc gia
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông tin về chính sách, quy trình thực hiện thủ tục tiếp nhận gói hỗ trợ của Chính phủ để khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 trong các lĩnh vực an sinh xã hội, tài chính-ngân hàng. Đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ - VPCP) trình bày tổng quan về Cổng Dịch vụ công quốc gia (DCVQG).
Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết Bộ đã phối hợp với VPCP xây dựng quy trình để các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ cho người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hay ngừng việc có thể nộp hồ sơ đề nghị trên Cổng DVCQG.
Việc triển khai nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVCQG sẽ bảo đảm tránh tiếp xúc trực tiếp trong điều kiện dịch bệnh, tiến tới cải cách hành chính, các doanh nghiệp không tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan chức năng của Nhà nước trong giải quyết các thủ tục, có thể hạn chế được các tiêu cực có thể phát sinh, giảm chi phí cho các cơ quan (hồ sơ tài liệu, văn thư); rút ngắn được thời gian xử lý. Thời gian thẩm định hồ sơ sẽ rút ngắn xuống còn 1 ngày so với 3 ngày nếu nộp trực tiếp.
Hiện Bộ LĐTB&XH đã hoàn thiện lại mẫu báo cáo tài chính doanh nghiệp rút gọn để giúp các cơ quan thẩm định tại địa phương nhanh chóng, thuận lợi trong quá trình thẩm định, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giúp sớm hỗ trợ được người lao dộng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh. Sau khi VPCP có văn bản hướng dẫn chính thức quy trình thực hiện trên Cổng DVCQG thì các doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ thực hiện nộp hồ sơ đề nghị thông qua Cổng DVCQG.
Nhấn mạnh những lợi ích của Cổng DVCQG, đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết doanh nghiệp sẽ được cung cấp thông tin TTHC, dịch vụ công kịp thời, chính xác, đầy đủ; thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác; được theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ việc hỏi/đáp các vấn đề thường gặp trong giải quyết TTHC với hơn 10.000 câu hỏi/trả lời; được tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị khó khăn, vướng mắc về quy định, thực hiện quy định hành chính…
Đại diện Bộ LĐTB&XH thông tin về chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 lĩnh vực an sinh xã hội. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh sử dụng Cổng DVCQG là quyền lợi của doanh nghiệp, nếu không thực hiện doanh nghiệp sẽ tự mình làm mất cơ hội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tăng cường sử dụng Cổng DCVQG, góp phần vào công cuộc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết các ý kiến liên quan đến miễn giảm thuế, vướng mắc về TTHC, sự chồng chéo giữa các luật, các thủ tục về xin giấy phép hoạt động… sẽ được chuyển đến các bộ, cơ quan xử lý trong phạm vi thẩm quyền; VPCP sẽ báo cáo Thủ tướng những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thời điểm hiện nay, với những khó khăn, thách thức và vận hội, thời cơ lớn, để tận dụng được những cơ hội mới, doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát triển, thúc đẩy, tăng cường hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước, đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường nội địa, khai thác tốt lợi thế của đất nước gần 100 triệu dân. Đồng thời tranh thủ các cơ hội để tham gia vào các liên kết kinh tế, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết thời gian qua.
Trong những tháng còn lại của năm 2020 và thời gian tới, với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ vừa trước mắt vừa lâu dài của Chính phủ để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP tin tưởng rằng các doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi và tạo ra những bứt phá mới, giá trị mới đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Hoàng Giang-Gia Huy/BaoChinhphu.vn