Thứ ba 23/04/2024 20:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Kế hoạch phát triển thành phố thông minh ở ASEAN và trở ngại

20:03 | 16/04/2019

Khả năng tiếp cận vốn là trở ngại lớn nhất cho việc phát triển các thành phố thông minh tại ASEAN do các nước này phải vật lộn để tìm kiếm nguồn đầu tư thay thế cho những dự án hạ tầng chi phí cao.


Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV)

Khả năng tiếp cận vốn đang nổi lên là trở ngại lớn nhất cho việc phát triển các thành phố thông minh tại các quốc gia thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), do các nước này phải vật lộn để tìm kiếm những nguồn đầu tư thay thế cho những dự án cơ sở hạ tầng với chi phí cao.

Theo tờ Bangkok Post, ngay tại Thái Lan, chính phủ nước này thông qua Cơ quan Thúc đẩy Kinh tế Số (DEPA) đang hối thúc các thành phố hợp tác với khu vực tư nhân để thành lập công ty phát triển đô thị theo mô hình hợp tác công tư (PPP) nhằm đảm bảo vốn cho các dự án phát triển.

Điều quan trọng hơn, mô hình PPP sẽ thúc đẩy việc sử dụng và quản lý tài sản ở các thành phố, đồng thời nắm bắt những doanh nghiệp sáng tạo nhằm đẩy nhanh quá trình trở thành một thành phố thông minh hoặc một thành phố được gắn nhiều cảm biến thu thập dữ liệu để tối ưu hóa các dịch vụ như điện và đèn tín hiệu giao thông.

Mô hình công ty phát triển đô thị đã được thành lập ở Phuket, Chiang Mai và Khon Kaen.

Ông Passakon Prathombutr, Phó Chủ tịch điều hành kiêm trưởng bộ phận công nghệ của DEPA, nói rằng quan hệ đối tác với khu vực tư nhân ở cấp tỉnh là chìa khóa cho sự thành công.

Các công ty địa phương nên phối hợp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng thông minh bằng cách chia sẻ dữ liệu và tìm ra những phương thức sáng tạo để giải quyết các thách thức lớn trong thành phố.

Mô hình công ty phát triển đô thị là cách tốt nhất để đảm bảo vận hành và quản lý các dự án phát triển một cách hiệu quả.

Chính phủ Thái Lan hiện đang mong muốn thấy các doanh nghiệp địa phương ở những tỉnh khác cân nhắc việc thành lập công ty phát triển đô thị, coi đó là cách thức tăng cường việc sử dụng và quản lý tài sản, cho phép phát triển các thành phố thông minh phù hợp với lộ trình kinh tế số của chính phủ.

Ông Passakon nhận xét các công ty địa phương biết rõ những điểm mạnh của tỉnh mình và ưu tiên thực hiện các chương trình thành phố thông minh.

Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang tăng tốc thực hiện mục tiêu thúc đẩy phát triển thành phố thông minh.

Năm ngoái, 10 khu vực ở bảy tỉnh đã bắt đầu quá trình chuyển đổi thành đô thị thông minh.

Chính phủ Thái Lan hy vọng thúc đẩy thêm 30 khu vực đô thị thông minh tại 24 tỉnh vào năm 2019 và mở rộng ra 100 khu vực tại 76 tỉnh và thủ đô Bangkok vào năm 2022.

Theo ông Passakon, có ba trở ngại chính cho việc phát triển các thành phố thông minh tại các nước ASEAN, đó là tài chính, việc thực hiện và việc ra quyết định.

Các rào cản về tài chính là trở lại lớn nhất đối với các nước ASEAN, tiếp theo là việc thực hiện các thủ tục, kể cả những quy định mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thành phố thông minh.

Đối với các rào cản tài chính, việc phát triển thành phố thông minh gặp phải những thách thức về cam kết hoàn vốn đầu tư và khả năng tài khóa để thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng đòi hòi các chi phí tăng cao.

Các dự án phát triển thành phố thông minh cần tìm những nguồn vốn khác để thành công.

Các rào cản cho việc thực hiện bao gồm việc thiếu kế hoạch dài hạn và rõ ràng hoặc thiếu nhân lực, kỹ thuật hay vật liệu. Việc phát triển thành phố thông minh cần có sự điều phối hiệu quả và các cơ cấu quy định.

Việc ra quyết định cũng là một trở ngại lớn, với thông tin hạn chế về kết quả và chi phí của những công việc cụ thể và về công nghệ sẽ được sử dụng trong các dự án.

Ông Passakon cho rằng phát triển thành phố thông minh bằng cách áp dụng công nghệ số đang được thực hiện rộng rãi trong khu vực như là một phần của chương trình nghị sự quốc gia.

Liên đoàn Công nghệ Thông tin và Viễn thông Campuchia đang xây dựng một thị trấn thông minh gần thủ đô Phnom Penh.

Thị trấn mới này sẽ sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông trong nhiều lĩnh vực khác nhau để tăng hoạt động và tiện dụng, tối ưu hóa nguồn lực tiêu dùng và kết nối tích cực với dân cư.

Lào đã giới thiệu một hệ thống CCTV (camera vòng kín) và kế hoạch kết nối công tơ điện của các hộ gia đình.

Đối với Việt Nam, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh vào năm 2025, làm việc với IBM để phát triển cơ sở hạ tầng thông minh để giải quyết vấn đề quản lý nước, năng lượng cũng như cảnh báo thảm họa.

Tại Myanmar, Chính phủ cho ra mắt Hệ thống Thanh toán Yangon vào năm 2017 nhằm tiêu chuẩn hóa các phương thức thanh toán trong hệ thống giao thông công cộng.

Hệ thống thẻ này sẽ giúp Sở Giao thông Yangon tăng cường sự tin cậy của xe buýt đối với công chúng.

Tại Thái Lan, Chính phủ thông qua Ủy ban Thành phố Thông minh Quốc gia đang hối thúc các thành phố đệ trình những đề xuất đô thị thông minh.

Những thành phố được phê duyệt sẽ được sử dụng biểu trưng Thành phố Thông minh Thái Lan và có thể xin những đặc quyền đầu tư từ Ủy ban Đầu tư.

Việc biến đổi thành đô thị thông minh có thể liên quan đến một hoặc bảy tiêu chí thành phố thông minh là kinh tế, đi lại, năng lượng, đời sống, người dân, quản trị và môi trường./.

Theo Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load